Khó khăn trong việc thực thi pháp luật bảo hiểm xã hội

0
622

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã dành cho truyền hình ANTV bài phỏng vấn về nội dung bảo hiểm xã hội, mời các bạn đón xem nội dung tại đây:

Câu hỏi 1: Có hay không việc khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH đang gặp khó khăn do bế tắc vì luật như Luật BHXH, Luật Tố tụng dân sự và Luật Hình sự (chưa hoàn thiện)? Do đó, muốn khởi kiện các DN này phải chờ các Luật hoàn thiện thưa ông?

Luật sư trả lời:

Bộ Luật Lao động năm 2012 có nhiều quy định có lợi hơn cho người lao động (NLĐ) như: chế độ tiền lương, xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), …Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng nợ đọng BHXH diễn ra ngày càng nghiêm trọng với số tiền nợ BHXH của doanh nghiệp đối với NLĐ đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Thứ nhất, theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 14 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:

d) Khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật công đoàn …”.

thì tổ chức công đoàn (CĐ) có quyền khởi kiện doanh doanh nợ, trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác khởi kiện còn nhiều vướng mắc do pháp luật đang có sự chồng chéo và bất cập trong việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH:

  • Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, để CĐ khởi kiện được và Tòa án thụ lý được thì phải thực hiện theo Bộ luật tố tụng Dân sự nhưng Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) có hiệu lực ngày 01 tháng 07 năm 2016, như vậy trong 6 tháng đó là có khoảng trống.
  • Bộ luật Hình sự năm 2015 đáng lẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 nhưng do bị sự cố Quốc hội đã phải tạm dừng, chỉnh sửa lại.

Thiết nghĩ có thể phải sửa đổi, bổ sung để có sự đồng bộ về Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật BHXH, Bộ luật Hình sự nhằm tạo sự thuận lợi trong công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Bên cạnh đó, để giảm nợ BHXH cần phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát và nâng cao ý thức chấp hành của doanh nghiệp và đơn vị tham gia BHXH.

Thứ hai, để tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề này, nhằm bảo đảm quyền lợi an sinh cho NLĐ:

  • Ngày 30/6/2016, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) đã ban hành Hướng dẫn số 995/HD-TLĐ công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể. Theo đó, TLĐLĐVN hướng dẫn quy trình khởi kiện của các cấp CĐ và đã phối hợp với cơ quan BHXH tập huấn cho các cấp CĐ trong cả nước.
  • Đồng thời, TLĐLĐVN đã có công văn gửi Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị trả lời, tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại trong việc khởi kiện DN nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ra Tòa án.

Câu hỏi 2: Có phải, Tòa án NDTC đang cho rằng: Nếu Công đoàn (CĐ) khởi kiện thì phải khởi kiện BHXH chứ không phải khởi kiện doanh nghiệp bởi vì BHXH đã được Nhà nước giao quyền yêu cầu các DN tuân thủ pháp luật nên hầu hết các vụ kiện Tòa đều trả lợi hồ sơ không thưa ông?

Luật sư trả lời:

Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, việc chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật BHXH, mà đã là hành vi bị nghiêm cấm thì phải bị xử lý theo luật xử lý vi phạm hành chính, tức là cơ quan BHXH có chức năng thanh tra thu phải là cơ quan phải xử phạt trước. Sau xử phạt mà DN vẫn cố tình không đóng thì BHXH có quyền kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền cao hơn. Và cuối cùng, đi theo con đường khởi tố hình sự theo quy định tại Điều 254, 255, 256, đang được dự thảo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo quan điểm của phía Tòa án thì đây là hành vi bị nghiêm cấm không thể kiện về tranh chấp, đây là vi phạm pháp luật, đã là vi phạm pháp luật thì phải tuân thủ chứ không thể có kiện và khởi kiện.

Do đó, trong Công văn số 105/TANDTC-PC&QLKH về việc thi hành Luật Bảo hiểm xã hội, Tòa án nhân dân tối cao đã yêu cầu các tòa trước đây đã thụ lý hồ sơ nợ, trốn đóng BHXH của các DN thì các tòa địa phương trả lại hồ sơ và yêu cầu ngành BHXH phải thực hiện theo đúng các quy định. Nếu CĐ khởi kiện thì phải khởi kiện BHXH chứ không phải khởi kiện doanh nghiệp bởi vì Nhà nước giao cho BHXH quyền yêu cầu các DN tuân thủ pháp luật mà BHXH không thực hiện được thì CĐ khởi kiện BHXH. Do đó Tòa án không thụ lý.

Câu hỏi 3: Vậy hướng giải quyết nợ đọng BHXH tới đây của BHXH VN sẽ như thế nào khi đây là số tiền rất lớn trong khi quỹ BHXH có nguy cơ bị vỡ?

Luật sư trả lời:

Để giải quyết nợ đọng BHXH khi quỹ BHXH có nguy cơ bị vỡ, việc đầu tiên là các cơ quan chức năng cần kiểm tra và xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đồng thời tăng cường tuyên truyền vận động các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định đóng BHXH. Tiếp đến, cần sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nội dung của Luật BHXH.

Thứ hai, BHXH Việt Nam cần khẩn trương áp dụng phương thức nộp hồ sơ, đăng ký tăng giảm qua phần mềm để rút ngắn thời gian chờ đợi, vừa giảm tải được công việc vừa tránh được sai sót.

Thứ ba, xét trên thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, việc ban hành chính sách của Nhà nước có liên quan đến BHXH và các hình thức bảo hiểm bắt buộc khác cần phải được tính toán hợp lý, dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng phải căn cứ vào tình hình kinh tế của doanh nghiệp để không tạo thêm sức ép đối với sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, BHXH cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc thu, nộp BHXH cho NLĐ. Đặc biệt, với cơ cấu thị trường lao động như hiện nay, việc khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia vào hệ thống BHXH là hết sức quan trọng để tạo thêm nguồn cho quỹ bảo hiểm. Vấn đề này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan, tổ chức liên quan, đặc biệt là BHXH Việt Nam và cơ quan thuế trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính theo luật định.

Câu hỏi 4: Trong số hơn 6.000 tỷ đồng nợ BHXH thì có đến 1.400 tỷ nói là nợ khó đòi, nhưng thực tế thì không có khả năng đòi bởi chủ DN đã bỏ trốn, hoặc DN phá sản, giải thể. Những trường hợp thế này thì sẽ giải quyết thế nào thưa ông?

Luật sư trả lời:

Ở Việt Nam, hiện số nợ BHXH của các doanh nghiệp lên đến hơn 6.000 tỷ đồng, đặc biệt trong đó có 1.400 tỷ là nợ khó đòi (do doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, giải thể hoặc phá sản). Không những không thu được một số tiền lớn BHXH mà điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng chục nghìn lao động.

Tại Khoản 7 Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) về BHXH như sau:

7. Trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động”.

Như vậy, Chính phủ phải ban hành một quy định về việc xử lý các khoản nợ ở các doanh nghiệp mà có chủ bỏ trốn, giải thể, phá sản. Theo tôi được biết, Bộ LĐ-TBXH cũng đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Khoản 7 Điều 10 của Luật BHXH, cũng đã lấy ý kiến các cơ quan chức năng và hiện nay cũng đang chuẩn bị trình Chính phủ.

Câu hỏi 5:  BHXH VN và Tổng LĐLD VN phối hợp như thế nào trong giải quyết vấn đề nợ đọng BHXH thưa ông?

Luật sư trả lời:

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam trong giải quyết vấn đề nợ đọng BHXH. Hai bên đã ký Quy chế số 2803/QCPH-TLĐ-BHXH về công tác phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT giai đoạn 2015-2020 hướng tới mục tiêu là thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.

Vừa mới đây, thực hiện Quy chế số 2803/QCPH-TLĐ-BHXH về công tác phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT giai đoạn 2015-2020, BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch số 474/KH-BHXH-TLĐ phối hợp công tác năm 2017.

Theo đó, Kế hoạch tập trung vào 4 nội dung gồm:

  • Xây dựng và hướng dẫn chính sách;
  • Khởi kiện, thanh tra và kiểm tra DN;
  • Thông tin và truyền thông;
  • Phối hợp thực hiện các nội dung khác theo Quy chế số 2803/QCPH-TLĐ-BHXH.

Cụ thể, việc khởi kiện, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp sẽ do Vụ Pháp chế, Vụ Thanh tra – Kiểm tra, Ban Thu (BHXH Việt Nam) và Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) phối hợp thực hiện. Hai bên có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan BHXH và tổ chức Công đoàn các cấp trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật; tổ chức các cuộc họp giữa lãnh đạo TAND tối cao, BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Văn phòng chính phủ… về việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc giao cho Công đoàn khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; giải quyết, khiếu nại, tố cáo và giải quyết đơn thư về BHXH, BHYT; tổ chức phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành việc chấp hành pháp luật và thực hiện các chính sách BHXH, BHYT đối với NLĐ; …

Đồng thời, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Thanh tra Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam, BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện công tác giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH trong doanh nghiệp tại các địa phương.