Trong chương trình VITV, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có phần trao đổi về Khó khăn về việc đầu tư bất động sản của kiều bào.
Câu hỏi: Kể từ khi Nghị Quyết 36 dành cho người Việt Nam ở nước ngoài có hiệu lực, đa phần kiều bào rất vui mừng. Tuy nhiên, chính sách tốt nhưng triển khai chưa tốt khiến cho kiều bào vẫn khó khăn trong quá trình làm thủ tục đầu tư vào bất động sản trong nước. Vậy theo ông thì khó khăn đó là gì và nguyên nhân do đâu?
Luật sư trả lời:
Mặc dù, Luật Nhà ở năm 2014 đã cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài (kiều bào) mua và sở hữu tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại những vướng mắc gây khó khăn cho kiều bào trong quá trình làm thủ tục đầu tư vào bất động sản trong nước:
- Thủ tục hành chính còn phức tạp, chồng chéo, thủ tục xin cấp phép đầu tư rườm rà. Các chính sách thu hút đầu tư thiếu nhất quán, hay thay đổi và không rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
- Ngoài các dự án đầu tư riêng lẻ, cộng đồng kiều bào cũng chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình đầu tư, thị trường, các ngành nghề trọng điểm cần vốn đầu tư cũng như các chính sách ưu đãi trong đầu tư các lĩnh vực sản xuất quan trọng. Để tiếp cận thông tin, nhiều nhiều doanh nghiệp kiều bào phải thông qua trung gian, gây tốn kém chi phí.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do:
- Các chính sách (đặc biệt là Luật Nhà ở) chậm đi vào thực tế.
- Nhà nước ban hành nhiều chính sách rất tốt, nhưng về mặt triển khai chưa hiệu quả, quá trình thực thi còn nhiều vấn đề bất cập.
- Một số hạn chế liên quan đến các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, hệ thống cơ sở hạ tầng, sự phân biệt đối xử của một số cơ quan công quyền, … cũng đang làm ảnh hưởng tới niềm tin và quyết định đầu tư vào bất động sản trong nước của các nhà đầu tư kiều bào.
- Đặc biệt, quy định về thời gian sở hữu, hạn chế về số lượng, tỷ lệ sở hữu trong một khu vực gây khó khăn cho những dự án tốt.
Câu hỏi: Để khắc phục được tình trạng này cần có những giải pháp như thế nào?
Luật sư trả lời:
Theo tôi, để khắc phục tình trạng này cần có những giải pháp sau:
- Nếu trong nước thực sự muốn phát huy tiềm năng của nhà đầu tư Việt Kiều ở nước ngoài thì các thủ tục cần đơn giản hơn nữa, có thể bỏ qua những chi tiết không cần thiết giúp cho Kiều bào thuận tiện hơn. Hơn thế, nếu có những chính sách, quy định để bảo đảm nguồn vốn đem về đầu tư, thì chắc chắn lượng Việt kiều hướng về quê hương đầu tư sẽ tăng dần trong tương lai.
- Nhà nước nên có các chương trình tập huấn cho các cán bộ lãnh đạo và những người trực tiếp xúc với nhà đầu tư Việt kiều.
- Nhà nước đã đề ra nhiều chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, những tiến bộ đó đã tạo thuận lợi cho Việt kiều gửi tiền về nước cho người thân đầu tư, kinh doanh. Tuy vậy, các quy định đã được thực hiện có tính cục bộ, giải quyết từng việc, chưa tạo ra bước đột phá lớn về chính sách đối với Việt kiều. Đã đến lúc Nhà nước cần ban hành chính sách đồng bộ, toàn diện đối với Việt kiều