Doanh nghiệp vẫn thờ ơ với sở hữu trí tuệ

0
827

Sở hữu trí tuệ (SHTT) nhãn hiệu hàng hóa là một khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất và bảo vệ thương hiệu nhưng thực tế doanh nghiệp (DN) tham gia đăng ký SHTT rất ít và đứng trước nguy cơ mất thương hiệu cho sản phẩm nghiên cứu sáng tạo ra là rất rõ ràng.

Chia sẻ tại hội thảo Hoàn thiện chính sách, pháp luật và quản lý Nhà nước về SHTT trong khuôn khổ Đề án “Xây dựng chiến lược SHTT Việt Nam 2018-2030” ngày 25/10, ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách Cục SHTT cho biết, đến nay hệ thống SHTT Việt Nam đã tiến gần hơn với hệ thống SHTT của nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Phát huy tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ. Thông qua việc ngày càng nhiều hoạt động góp vốn, liên doanh, liên kết, chuyển nhượng tài sản trí tuệ đã khẳng định được vai trò của hệ thống pháp lý SHTT ở Việt Nam.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, hệ thống pháp lý SHTT cần được hoàn thiện về mặt cơ chế bảo hộ để đáp ứng cho xu thế tình hình mới. Tiếp đó, nghiên cứu, tận dụng linh hoạt các cam kết quốc tế cho phép và vận dụng kinh nghiệm thực tiễn và pháp luật về SHTT của các nước phù hợp theo điều kiện của Việt Nam.

Cụ thể, dù hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn thiếu những văn bản hướng dẫn liên quan đến các đối tượng quyền SHTT mới phát sinh qua tình hình thực tế sự phát triển của khoa học công nghệ và toàn cầu hóa thương mại quốc tế như: nguồn gen, tri thức truyền thống, văn hóa dân gian, nhãn hiệu âm thanh, mùi vị, …hệ thống văn bản cồng kềnh.

Bà Hà Thị Nguyệt Thu, đại diện Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện nay tình hình kinh tế phát triển, hội nhập rất nhanh, thị trường luôn mở rộng, dẫn đến khả năng cạnh tranh giữa các nhà sản xuất hàng hóa luôn khốc liệt, đòi hỏi DN phải chủ động đăng ký sở hữu trí tuệ để giữ bản quyền nhưng nhiều DN hiện chưa quan tâm đến vấn đề này. Theo bà Thu, từ năm 2006-2016 lượng đơn đăng ký SHTT của các DN đạt 104.275 đơn, bình quân mỗi năm số đơn nhận được tăng từ 10-15%. So với nước ngoài, lượng đơn đăng ký SHTT hàng hóa của Việt Nam còn thấp, cụ thể như lĩnh vực sáng chế đơn của người Việt Nam chỉ chiếm 9,5% trên tổng lượng đơn đã nộp để giữ bản quyền SHTT.

Phó Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bách nhìn nhận, hiện nay phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái rất tinh vi và ngày càng diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2017, lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện 310 vụ hàng giả, xâm phạm nhãn hiệu, giá trị hàng hóa vi phạm 2,8 tỷ đồng. Trong các vụ hàng giả, vi phạm SHTT đã bị xử lý, các sản phẩm có thương hiệu càng lớn càng bị xâm phạm. Cụ thể như nhãn hàng Chenel có 57 vụ vi phạm, Louis Vuitton 20 vụ, Nike và Adidas 61 vụ, Polo 5 vụ…

Hàng giả, hàng nhái xuất hiện nhiều trên thị trường và diễn biến ngày càng phức tạp do đâu? Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách Cục SHNguyễn Văn Bảy – cho rằng, mặc dù hệ thống SHTT Việt Nam đã tiến gần hơn với hệ thống sở hữu trí tuệ của các nước nhưng việc thực thi các chính sách hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo chưa được chú trọng. Mặt khác, do công tác phối hợp trong việc xây dựng, soạn thảo các văn bản chưa chặt chẽ, dẫn đến các quy định còn có những mâu thuẫn khi thực thi. Từ đó, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật SHTT hiện tại nội dung chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc tiếp cận các cơ quan quản lý, cũng như DN. Theo ông Bảy, các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính hiện còn quá nhiều đầu mối, trong khi năng lực lại hạn chế, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả đã xử lý chưa thuyết phục.

Trước thực trạng này, ông Lê Ngọc Lâm, Cục phó Cục SHTT nhấn mạnh, khi đã xác định được vị trí và vai trò của chính sách SHTT một cách đúng đắn, nhất thiết phải nghĩ tới khâu hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT theo hướng thể hiện được các quan điểm, mục tiêu mà chính sách đã đặt ra. Đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách sử dụng SHTT để tạo cơ hội khuyến khích sáng tạo, chuyển giao và phổ biến công nghệ. Bên cạnh đó, muốn khuyến khích mọi người tìm đến SHTT cần hoàn thiện quy trình xử lý đơn đăng ký, xây dựng cơ chế đặc thù về kiểm soát chất lượng thẩm định cũng như nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thẩm định đơn đăng ký SHTT.