Câu hỏi: Năm nay, tôi 14 tuổi và người yêu tôi 22 tuổi. Chúng tôi muốn đi đến hôn nhân (tự nguyện) sớm nhưng tôi chưa đủ tuổi. Vậy nếu chúng tôi vẫn cưới thì sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn thì:
“Điều 8. Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Trong trường hợp này của bạn, thì bạn 14 tuổi, chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Nên nếu hai bạn đến cơ quan đăng ký kết hôn thì sẽ bị từ chối vì không đủ điều kiện kết hôn theo quy định. Vì vậy, nếu hai bạn vẫn cố tình tổ chức đám cưới thì trường hợp của hai bạn sẽ bị coi là tảo hôn nên về mặt pháp lý thì pháp luật không công nhận và bảo vệ cuộc hôn nhân này. Và hai bạn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Quy định của pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật về hành vi tảo hôn. Theo quy định tại Điều 47 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định:
“Điều 47. Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó”.
Theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“Điều 183. Tội tổ chức tảo hôn
Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm …”.
Như vậy nếu hai bạn vẫn cố tình tổ chức đám cưới khi bạn chưa đủ tuổi kết hôn thì người tổ chức đám cưới này bị phạt từ 300.000 đồng – 1.000.000 đồng. Sau khi bị xử lý vi phạm hành chính mà vẫn cố tình tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ đổ tuổi kết hôn thì người tổ chức sẽ có thể bị phạt 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Còn đối với hai bạn, nếu Tòa án nhân dân buộc chấm dứt qua hệ mà hai bạn vẫn tiếp tục duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng – 3.000.000 đồng.
Ngoài ra, hiện tại bạn mới chỉ 14 tuổi thì nếu hai bạn xảy ra quan hệ tình dục thì người yêu bạn sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):
“Điều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Có tính chất loạn luân;
d) Làm nạn nhân có thai;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
e) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.
………………………………….
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Và việc khởi tố vụ án đối với việc này không phụ thuộc vào yêu cầu của bị hại. Nên khi có hành vi phạm tội, dù gia đình bạn không khởi kiện thì người yêu bạn vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.