Được ủy quyền lại cho cá nhân, pháp nhân khác tham gia tố tụng

0
1282

Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân. Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; một số quy định của pháp luật trong giải quyết các tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Theo đó, cá nhân được quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác tham gia tố tụng tại Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Tương tự, pháp nhân có quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác khởi kiện, tham gia tố tụng tại Tòa án để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Đồng thời, cá nhân, pháp nhân được ủy quyền cũng được ủy quyền lại cho pháp nhân, cá nhân khác tham gia tố tụng nếu được bên ủy quyền đồng ý bằng văn bản.

Cũng theo Nghị quyết, bên mua khoản nợ xấu, khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bên bán và được xác định tư cách đương sự thay thế cho bên bán.

Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018 đến sau 5 năm kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2018 (tức 15/5/2022).

Trong tiểu mục Hiểu đúng làm đúng truyền hình quốc hội, luật sư Nguyễn Thanh Hà đã tư vấn cho các đương sự về Trách nhiệm pháp lý khi huỷ hoại tài sản của người khác.