Phân chia thừa kế nhưng không thỏa thuận được thì phải làm thế nào?

0
547

Câu hỏi: Xin hỏi luật sư, cha tôi mất để lại một mảnh đất, hiện tại mẹ tôi vẫn còn sống và đây là tài sản chung của bố mẹ tôi thì luật sư cho tôi hỏi mẹ tôi có quyền chia cho các con mảnh đất này không? Vì gia đình tôi không thể thỏa thuận được việc chia thừa kế như thế nào cho hợp lý, các anh tôi nói tôi là con gái nên không đồng ý chia cho tôi. Giờ tôi không biết phải làm thế nào, mong nhận được sự phản hồi sớm từ luật sư. Tôi xin cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Khoản 1, điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

  1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
  2. a) Không có di chúc;
  3. b) Di chúc không hợp pháp;
  4. c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
  5. d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Đồng thời, điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

  1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
  2. a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  3. b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  4. c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
  5. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
  6. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Theo căn cứ trên thì chỉ cần là người thuộc một trong số các trường hợp được quy định trên thì sẽ được hưởng một phần trong khối tài sản của người chết để lại khi họ không để lại di chúc và những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Như vậy trong trường hợp này, do cha bạn không để lại di chúc nên bạn cũng có quyền được hưởng một phần trong khối tài sản của cha bạn. Trong trường hợp không thể thỏa thuận được việc chia thừa kế thì bạn có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lên UBND xã/phường nơi có di sản thừa kế. Trong trường hợp UBND không giải quyết được tranh chấp thì bạn sẽ làm bước tiếp theo là gửi đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế lên Tòa án nhân dân quận/huyện nơi có di sản.