Phòng vệ chính đáng và giới hạn của phòng vệ chính đáng.

0
538

Phòng vệ chính đáng qui định tại Điều 22 Bộ Luật Hình sự hiện hành, cơ bản là như sau: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”.

Trên thế giới hiện nay, các quốc gia đều có quy định liên quan đến phòng vệ chính đáng, hầu hết là trong Luật Hình sự. Ở Việt Nam, tại Điều 22 Bộ luật hình sự đề cập đến phòng vệ chính đáng và sự chống trả cần thiết. Qua đó Hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khoẻ của người khác được coi là phòng vệ chính đáng mà không vượt quá giới hạn khi có đầy đủ các dấu hiệu sau đây:

– Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ phải là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội;

– Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ;

– Hành vi xâm phạm phải là hành vi trái pháp luật, nếu hành vi xâm phạm lại là hành vi mà pháp luật cho phép, thì người bị xâm phạm không có quyền chống trả để phòng vệ.

– Hành vi phòng vệ phải cần thiết với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.

  • Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ phải là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất, mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội:

Mức độ, tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội phụ thuộc vào tính quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm. Quan hệ xã hội càng quan trọng thì lợi ích bị xâm hại càng nghiêm trọng. Có thể kể đến những lợi ích quan trọng trong xã hội như: tính mạng, sức khỏe, an ninh quốc gia, nhiều tính mạng,…

Ví dụ: Một tên khủng bố đe dọa trong một buổi hòa nhạc, có nguy cơ xả súng và giết hại đến chục người. Quan hệ xã hội trong trường hợp này là mạng sống của nhiều người, khiến cho việc ngăn chặn tên khủng bố, kể cả bằng phương thức bạo lực hay tước đoạt mạng sống của hắn cũng đều là phòng vệ chính đáng.

Nếu tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm không đáng kể thì hành vi chống trả không được coi là phòng vệ. Ví dụ: A chỉ tát B một cái, B đã rút dao đâm chết A hoặc A chỉ thò tay vào túi của B để trộm cắp, B đã túm cổ áo A đấm túi bụi cho đến chết, thì hành vi của B trong cả hai trường hợp này đều không được coi là hành vi phòng vệ.

  • Hành vi nguy hiểm đang gây thiệt hại hoặc sẽ gây thiệt hại tức khắc cho những lợi ích cần bảo vệ

Điểm nhấn ở đây là đang gây thiệt hại, tức là hành vi xâm hại lợi ích phải đang tiếp diễn, khiến cho người phòng vệ buộc phải hành động để ngăn chặn thiệt hại tiếp tục xảy ra. Hoặc người thực hiện phòng vệ chính đáng nhìn thấy được mối nguy hiểm cho lợi ích xã hội chắc chắn sẽ xảy ra, và sẽ xảy ra tức khắc nếu không hành động nên họ phải ngăn chặn.

  • Hành vi xâm phạm phải là hành vi trái pháp luật

Nếu hành vi của người gây xâm hại là hành vi trái pháp luật thông thường như: giết người, gây thương tích, đe dọa,.. thì là hành vi trái pháp luật, đương nhiên có quyền phòng vệ. Nhưng với hành vi xâm phạm mà không trái pháp luật, hành vi chống trả không nghiễm nhiên là phòng vệ chính đáng. Ví dụ: Cảnh sát truy bắt tội phạm nguy hiểm, khi cảnh sát bắn chỉ thiên cảnh cáo, tên tội phạ vẫn không dừng tay nên cảnh sát phải bắn hắn, do vậy tên tội phạm bắn trả. Việc bắn trả của tên tội phạm không phải là phòng vệ chính đáng vì cảnh sát đang làm nhiệm vụ

  • Sự cần thiết của hành vi chống trả

Pháp luật Hình sự Việt Nam sử dụng từ cần thiết, không phải là từ tương xứng. Bởi lẽ việc chống trả và mức độ chống trả không thể tính toán, đồng đều. Cần thiết là sự thể hiện tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi của xã hội. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm, nhưng nếu hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Hiện nay, theo Bộ Luật Hình sự thì vượt quá phòng vệ chính đáng sẽ vẫn chịu trách nhiệm theo tội giết người và cố ý gây thương tích khi vượt quá phòng vệ chính đáng căn cứ tại Điều 126 và 136.