XỬ LÍ HÀNH VI XÂM HẠI DI TÍCH

0
379

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty Luật SB Law đã có những giải đáp về vấn đề xâm hại di tích, dưới đây là nội dung chi tiết :

Câu 1: Thưa ông vấn đề xâm hại di tích hiện nay diễn ra ngày càng nghiêm trong hơn. Đặc biệt là cơ quan chức năng hầu như chưa xử lý bằng pháp luật hình sự đối với hành vi xâm hại di tích. Trong khi bộ luật hình sự có quy định về tội danh này. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình trong sự việc này? 

Trả lời:

Những năm qua, hàng chục di tích nổi tiếng bị xâm hại để xây dựng công trình trái phép, cải tạo sai so với hiện trạng ban đầu, hay bị “làm mới” như di sản Tràng An (Ninh Bình); ngôi đình cổ 300 năm tuổi ở Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội), chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội); …

Về xử phạt hành chính, Điều 20 của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo như sau:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tuyên truyền, giới thiệu sai lệch nội dung, giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi gồm: Không đăng ký bảo vật quốc gia với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thay đổi chủ sở hữu bảo vật quốc gia; tẩy xóa, sửa chữa hoặc bổ sung làm thay đổi nội dung Bằng xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa hoặc giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hoặc giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia không đúng nội dung ghi trong giấy phép; phổ biến và thực hành sai lệch nội dung di sản văn hóa phi vật thể; tùy tiện đưa vào những yếu tố mới không phù hợp làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Làm hư hại hiện vật trong bảo tàng, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích của địa phương; không có văn bản đồng ý của Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với di tích cấp tỉnh hoặc không có văn bản đồng ý của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt khi xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II; lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan.

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; sử dụng trái phép di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mà không có giấy phép theo quy định; mua, bán, trao đổi, vận chuyển trái phép trên lãnh thổ Việt Nam di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp; làm hư hại nghiêm trọng hiện vật trong bảo tàng, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích của địa phương.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả.

Về xử lý hình sự, Điều 345 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng như sau:

– Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Phạm tội trong trường hợp gây hư hại di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Ngoài ra, Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017) về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có hình phạt cao nhất đến 20 năm tù cũng quy định về những tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại; tài sản bảo vật quốc gia…

Như vậy, các quy định pháp luật đã có, vấn đề còn lại là thực thi pháp luật phải quyết liệt, xử lý nghiêm minh các hành vi hủy hoại, xâm hại mới mong ngăn chặn tình trạng xâm hại di tích, di sản.

 

Câu 2: Vấn đề xâm hại di tích hiện nay diễn ra muôn hình vạn trạng, do nhiều nguyên nhân như nhận thức hạn chế, do buông lỏng quản lý, do trục lơi … nếu không có biện pháp xử lý mạnh tay thì e rằng các di tích ngày càng mai một. Quan điểm của ông như nào khi cơ quan chức năng chưa coi trọng trong việc duy tu bảo trì các công trình bị xâm hại?

Trả lời:

Di sản văn hoá không chỉ là tài sản mang giá trị vật chất mà còn mang giá trị tinh thần to lớn đối với mỗi người dân Việt Nam. Nó được coi như một minh chứng cho lịch sử ngàn năm của dân tộc ta. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải thực hiện sát sao hơn việc bảo vệ, gìn giữ di tích lịch sử và có biện pháp xử lý “mạnh tay” với các trường hợp vi phạm để hạn chế những sự việc tương tự diễn ra trong tương lai.

Thứ hai, để nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, ngoài thông qua biện pháp giáo dục còn phải sử dụng các biện pháp tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật đồng thời áp dụng các chế tài nghiêm minh để xử lý, răn đe đối với các hành vi vi phạm.  

Bên cạnh đó, một điều rất quan trọng nữa là chú trọng công tác đào tạo cán bộ quản lý văn hóa để họ có đủ khả năng xử lý các tình huống có nguy cơ hủy hoại hoặc làm biến dạng di tích, di sản. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án tu bổ di tích, tránh để xảy ra sai phạm sau đó mới xử lý nhằm bảo vệ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, kể cả đối với những di tích chưa được xếp hạng.