Câu hỏi: Tôi là người mang quốc tịch Việt Nam, vợ tôi là người mang quốc tịch Đài Loan Vì một vài lý do lên chúng tôi chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn được, nhưng chúng tôi đã có con chung. Con tôi sắp sinh nhưng hiện tại tôi chưa biết phải đăng ký khai sinh cho bé như nào, thủ tục ra sao. Xin luật sư tư vấn giúp tôi.
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo thông tin cung cấp, bạn là người Việt Nam và vợ bạn là người nước ngoài; hiện hai bạn muốn đăng kí khai sinh cho con nhưng chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn. Căn cứ vào Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng như sau:
“Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.”
Như vậy, dù hai bạn chưa kết hôn nhưng đã có căn cứ chung sống với nhau như vợ chồng thì vẫn có căn cứ làm giấy khai sinh cho con bạn. Vì bạn là người Việt Nam và vợ bạn là người nước ngoài chưa đăng ký kết hôn nên phải làm thủ tục khai sinh cho con chưa xác định được cha mẹ có yếu tố nước ngoài .
- Về thẩm quyền đăng kí khai sinh: được quy định cụ thể tại điều 35 Luật hộ tịch 2014 như sau:
“Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong các trường hợp sau đây:
- Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:
- a) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
- b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- c) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- d) Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
- Trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam:
- a) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;
- b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.“
Trong trường hợp của bạn, dù trẻ được sinh ra ở Việt Nam hay nước ngoài thì theo quy định của pháp luật đều có thể làm thủ tục đăng kí tại Việt Nam và sẽ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Về thủ tục đăng kí khai sinh:
Thứ nhất, bạn và vợ bạn chưa đăng ký kết hôn như vậy trường hợp của bạn là khai sinh cho con chưa xác định được cha mẹ, cho nên bạn phải làm thủ tục nhận cha, mẹ, con.
Thứ hai, trường hợp của bạn có yếu tố nước ngoài nên cần theo trình tự quy định tại Điều 36 Luật Hộ tịch năm 2014 như sau:
“1. Người đi đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con.
Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.
- Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; trường hợp trẻ em có quốc tịch nước ngoài thì không ghi nội dung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật này
Công chức làm công tác hộ tịch, người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh…”
Theo đó, bạn vẫn thực hiện đăng ký khai sinh bình thường cho con nhưng cần lưu ý đến vấn đề sau:
+ Thực hiện thủ tục nhận cha, mẹ, con để ghi đầy đủ thông tin của cha và mẹ vào giấy khai sinh cho con.
+ Có quyền lựa chọn quốc tịch cho con dựa trên sự thỏa thuận của cha và mẹ.