Mới đây, cơ quan điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hồ sơ của UBND quận 8 và UBND quận 11 về sự việc có dấu hiệu vi phạm trong việc góp vốn của HTX Tiêu dùng phường 14, quận 8 và HTX Thương mại và Dịch vụ quận 11 vào Liên hiệp HTX Thương mại thành phố (Saigon Co.op). Theo đó, HTX Tiêu dùng phường 14 và HTX Thương mại và dịch vụ quận 11 bị cho là có dấu hiệu vi phạm khi góp “chui” gần 600 tỉ đồng vào Saigon Co.op.
Từ câu chuyện của Saigon Co.op, một lần nữa những bất cập trong vấn đề góp vốn vào mô hình hợp tác xã lại được mang ra bàn luận.
Xung quanh vấn đề này DĐDN có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch của Công ty Luật SBLaw. SB Law xin gửi tới bạn đọc toàn văn bài phỏng vấn dưới đây:
1. Ông đánh giá như thế nào về vụ việc này, thưa ông, nguyên nhân nào dẫn đến câu chuyện này?
Trả lời:
Hiện nay câu chuyện vốn góp của Saigon Co.op chưa thể đánh giá là đúng hay sai bởi việc thành viên hợp tác xã hoặc hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã sử dụng vốn vay, vốn uỷ thác để góp vốn thuộc vào vùng “mờ” của Luật Hợp tác xã. Hay nói cách khác, chưa có quy định minh thị rõ ràng của Luật Hợp tác xã 2012 liên quan đến vấn đề vốn góp này.
Nguyên nhân dẫn đến sự bất cập trong hành lang pháp lý về góp vốn vào mô hình hợp tác xã là do hệ thống văn bản pháp luật về góp vốn hợp tác xã chưa thống nhất, chưa được làm rõ. Đặc biệt, quy định về cơ chế tài chính trong luật hợp tác xã không minh thị liên quan đến: (i) vốn, (ii) chế độ sở hữu tài sản và (iii) phân phối thu nhập. Chưa có hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành về vấn đề trên.
2. Dường như các quy định của pháp luật về góp vốn, quyền chi phối đối với HTX đang bộ lộ những bật cập thưa luật sư? Cụ thể đó là những bất cập như thế nào?
Trả lời:
Những bất cập của các quy định của pháp luật về góp vốn, quyền chi phối đối với HTX:
Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 của Luật Hợp tác xã 2012 “Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ưu tiên huy động vốn từ thành viên, hợp tác xã thành viên để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh trên cơ sở thỏa thuận với thành viên, hợp tác xã thành viên.
Trường hợp huy động vốn từ thành viên, hợp tác xã thành viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã huy động vốn từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật và điều lệ”. Quy định này tạo nên sự cản trở không cần thiết đối với mục tiêu mở rộng quy mô của các HTX. Theo luật hợp tác xã quốc tế, nguyên tắc “tự nguyện và mở rộng” là nguyên tắc quan trọng, nghĩa là HTX chào đón tất cả mọi người có nhu cầu sử dụng dịch vụ của HTX. Việc mở rộng thành viên sẽ tạo nguồn lực cho sự phát triển quy mô, tính hiệu quả và gia tăng giá trị trong hoạt động của HTX.
Thứ hai, theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 của Luật Hợp tác xã 2012, sự chênh lệch giữa thu và chi trong hoạt động của HTX sẽ tạo thành thu nhập. Thu nhập này sẽ được trích lập các quỹ theo tỷ lệ quy định; phần còn lại sẽ phân phối lại cho thành viên. Mức độ trích lập vào các quỹ hiện tại chỉ bị ràng buộc ở mức tối thiểu là 20% đối với quỹ đầu tư phát triển, 5% đối với quỹ dự phòng tài chính. Nghĩa là có thể dùng đến 75% thu nhập để phân phối cho các thành viên.Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, nguồn thu nhập này cần được ưu tiên cho việc trích lập vào quỹ phát triển để mở rộng quy mô HTX, bởi mục đích của thành viên hướng đến là lợi ích từ dịch vụ của HTX chứ không phải lợi nhuận. Khi HTX phát triển, thành viên cũng theo đó sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn. Nếu tỷ lệ thu nhập dùng để phân phối quá lớn, HTX không có nguồn lực nội tại để phát triển và cũng dễ đi chệch hướng sang mô hình của doanh nghiệp. Lúc này, các thành viên tham gia HTX chủ yếu vì lợi nhuận chứ không phải lợi ích kinh tế.
Ngoài ra, chưa có sự tách biệt giữa quản trị HTX và kinh doanh, tăng vốn chủ yếu từ vốn góp của thành viên. Tại Việt Nam HTX được coi là một mô hình dịch vụ công cộng không phải một mô hình kinh doanh, nên tại Việt Nam mô hình này được quy định riêng bởi Luật Hợp tác xã. Điều này cũng là cơ sở tạo ra lỗ hổng cho các quy định pháp luật về góp vốn, quyền chi phối đối với HTX.
3. Các quy định về góp vốn khi tham gia vào hợp tác xã có bộc lộ bất cập gì không, thưa ông?
Trả lời:
Quy định về góp vốn khi tham gia vào hợp tác xã tồn tại một số bất cập như sau:
- Về vốn:
Theo Luật HTX 2012, phải ưu tiên huy động vốn từ thành viên, sau đó mới được tiến hành huy động từ các nguồn khác. Quy định này sẽ tạo nên sự cản trở không cần thiết đối với mục tiêu mở rộng quy mô của các HTX.
- Vấn đề phân phối thu nhập:
Theo quy định của Luật HTX 2012, sự chênh lệch giữa thu và chi trong hoạt động của HTX sẽ tạo thành thu nhập. Thu nhập này sẽ được trích lập các quỹ theo tỷ lệ quy định; phần còn lại sẽ phân phối lại cho thành viên. Mức độ trích lập vào các quỹ hiện tại chỉ bị ràng buộc ở mức tối thiểu là 20% đối với quỹ đầu tư phát triển, 5% đối với quỹ dự phòng tài chính. Nghĩa là có thể dùng đến 75% thu nhập để phân phối cho các thành viên.
Tuy nhiên, quy định về cách thức phân phối lại lợi nhuận cho thành viên chưa được luật làm rõ. Theo quy định, việc phân phối thu nhập cho thành viên chủ yếu dựa vào mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên; phần còn lại được chia theo tỷ lệ vốn góp. Tuy nhiên, tỷ lệ phân phối theo mức độ sử dụng dịch vụ ở mức bao nhiêu thì được xem là “chủ yếu” thì luật hoàn toàn bỏ ngỏ và để cho các HTX tự quyết định.
Các quy định này dẫn đến một nguy cơ là các HTX sẽ ưu tiên cho việc phân phối thu nhập theo tỷ lệ vốn góp và các thành viên hiện hữu sẽ tìm cách gia tăng tỷ lệ vốn góp, hạn chế tối đa sự tham gia của thành viên bên ngoài. HTX sẽ trở nên cục bộ, khó phát triển quy mô và mất đi bản chất vốn có.
4. Vậy, về lâu dài, làm thế nào không còn những “bản sao” Saigon Co.op…, thưa luật sư?
Trả lời:
Thiết nghĩ, để không những tình trạng tương tự có thể xảy ra trong tương lai, trước hết cần sửa đổi hành lang pháp lý đối với loại hình hợp tác xã. Theo đó, hợp tác xã cần thực hiện kiểm toán.
Theo Khoản 2, 3 Điều 22 Nghị định 193/2013/NĐ – CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã thì hiện nay, việc kiểm toán chỉ bắt buộc với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có thành viên là pháp nhân, còn đối với hợp tác xã không có thành viên là pháp nhân thì pháp luật chỉ khuyến khích thực hiện kiểm toán mà cũng không có quy định cụ thể kiểm toán, kế toán sẽ được hiện như thế nào, được kiểm soát ra sao. Kiểm toán là công việc quan trọng, giúp minh bạch hóa, phát hiện sai sót trong hoạt động tài chính, kế toán, do đó, cần được cân nhắc để trở thành hoạt động bắt buộc trong hợp tác xã cũng như bổ sung các quy định hướng dẫn thực hiện.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần hoàn thiện quy định về mô hình quản trị hợp tác xã, nâng cao khả năng huy động cũng như tiếp cận vốn và các nguồn lực khác cho loại hình này; đẩy mạnh việc triển khai Luật Hợp tác xã 2012 để luật thực sự đi vào cuộc sống người dân.
5. Cuối cùng, ông có góp ý như thế nào để mô hình này hoạt động ngày càng hiệu quả, thưa ông?
Trả lời:
Để mô hình hợp tác xã ngày càng hoạt động hiệu quả, đặc biệt là trong tình hình thường xuyên phải đối mặt với những thách thức về: thiên tai, dịch bệnh; sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường; sự phát triển chóng mặt của khoa học – công nghệ …,thì cần:
(i) Hoàn thiện về mặt pháp lý đối với mô hình hợp tác xã và các địa phương tăng cường quản lí nhà nước, đảm bảo hợp tác xã nhận được sự quản lí sát sao và chỉ đạo hiệu quả từ nhà nước. Hiện nay, quy định pháp luật đối với mô hình hợp tác xã còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập như: Hợp tác xã khó tiếp cận các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế; khó tiếp cận nguồn vốn, kể cả những chính sách hỗ trợ trong thời kì COVID 19; thiếu quy định về vấn đề kiểm toán trong hợp tác xã … Vì vậy nhà nước cần có sự sửa đổi để tạo khung pháp lý rạch ròi, suôn sẻ cho hoạt động, vận hành của hợp tác xã; đồng thời tránh cho hợp tác xã sự thiệt thòi khi không được hưởng những chính sách hỗ trợ từ nhà nước.
(ii) Các hợp tác xã để nâng cao hiệu quả hoạt động thì cần phải củng cố năng lực nội tại của chính mình. Rất nhiều HTX không có trụ sở làm việc kiên cố, thiếu nhân lực có trình độ,… Lợi ích trực tiếp của HTX mang lại cho các thành viên chưa nhiều, và mới, chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón, … Các HTX vẫn còn hoạt động rời rạc, ít liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác. Do đó, HTX cần chú trọng phát triển sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, chuỗi gía trị … để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, hợp tác xã cũng cần chú trọng về mặt nhân lực, quản lí bởi để HTX có thể có hướng đi đúng trong thị trường khốc liệt, đòi hỏi phải có bộ máy quản lí có trình độ quản trị cao, biết nhạy bén nắm bắt thị trường, chủ động tạo ra sản phẩm cạnh tranh.
Nguồn ảnh: Vnexpress