Khung khổ pháp lý hiện hành của Forex

Hiện nay pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về Forex?

0
842

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục triệt phá hàng loạt sàn đầu tư ngoại hối (Forex) trái phép, lừa đảo thu hút hàng trăm nghìn nhà đầu tư (tài khoản tham gia giao dịch) với giá trị giao dịch lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Điều này chứng tỏ nhu cầu xã hội đối với kênh đầu tư này là có thật và forex đang ngày càng trở thành một kênh đầu tư “nóng”.

Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước cũng như khung khổ pháp lý đối với giao dịch ngoại hối hiện nay có thể nói là chính phủ đang cấm các giao dịch này, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định pháp lệnh ngoại hối.

Đối với vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law, đã có những chia sẻ cá nhân với truyền thông. Nội dung bài phỏng vấn như sau:

  1. Phải chăng, chúng ta cần có một cách nhìn khác đối với vấn đề này?

Trả lời:

Forex (Foreign Exchange) hay ngoại hối là thị trường mua và bán tiền tệ của các quốc gia khác nhau. Sàn Forex về bản chất là một kênh trung gian (Forex broker) được thành lập tại các quốc gia và vùng lãnh thổ nhất định và phải tuân thủ theo luật pháp tại nơi thành lập. Nguồn thu của sàn Forex có thể là hoa hồng hoặc chênh lệch giữa giá mua và giá bán thu từ người tham gia.

Theo Điều 36 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định nguyên tắc kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối như sau:

(i) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản;

(ii) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác.

Như vậy, để được kinh doanh ngoại hối cần phải đáp ứng đồng thời các điều kiện như sau:

(1) Chủ thể kinh doanh là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức khác và (2) được chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, việc cá nhân Việt Nam đầu tư ngoại hối tại các sàn Forex là trái với các quy định pháp luật Việt Nam.

Điều 23 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có quy định phạt từ 10-100 triệu đồng đối với hành vi Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ.

Còn quy định về hoạt động forex cho thị trường phái sinh thì Việt Nam chưa có quy định cụ thể, chỉ có một số công văn, cảnh báo từ ngân hàng nhà nước và cơ quan công an bắt và xử lý những sàn lừa đảo.

Nhằm lách luật, nhiều công ty giả danh dưới dạng sàn nước ngoài bằng cách đặt máy chủ tại nước ngoài, lôi kéo cá nhân đầu tư với lãi suất siêu cao để lừa đảo, gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội và nhà đầu tư.

Theo thống kê, giá trị giao dịch trên thị trường ngoại hối hàng ngày ước đạt 4000 tỷ USD, đây là giá trị giao dịch khổng lồ nếu so sánh với quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 343 tỷ USD.

Vậy việc đặt ra một khung pháp lý hiệu quả để luật hóa, quản lý đầu tư ngoại hối trên sàn phái sinh là một điều nên thực hiện sớm, đảm bảo một kênh đầu tư hiệu quả, tránh việc nhà đầu tư chuyển tiền ra nước ngoài và chứa nhiều rủi ro bị lừa đảo.

Theo tôi, cách nhìn nhận của những nhà làm chính sách và nhà làm luật nên thay đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn của giao dịch forex.

  1. Có nên đưa vào một khung khổ pháp lý nào đó (cho phép trong giới hạn, điều kiện…) để có thể quản lý hiệu quả, cũng như có thêm nguồn thu cho ngân sách. Bởi hiện nay dòng tiền chảy vào các giao dịch này là rất lớn, dù đây là hoạt động bất hợp pháp. Một số kiến nghị của luật sư nhằm hoàn thiện khung pháp lý…?

Trả lời:

Hiện nay, hoạt động ngoại hối tại Việt Nam chịu sự điều chỉnh gián tiếp của một số văn bản pháp luật như sau: (i) Pháp lệnh ngoại hối 2005 (được sửa đổi bổ sung bởi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013); (ii) Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; (iii) Luật các tổ chức tín dụng 2010; (iv) Thông tư số 20/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép.

Nhưng đối với những giao dịch về forex, hoàn toàn không có quy định cụ thể để điều chỉnh hoạt động này, tạo ra một khoảng trống pháp lý lớn, theo tư duy thông thường, pháp luật không cấm thì nhà đầu tư được làm, vì vậy, rất nhiều sàn forex vẫn được lập ra và hoạt động huy động tiền nhiều.

Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro không chỉ về mặt pháp lý mà còn về chính thị trường biến động liên tục, dòng tiền vẫn liên tục được đổ về kênh đầu tư này để lại những hệ luỵ khó giải quyết thoả đáng cho người bị thiệt hại.

Để xây dựng được khung pháp lý cho Forex và những kênh đầu tư phổ biến, đang nở rộ tương tự không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có một định hướng rõ ràng hơn với những kênh đầu tư này: liệu Việt nam muốn cấm tuyệt đối, triệt để những kênh đầu tư này; hay Việt Nam sẽ cho phép hoạt động nhưng với khuôn khổ luật pháp?

Nếu Việt Nam muốn cấm hoạt động này, thì bên cạnh quy định cấm, cần có sự thi hành sát sao hơn như xử phạt nghiêm khắc và rà soát gắt gao những website trên sàn forex, kiểm soát những vấn đề thuộc trung gian thanh toán bởi người dân thường mua bán ngoại hối từ những ví điện tử cá nhân thông qua trung gian thanh toán …

Nếu Việt Nam cho phép hoạt động này thì cũng cần phải có những quy định riêng đối với Forex: quy định về cơ quan có trách nhiệm quản lý, giám sát trực tiếp; quy định về việc thành lập, các điều kiện và các chứng chỉ được yêu cầu đối với những sàn Forex; yêu cầu, điều kiện đối với những người tham gia môi giới Forex; quy định về thuế đối với sàn và đối với nhà đầu tư; quy định về hạn chế mức đòn bẩy …

Hiện nay, chúng ta đã có Sandbox – cơ chế thử nghiệm hoặc thí điểm các chính sách, ý tưởng hoặc mô hình kinh doanh mới trong phạm vi và thời gian xác định nhưng vẫn phải chịu sự giám sát chặt của các nhà quản lý và chưa thực sự trở nên phổ biến.