CHÍNH SÁCH VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

0
914

Ngày 9-12-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 về ưu đãi người có công với cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2020) có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021. Pháp lệnh này tiếp tục hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Người có công và thân nhân, trong đó, đáng chú ý là cơ chế hỗ trợ giải quyết sinh kế bền vững cho Người có công và gia đình Người có công. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty luật TNHH SB Law đã có bài phỏng vấn liên quan đến vấn đề này, toàn văn bài phỏng vấn như sau:

Phóng viên (PV): Thưa Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm tri ân các thương binh, liệt sỹ, các gia đình có công với Cách mạng. Luật sư đánh giá sao về việc thực thi pháp lệnh này trong thời gian qua?

Luật sư: “Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là đạo lý ngàn đời của dân tộc. Truyền thống đạo lý tôn thờ, hậu đãi người có công với đất nước, với dân tộc của cha ông đã được kế thừa và phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh và là nền tảng sức mạnh để dân tộc ta làm nên những chiến thắng lừng lẫy dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nửa thế kỷ qua.
Chính sách đối với người có công đã được Đảng và Nhà nước ta thể hiện trong quan điểm khẳng định thực hiện công tác ưu đãi người có công với cách mạng là góp phần củng cố vững chắc hậu phương, tạo sức mạnh cho tiền tuyến đánh giặc lập công.
Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã nêu rõ một nguyên tắc chung là chế độ ưu đãi phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội và được bảo đảm bằng ngân sách Nhà nước.
Điều đáng lưu ý nhất là chế độ trợ cấp hàng tháng đã từng bước phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế hàng hoá theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
Hàng năm, ngân sách Nhà nước đã dành gần 30.000 tỷ đồng để thực hiện chế độ ưu đãi nhằm không ngừng chăm lo đến đời sống của người có công với cách mạng ngày càng tốt hơn. 97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. 96,5% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.
Mặc dù vậy, chính sách ưu đãi người có công hiện nay vẫn còn một số vấn đề vướng mắc, bất cập. Ngày 09/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 về ưu đãi người có công với cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2020) có hiệu lực thi hành từ 01/7/2021 với nhiều điểm mới hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng.

PV: Ngày 01/07/2021 vừa qua thì Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2020 đã chính thức có hiệu lực. Việc ban hành Pháp lệnh có ý nghĩa như thế nào đối với công tác thực hiện chế độ chính sách cho người có công của nước ta trong giai đoạn hiện nay?

Luật sư: Nhìn chung, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 đã thể chế cơ bản hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công, tạo lập hành lang pháp lý, trở thành công cụ cho hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ưu đãi xã hội. Đây là tiền đề để thực hiện sự ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công, đảm bảo sự dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội.

Về phạm vi điều chỉnh, Pháp lệnh năm 2020 mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người nước ngoài có công với cách mạng và giao Chính phủ quy định cụ thể. Bên cạnh đó, chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng. Các điều kiện, tiêu chuẩn đối với 12 diện đối tượng người có công với cách mạng đã được rà soát kỹ từ thực tiễn.

Chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân được tập hợp để quy định một cách thống nhất, rõ ràng trong pháp lệnh. Theo đó, chế độ ưu đãi gồm trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và chế độ ưu đãi khác như bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng, ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm… Đồng thời, định rõ nguyên tắc hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi. Quy định chế độ trợ cấp mai táng.

Pháp lệnh cũng bổ sung chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp tuất hằng tháng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá. Quy định mức trợ cấp hằng tháng đối với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn. Với việc nâng mức trợ cấp này, cùng với phụng dưỡng của xã hội, bảo đảm điều kiện sống của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

PV: Pháp lệnh người có công năm 2020 đã bổ sung một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân được hưởng chế độ chính sách. Cụ thể theo Pháp lệnh thì những đối tượng nào sẽ được hưởng ưu đãi người có công với cách mạng?

Luật sư: Theo Điều 3 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 thì đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng bao gồm người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
Trong đó, người có công với cách mạng bao gồm:
– Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
– Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
– Liệt sĩ;
– Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
– Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
– Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
– Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh;
– Bệnh binh;
– Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học;
– Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;
– Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;
– Người có công giúp đỡ cách mạng.
Còn thân nhân của người có công với cách mạng gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, người có công nuôi liệt sĩ.
Như vậy, so với Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 (được sửa đổi năm 2012), Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 đã mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, bổ sung đối tượng người có công và thân nhân. Cụ thể, bổ sung thêm các đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng như thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993, các trường hợp bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế. Tại Khoản 2, Điều 3 đã làm rõ những đối tượng là thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.

PV: Theo quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng thì chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng phải bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Cụ thể thì theo Pháp lệnh mới, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi như thế nào?

Luật sư: Điều 5 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 quy định cụ thể về chế độ ưu đãi. Tùy từng đối tượng, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi chủ yếu như sau:
– Trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần;
– Các chế độ ưu đãi khác bao gồm:
• Bảo hiểm y tế;
• Điều dưỡng phục hồi sức khỏe;
• Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động – thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên;
• Ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm;
• Hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
• Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở;
• Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước;
• Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng;
• Vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh;
• Miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.

PV: Liên quan đến nội dung này, chúng tôi có nhận được thắc mắc của thính giả tên Lê Văn Nam ở Hưng Yên với nội dung như sau: “Bố của tôi là thương binh hạng 4/4, đã nghỉ hưu. Vừa qua, bố tôi được nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất vì đã có thành tích trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu giúp cách mạng Campuchia. Xin hỏi, bố tôi có được nhận tiền thưởng không, nếu có thì cơ quan nào có trách nhiệm chi trả?”. Vâng, xin mời luật sư giải đáp thắc mắc của anh Nam

Luật sư: Huân chương chiến công hạng nhất được quy định tại Điều 48 Luật Thi đua, khen thưởng 2003 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013); Điều 28 Nghị định 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật thi đua, khen thưởng. Mức tiền thưởng cho tập thể, cá nhân được khen thưởng sẽ được tính trên cơ sở mức lương cơ sở do Chính phủ quy định đang có hiệu lực vào thời điểm ban hành quyết định công nhận trao tặng huân chương.
Theo đó, căn cứ điểm e khoản 1 Điều 70 thì mức tiền thưởng đối với cá nhân được tặng Huân chương Chiến công hạng nhất là 9.0 lần mức lương cơ sở.
Tuy nhiên, ngày 25-9-2020, Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) ban hành Công văn số 3537/TH-TĐKT gửi Cơ quan Chính trị các đơn vị trực thuộc Bộ về việc tuyên truyền, phổ biến việc không có tiền thưởng kèm theo các hình thức khen thưởng trong các cuộc kháng chiến, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Lào và tuyến 1 biên giới phía Bắc, hải đảo xa. Công văn này có giải thích rằng theo quy định tại khoản 1, Điều 66, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng: “Quỹ thi đua, khen thưởng trong nghị định này được dùng để chi trong việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua và chi thưởng đối với danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng mà thành tích đạt được trong thời kỳ đổi mới (trừ trường hợp danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng)”.
Như vậy, các hình thức khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Lào và tuyến 1 biên giới phía Bắc, hải đảo xa không có tiền thưởng kèm theo.

PV: Tiếp theo là câu hỏi của một thính giả Nguyễn Vũ Long ở Hải Dương với nội dung như sau: “Bố tôi là thương binh, khi bố tôi mất, tôi được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo diện thân nhân của thương binh. Vừa rồi, tôi đã tốt nghiệp phổ thông trung học và thi đỗ đại học, hiện đang làm thủ tục nhập học. Xin hỏi nếu tiếp tục đi học thì tôi có được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng hay không?” Vâng, xin mời luật sư giải đáp thắc mắc của anh Long

Luật sư: Căn cứ theo khoản 2 Điều 25 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 quy định, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất như sau:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động, con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng;…”.

Theo đó, nếu bạn đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học thì bạn vẫn thuộc diện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

PV: Thưa luật sư, việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng trên nguyên tắc nào?

Luật sư: 06 nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được quy định cụ thể tại Điều 6 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 như sau:
1. Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng là trách nhiệm của Nhà nước và xã hội. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân quan tâm, giúp đỡ và thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
2. Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng phải được xác định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ; bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
3. Người có công với cách mạng thuộc nhiều đối tượng thì được hưởng trợ cấp, phụ cấp của nhiều đối tượng; đối với trợ cấp người phục vụ và chế độ ưu đãi điều dưỡng phụ hồi chính khoẻ thì chỉ hưởng mức cao nhất của một chế độ ưu đãi.
4. Người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng quy định tại khoản 12 Điều 16và khoản 1 Điều 31 của Pháp lệnh này chết thì người hoặc tổ chức thực hiện mai táng được hưởng trợ cấp mai táng theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trường hợp thuộc nhiều đối tượng thì chỉ hưởng một trợ cấp mai táng. Ngoài ra, các đối tượng trên nếu đồng thời thuộc đối tượng được hưởng trợ cáp mai táng theo quy định pháp luật khác thì được hưởng một chế độ mai táng với mức cao nhất.
5. Thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thuộc một trong 5 trường hợp sau:
a) Thân nhân của hai người có công với cách mạng trở lên được hưởng tối đa hai suất trợ cấp tuất hằng tháng, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 của Pháp lệnh này;
b) Thân nhân của một liệt sĩ đồng thời là thân nhân của hai người có công với cách mạng trở lên được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của một liệt sĩ và trợ cấp tuất hằng tháng của một người có công với cách mạng;
c) Thân nhân của hai liệt sĩ trở lên và đồng thời là thân nhân của người có công với cách mạng thì hưởng trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân của liệt sĩ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 của Pháp lệnh này;
d) Thân nhân của người có công với cách mạng mà người có công đó thuộc hai đối tượng người có công với cách mạng trở lên thì được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của một đối tượng;
đ) Con của người có công với cách mạng từ đủ 18 tuổi trở lên nếu đã hoặc đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng trong thời gian theo học tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học mà thôi học hoặc bị buộc thôi học thì không được hưởng trợ cấp nữa.
6. Thân nhân của người có công với cách mạng thuộc trường hợp được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng thì hưởng một suất trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng.

PV: Vậy theo Pháp lệnh người có công năm 2020 thì những hành vi nào bị nghiêm cấm trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng?

Luật sư: Điều 7 Pháp lệnh quy định 04 hành vi bị nghiêm cứu trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng.
Thứ nhất, khai báo gian dối, giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
Thứ hai, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng.
Thứ ba, vi phạm nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.
Thứ tư, lợi dụng việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có cộng với cách mạng để vi phạm pháp luật.

PV: Vậy những người có hành vi vi phạm các quy định của Pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng thì bị xử lý như thế nào?

Luật sư: Điều 55 của Pháp lệnh quy định về xử lý vi phạm như sau:

– Người giả mạo giấy tờ để được xem xét công nhận là người có công với cách mạng, hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị thu hồi quyết định công nhận, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi và phải hoàn trả số tiền đã nhận.

– Người khai báo gian dối giấy tờ để được hưởng thêm chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị chấm dứt chế độ ưu đãi được hưởng thêm và phải hoàn trả số tiền đã nhận do khai báo gian dối.

– Người chứng nhận sai sự thật hoặc làm giả giấy tờ cho người khác để được xem xét công nhận là người có công với cách mạng; người lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

– Người vi phạm quy định về quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; lợi dụng chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng để trục lợi thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

PV: Pháp lệnh người có công năm 2020 đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2021. Vậy để Pháp lệnh thực sự đi vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả trong thực hiện chế độ chính sách đối với người có công thì cần lưu ý những điều gì? 

Luật sư: Có thể thấy là trong thời gian qua, công tác hỗ trợ cho người có công với cách mạng đã có nhiều bước tiến đang kể, đó là cả sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, chính quyền địa phương và sự tham gia của toàn xã hội. Để Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 thực sự đi vào cuộc sống, thiết nghĩ cần chú trọng những việc sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và văn bản pháp luật để người có liên quan có thể nắm được sự thay đổi trong chế độ ưu đãi, đối tượng hưởng ưu đãi, hiểu được quyền lợi của mình để có thể chủ động đề nghị thực hiện quyền của mình.

Thứ hai, tạo lập môi trường, giới thiệu, giải quyết việc làm để cho người có công và con em gia đình chính sách vươn lên nâng cao thu nhập và đời sống; cần xây dựng kế hoạch định kỳ một cách cụ thể. Đồng thời, cũng cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác liên quan.