Mua, đổi nhà 0 đồng và những “cái bẫy” đầu tư bất động sản mùa dịch

0
346

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để thu hút sự quan tâm của khách hàng về bất động sản, nhiều tổ chức, cá nhân đã đưa ra những lời lời chào mời hấp dẫn với lợi nhuận đầu tư lên đến 40%, các chương trình “mua nhà 0 đồng”, “nhà đổi nhà 0 đồng”…Song nếu không tìm hiểu kỹ, khách hàng sẽ gặp không ít rủi ro khi quyết định đầu tư. Nhận thức được sự nghiêm trọng của hiện tượng này, Báo An ninh thủ đô đã có bài phỏng vấn Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law nhằm đưa ra ý kiến pháp lý và lời khuyên cho người dân cách nhận biết và phòng tránh những chiếc “bẫy” trên. SB Law trân trọng gửi tới bạn đọc toàn văn bài viết như sau.

Từ mua nhà, đổi nhà 0 đồng…

Gần đây, các chủ đầu tư, đơn vị phân phối đã liên tục tung ra những chương trình bán nhà “sốc” như “mua nhà 0 đồng”, “nhà đổi nhà 0 đồng”, hay mua nhà lãi suất 0% trong vòng từ 18-24 tháng…

Tham gia chương trình này, khách hàng không cần vốn ban đầu vẫn có cơ hội mua nhà vì sẽ được ngân hàng đồng hành và bảo lãnh dự án hỗ trợ cho khách hàng vay lên đến 100% giá trị căn hộ. Ngoài ra, khách hàng còn được hỗ trợ lãi suất 0% đến khi nhận nhà; ân hạn nợ gốc và hỗ trợ 0% phí trả nợ trước hạn trong thời gian hỗ trợ lãi suất…

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư còn đưa ra chính sách ưu đãi tài chính cho khách hàng cá nhân vay vốn ngân hàng do chủ đầu tư chỉ định như hỗ trợ lãi suất (0%) trong 18 tháng cho 100% tổng giá trị hợp đồng giao dịch với khách hàng có tài sản đảm bảo tương ứng tối thiểu 30% giá trị hợp đồng được định giá theo quy định của ngân hàng.

Về phương thức mua bán trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho biết, chủ đầu tư được lợi nhiều do nhận đủ 100% tiền bán nhà, lại được quyền xử lý căn nhà thế chấp, vừa có nguồn khách hàng tiềm năng. Ngân hàng cung cấp tín dụng lại có các khoản vay lớn có tài sản đảm bảo. Khách hàng mua nhà cũng được hưởng lợi, sớm được đổi sang nhà mới nhất là với những người bận rộn, nhưng có thu nhập ổn định.

Song theo Luật sư Thanh Hà, trước khi quyết định, khách hàng cần tìm hiểu kỹ bởi thực chất càng vay ngân hàng nhiều thì càng phải “gánh” lãi suất cao. Để hưởng chính sách ưu đãi lãi suất 0% khách hàng đã phải trả mức giá đắt hơn cho căn hộ của mình. Ngoài ra, sau khi hết thời gian miễn lãi suất, mỗi tháng người mua nhà phải trả số tiền hàng chục triệu đồng cả tiền lãi và tiền gốc (tùy giá trị căn hộ và thời gian trả góp). Nếu không chủ động được về tài chính, người mua sẽ rơi vào cảnh nợ nần.

“Khi người mua nhà mất khả năng thanh toán họ có thể mất cả tài sản là căn nhà đã có sẵn được dùng thế chấp và chính căn nhà đang mua. Bên cạnh đó, bất động sản cũng có khả năng tăng giá nên nhiều người mua nhà đã phải rao bán cắt lỗ ngay sau khi mua” – Luật sư Thanh Hà nhận định.

…đến đầu tư chung bất động sản

Ngoài phương thức mua nhà, đổi nhà 0 đồng, thị trường mới xuất hiện mô hình chào hàng hợp tác cho thuê phòng trọ. Theo lời giới thiệu trên mạng, nhà đầu tư chỉ cần góp vốn ban đầu để nhận lợi nhuận hàng tháng trong và sau khi kết thúc hợp đồng sẽ hoàn vốn.

Bên cạnh đó, mô hình hợp tác kinh doanh hay đầu tư chung bất động sản cũng mới được tung ra thị trường. Khách hàng có thể chọn tham gia gói 1 tỷ đồng, 1,5 tỷ, 2 tỷ hoặc 3 tỷ đồng và với mỗi gói, khách hàng sẽ được nhận lãi 30-40% trong 24 tháng, sau 42 tháng nhận tiền gốc hoặc BĐS có giá trị tương đương cộng thêm nhiều ưu đãi hấp dẫn với giá trị tăng dần theo mức vốn bỏ ra…

Một mô hình khác là đầu tư chung sau khi chia dự án thành nhiều phần. Theo đó, một dự án BĐS sẽ được chia nhỏ làm nhiều phần để nhiều nhà đầu tư tham gia từ 1 triệu đồng cho đến hàng chục tỷ đồng. Sau đó, một Công ty bất động sản sẽ ký hợp đồng hợp tác đầu tư với khách hàng trong thời hạn nhất định.

Trong thời gian đó, nhà đầu tư có thể tự mua bán, thỏa thuận giao dịch chuyển nhượng phần BĐS đó cho người khác và Công ty đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với khách hàng trước đó sẽ làm hợp đồng chuyển nhượng cho hai bên. Hết thời hạn nếu nhà đầu tư chưa chuyển nhượng thì công ty sẽ tất toán hợp đồng cộng với lãi suất theo cam kết trước đó.

Theo Luật sư Thanh Hà, mô hình đầu tư chung nêu trên chưa được pháp luật quy định, có tính rủi ro cao. Bởi nếu doanh nghiệp mời đầu tư chung theo hình thức mua cổ phần công ty để cùng mua BĐS thì vi phạm luật chứng khoán. Trong khi đó, các nhà đầu tư không có cơ chế kiểm soát vốn, doanh nghiệp được “tự tung tự tác”. Do vậy, để tránh rủi ro, nhà đầu tư cần thận trọng trước khi móc hầu bao để tham gia đầu tư chung BĐS.

Nguồn và ảnh bài viết: https://anninhthudo.vn/mua-doi-nha-0-dong-va-nhung-cai-bay-dau-tu-bat-dong-san-mua-dich-post477111.antd