Bạn đọc hỏi: Từ những điểm mới trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, để áp dụng và thực thi pháp luật trên biển có hiệu quả vào thực tế thì thời gian tới chúng ta cần làm gì?
Cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ trên biển |
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty Luật SB Law đã trả lời câu hỏi của bạn đọc như sau: Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng và quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, thiết thực đưa Luật đi vào thực tiễn cuộc sống là nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm chính trị của mọi công dân, tổ chức, đoàn thể của cả hệ thống chính trị. Với vai trò là lực lượng chuyên trách, nòng cốt, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với Bộ Quốc phòng đề xuất Chính phủ ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật.
Trước mắt, xây dựng, ban hành các nghị định: Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Quy định về việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Trên cơ sở đó, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành các thông tư: Quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Quy định điều kiện, tiêu chuẩn chọn công dân vào lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam,… nhằm hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật. Cùng với đó, cần tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn Lực lượng nhằm quán triệt, học tập, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành, thực hiện Luật trong thi hành nhiệm vụ.
Đối với các bộ, ngành có liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là 28 tỉnh, thành phố ven biển, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản của Luật cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ngư dân để mọi người nắm vững, hiểu rõ, sẵn sàng chấp hành việc huy động nhân lực, phương tiện nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển khi thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ trên biển đặt ra.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các nước trong phối hợp thực thi pháp luật trên biển, tạo sự đồng thuận, sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/can-lam-gi-de-ap-dung-va-thuc-thi-phap-luat-tren-bien-co-hieu-qua-vao-thuc-te-150662.html