Góp ý Luật giao dịch điện tử sửa đổi

0
1444

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW có phần đóng góp ý kiến với ban soạn thảo Luật giao dịch điện tử sửa đổi.

 

Các vấn đề pháp lý trên thực tế khách hàng hay luật sư thường gặp phải do Luật Giao dịch điện tử không quy định, quy định không rõ ràng hay quy định không phù hợp với thực tế?

Trả lời:

Một số vấn đề pháp lý gặp phải trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến Giao dịch điện tử như sau:

Chứng cứ điện tử

Hiện nay, Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định về chứng cứ điện tử như sau:

“ 1. Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.

Theo đó, pháp luật thừa nhận tính pháp lý của thông điệp dữ liệu để làm chứng cứ, tuy nhiên không có quy định chi tiết hơn, nên trên thực tế, chứng cứ điện tử được sử dụng trong tố tụng sẽ căn cứ theo quy định của BLTTDS hoặc BLTTHS. Việc thiếu quy định chi tiết đối với chứng cứ là thông điệp dữ liệu đã làm phát sinh một số vấn đề như sau:

Do sự phát triển của công nghệ thông tin mà các bên bên cạnh việc kí kết hợp đồng điện tử, còn có sự trao đổi, qua lại, thoả thuận thống nhất dưới dạng thông điệp dữ liệu điện tử như: email, tin nhắn, cuộc gọi thoại, sao kê thanh toán qua ngân hàng, … Và việc trao đổi qua lại thông tin như vậy ngày càng diễn ra phổ biến như một lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp về kinh doanh thương mại, để được Toà án công nhận tính pháp lý của những tài liệu chứng cứ này là khó khăn. Theo quy định hiện hành, tính pháp lý của dữ liệu điện tử được đảm bảo khi “Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.”

Quy định này còn chung chung, khó là cơ sở để xây dựng quy định về thu thập chứng cứ, là căn cứ để xác minh tính chính xác của thông điệp dữ liệu, nên khiến cơ quan tố tụng bối rối trong việc đánh giá, công nhận thông điệp dữ liệu là chứng cứ.  Trong thực tiễn giải quyết các vụ án thương mại có những chứng cứ điện tử thì đường lối xét xử vẫn ưu tiên các chứng cứ vật chất dễ chứng minh như: Văn bản, hợp đồng có chứng thực, công chứng… Còn các chứng cứ điện tử được xem xét mang tính hỗ trợ cho các chứng cứ khác nếu phù hợp mà rất hiếm khi được sử dụng độc lập. Việc Tòa án không chấp nhận các chứng cứ điện tử có tính độc lập và có giá trị pháp lý như văn bản viết hoặc các chứng cứ khác sẽ làm ảnh hưởng tới quyền của các cá nhân, tổ chức khi có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

Điều này dẫn đến một thực tế rằng nếu chỉ có các chứng cứ điện tử, rất khó để khởi kiện và được Toà án thụ lý.

Bên cạnh đó, việc thiếu sót quy định để công nhận tính pháp lý của thông điệp dữ liệu cũng là thiếu cơ sở để cho các bên đối chiếu, tuân thủ, để đảm bảo tính pháp lý cho những thoả thuận dưới dạng thông điệp dữ liệu để đề phòng khi có tranh chấp xảy ra.

Việc xác định giá trị pháp lý đối với thông điệp dữ liệu trong giải quyết tranh chấp còn có nhiều những vướng mắc chưa được giải quyết trong luật như: (i) Việc khai thác dữ liệu điện tử để phục vụ cho hoạt động tố tụng có thể gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư cá nhân, quyền của bên thứ ba, vấn đề an ninh – chính trị; tuy pháp luật có quy định về việc thẩm phán có quyền yêu cầu xác minh, thu thập dữ liệu cho việc xem xét, đánh giá chứng cứ để bảo đảm tính khách quan của vụ án nếu thấy cần thiết, nhưng lại không có quy định cụ thể thế nào là “cần thiết”; (ii) Những vấn đề phát sinh khi thực hiện tra cứu, thu thập, xác minh dữ liệu liên quan đến yếu tố nước ngoài …

Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp

Hiện nay không có quy định riêng biệt để giải quyết tranh chấp về giao dịch điện tử, điều này cũng gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan bởi vì tính chất giao dịch điện tử có nhiều đặc thù riêng.

Ngoài những vấn đề đặc thù đã kể trên liên quan đến chứng cứ ở dạng thông điệp dữ liệu, do giao dịch điện tử có tính chất cực kì linh hoạt về thời gian và địa điểm khi giao dịch nên sẽ gặp khó khăn trong việc xác định địa điểm thực hiện giao diện, khó khăn trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp, … Bên cạnh đó, đối với tranh chấp giữa khách hàng nhỏ lẻ với doanh nghiệp cũng gây khó khăn cho Toà án như: giá trị giao dịch thấp trong khi chi phí kiện tụng cao; xác định luật áp dụng, …

Đối với những tranh chấp giữa hai bên có yếu tố nước ngoài, thông thường để tiết kiệm thời gian, các bên sẽ sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bên ngoài Toà án như hoà giải, trọng tài … Điều này làm gia tăng nhu cầu về việc giải quyết tranh chấp trực tuyến, đặc biệt trong thời kì Covid khả năng di chuyển có thể bị gián đoạn bất cứ lúc nào, mà Việt Nam hiện nay chưa có quy định chi tiết, khiến các trung tâm hoà giải và trọng tài Việt Nam bối rối khi đáp ứng nhu cầu này.

Các giải pháp, cách thức, cách tiếp cận và/hoặc quy trình để giải quyết các vấn đề phát sinh, cùng các cơ chế để đảm bảo thực thi hiệu quả;

Trả lời:

 

Để giải quyết những vấn đề phát sinh trên, có thể:

  • Đối với chứng cứ điện tử: Cần có quy định chi tiết về các điều kiện cụ thể mà một thông điệp điện tử phải đáp ứng để được xem xét như là một chứng cứ hợp pháp. Đồng thời bổ sung quy định về thông điệp dữ liệu có yếu tố nước ngoài.
  • Đối với trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp liên quan đến giao dịch điện tử: Cần có những quy định riêng biệt dành cho thủ tục giải quyết tranh chấp phát sinh trong giao dịch điện tử.

Làm rõ vấn đề “Văn bản, tài liệu, hợp đồng giao dịch điện tử như thế nào hay cần được xác lập như thế nào thì được xem như văn bản giao dịch hợp pháp, các điều kiện và quy trình nào cần quy định để đảm bảo và thực thi tính hợp pháp đó, bao gồm cho cả việc xác lập bằng chứng và cho quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án/Trọng tài”;

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 34, Luật Giao dịch điện tử năm 2005:

Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”.

Trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thì quy định về giá trị chứng cứ của thông điệp được giải thích tại khoản 1, 2 Điều 14 như sau:

“1. Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.

  2.Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”.

Như vậy, theo quy định pháp luật, hợp đồng điện tử được ghi nhận tính pháp lý và được sử dụng làm chứng cứ trong trường hợp một trong hai bên không thực hiện hợp đồng hoặc vi phạm điều khoản của hợp đồng khi hợp đồng điện tử đảm bảo được các điều kiện dưới đây:  

– Nội dung của hợp đồng điện tử bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng thông điệp hoàn chỉnh (thông điệp chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu).

– Nội dung của thông điệp dữ liệu trong hợp đồng điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết (thông điệp dữ liệu có thể mở được, đọc được, xem được bằng phương pháp mã hoá hợp pháp đảm bảo độ tin cậy mà các bên thoả thuận với nhau).

Theo Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

“Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân và cơ quan, tổ chức cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án dùng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.

Như vậy, kết hợp với Khoản 1, 2 Điều 14 được đề cập ở trên, Luật Giao dịch điện tử công nhận giá trị pháp lý như văn bản của thông điệp dữ liệu chứ không đưa ra khái niệm về chứng cứ điện tử nên khi thu thập, đánh giá chứng cứ cần sự vận dụng nhiều quy định trong các điều luật, luật khác nhau để xác định tính hợp pháp của chứng cứ điện tử.


Các vấn đề khác muốn nêu ra và giải quyết trong bản Dự thảo Luật này.

Trả lời:

Thứ nhất, quy định hiện tại không mô tả rõ ràng định nghĩa chữ ký điện tử cũng như chưa có hướng dẫn thỏa mãn điều kiện về tính pháp lý của chữ ký điện tử. Ngoài ra theo Luật Giao dịch điện tử, có hai mức độ chữ ký điện tử: cơ bản và chữ ký điện tử bảo đảm an toàn, nhưng lại chưa có quy định rõ ràng về trường hợp sử dụng các mức độ chữ ký điện tử. Điều này dẫn đến việc ứng dụng chữ ký điện tử trong thực tế còn chưa khả thi như mong muốn.

Thứ hai, hiện chưa có giải pháp liên thông giữa Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia (“RooT CA quốc gia”) và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc tế. Các ứng dụng trên nền tảng trực tuyến để xác thực như chứng thực Secure Sockets Layer (“SSL”) của RooT CA quốc còn hạn chế do không được các nền tảng phổ biến công nhận. Ngoài ra chữ ký số trong nước chưa hỗ trợ ký hợp đồng điện tử được với doanh nghiệp không có giấy phép đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, cũng là một hạn chế hiện nay.

Thứ ba, chữ ký điện tử cần được mở rộng về phạm vi ứng dụng và quy mô xác thực quốc tế, khi hiện chữ ký số công cộng tại Việt Nam chưa liên thông, chưa xác thực chéo được với hệ thống chứng thực chữ ký số quốc tế và các nền tảng phổ biến. Điều này cũng gây khó khăn trong giao dịch điện tử giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. 

Các bạn có thể tham khảo thêm:

Cấp bản sao điện tử từ sổ gốc, Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giấy tờ, tài liệu