Từ vụ nhân viên thẩm mỹ bắt giữ khách: Bắt, giữ người trái pháp luật có thể bị phạt tù tới 12 năm

0
584

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm/bài viết về việc bắt, giữ người trái pháp luật trên báo An ninh Thủ đô. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Mới đây, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hai nhân viên thẩm mỹ viện quốc tế V.B.A ở đường Nguyễn Khang do giữ người trái pháp luật. Theo các luật sư, người thực hiện hành vi này có thể phải ngồi tù tới 12 năm.

Hai nhân viên thẩm mỹ viện quốc tế V.B.A giữ người trái pháp luật đã bị khởi tố là Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (SN 1997, trú ở Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội) và Lê Văn Đức (SN 1996, trú tại Xuân Chinh, Thường Xuân, Thanh Hóa).

Trước đó, chị H (SN 1974) ở Từ Sơn, Bắc Ninh) được thẩm mỹ viện quốc tế V.B.A ở Nguyễn Khang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho xe ô tô đón miễn phí từ nhà đến cơ sở để được tư vấn về gói sản phẩm chăm sóc, làm đẹp da.

Sau khi được tư vấn, chị H không đồng ý sử dụng bất cứ gói sản phẩm nào và ra về. Lập tức, hai nhân viên Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Lê Văn Đức đã yêu cầu chị H trả tiền xe đón vì không tham gia gói dịch vụ. Chị H không đồng ý thì bị 2 đối tượng giữ lại không cho về. Chỉ đến khi lực lượng Cảnh sát 113 CAQ Cầu Giấy nhận được thông tin và đến cơ sở thẩm mỹ viện kiểm tra, sự việc mới được làm sáng tỏ.

Thời gian qua, nhiều cơ sở làm đẹp đã sử dụng các chiêu thức như chào mời khách hàng tham gia các gói dùng thử dịch vụ chăm sóc sức khỏe làm đẹp, tổ chức xe đưa đón khá tận tình. Song khi sau khi nghe tư vấn, khách hàng cảm thấy nghi ngờ về chất lượng giá cả dịch vụ nên không đồng ý thì lập tức bị chửi bới, đe dọa, bêu xấu trên mạng xã hội thậm chí bị giam giữ không còn là chuyện hiếm gặp.

Về chế tài xử lý đối với việc giữ người trái pháp luật, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội, hành vi giam giữ khách hàng của 2 nhân viên thẩm mỹ là phạm pháp. cần bị xử lý nghiêm minh để đảm bảo tính răn đe.

Điều 157 BLHS 2015 về Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật quy định, người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người đang thi hành công vụ; 2 lần trở lên; Với 2 người trở lên; Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60%… thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Phạm tội làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát; Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam hoặc gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì bị phạt tù từ 5-12 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm.

Về cấu thành tội phạm, Luật sư Thanh Hà phân tích, tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật xâm phạm vào quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân.

Mặt khách quan cuản tội phạm gồm các hành vi bắt, giữ và giam người trái pháp luật. Các hành vi đều là các hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể của người khác nhưng khác nhau ở hình thức thể hiện.

Tính trái pháp luật trong điều luật này là không đúng về thẩm quyền, không có căn cứ, không theo trình tự thủ tục mà pháp luật quy định trong việc bắt, giữ hoặc giam người. Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý – Luật sư Thanh Hà nhấn mạnh.