Che giấu, không tố giác tội phạm sẽ bị Pháp luật xử lý ra sao?

0
1273

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp về việc Che giấu, không tố giác tội phạm và những chế tài xử lý của Pháp luật trong chương trình Bạn và Pháp luật của Đài Truyền hình Việt Nam. Dưới đây là nội dung chi tiết:

BTV: Thưa các bạn! Người Việt có câu “một giọt máu đào hơn ao nước lã” để nói về mối liên hệ mật thiết khi có quan hệ thân thích. Ngay cả khi người thân thích phạm tội nghiêm trọng, cũng không tránh được cảm giác muốn che đậy… Cũng bởi mối quan hệ này mà nhiều người thân khi hỗ trợ người phạm tội đã vướng tội cùng. Hành vi không tố giác tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội và là một tội phạm vì nó gây ra khó khăn cho việc điều tra, phát hiện người phạm tội, đồng thời còn gây khó khăn cho việc ngăn chặn kịp thời thiệt hại xảy ra cũng như gây khó khăn cho việc tìm ra, xử lý người phạm tội. Che giấu, không tố giác tội phạm và những chế tài xử lý của Pháp luật là nội dung của chuyên mục Bạn và Pháp luật hôm nay với sự tham gia tư vấn của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty Luật SBLAW 

Xin cảm ơn luật sư đã tham gia chương trình

Luật sư: Chào thính giả Đài TNVN

BTV: Thưa luật sư! Hiện nay ở nước ta có xảy ra tình trạng vì tình cảm cá nhân, gia đình, ruột thịt mà nhiều người đã vô tình hay cố ý tiếp tay cho quá trình lẩn trốn của các đối tượng phạm tội, có người thậm chí đã bị pháp luật xử lý. Hiện tượng này có phổ biến không, và nguyên nhân vì sao, thưa ông?

Luật sư: Thực trạng che giấu, không tố giác tội phạm trong phạm vi gia đình vẫn còn diễn ra rất nhiều. Như biên tập viên đã đề cập, tình cảm cá nhân, gia đình có vẻ như là nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này. Ví dụ chính là trong vụ án của Giàng Seo Nhà, bố mẹ của Nhà cũng như bà nội đã vì yêu thương con, cháu mà không đứng ra tố giác tội ác của con. Về mặt tình, không bố mẹ, ông bà nào muốn con của mình phải chịu những hình phạt cực kì nghiêm khắc của pháp luật, họ cũng không muốn mình phải xa con. Hơn nữa, đặc biệt là trong vụ án của Nhà, do Nhà còn nhỏ tuổi nên rất có thể bố mẹ của bị cáo vẫn còn tâm lý “cháu còn nhỏ, chưa làm chủ được hành vi của mình”. Nhưng về pháp lý, đây lại là một hành động có thể gây nguy hiểm rất lớn đến cho xã hội, bởi việc bắt giữ và đưa ra một mức phạt thích đáng cho những tội danh này là một điều cần thiết để đảm bảo an ninh khu vực.

BTV: Bên cạnh những trường hợp che giấu, không tố giác tội phạm vì tình thân, quan hệ bạn bè thì cũng có những trường hợp vì lo sợ bị trả thù mà không dám đứng ra tố cáo hành vi phạm tội. Vậy người tham gia tố giác tội phạm sẽ được Pháp luật bảo vệ như thế nào, thưa Luật sư?

Luật sư: Điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định người tố giác tội phạm có quyền yêu cầu cơ quan tiếp nhận phải giữ bí mật thông tin việc tố giác, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản của mình và người thân. 

Đồng thời, một điểm mới của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đó chính là các nhà làm luật đã bổ sung thêm 01 chương mới với nội dung nhằm bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hai và người tham gia tố tụng khác (Chương XXXIV). 

Nội dung chính bao gồm các cơ quan, người có thẩm quyền bảo vệ và áp dụng các biện pháp bảo vệ như là cơ quan điều tra Công an nhân dân, cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, … 

Đặc biệt nhất có lẽ chính là các biện pháp bảo vệ người tố giác tội phạm, nhân chứng được quy định cụ thể tại Điều 486 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, như:

– Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác, bảo vệ;

– Hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ để bảo đảm an toàn cho họ;

– Giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ;

– Di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhân dạng của người được bảo vệ, nếu được họ đồng ý;

– Răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật;

– Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.

Có thể nói đây là một bước tiến quan trọng trong tư duy làm luật của các nhà làm luật để hạn chế tối đa tình trạng không dám khai báo, tố giác tội phạm do bị đe dọa. 

Ngoài ra, tại Luật Tố cáo năm 2018, các biện pháp này được nêu rõ quy trình thực hiện tại các Điều 56, 57, 58, Mục 3 Chương VI của luật này, cụ thể có các biện pháp sau: bảo vệ bí mật thông tin; bảo vệ vị trí công tác, việc làm; bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm.

BTV: Theo Bộ luật hình sự 2015 thì tội Che giấu tội phạm và Không tố giác tội phạm được quy định như thế nào, thưa Luật sư?

Luật sư: Tội che giấu tội phạm, tội không tố giác tội phạm được quy định, hướng dẫn tại Điều 389, Điều 390 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể như sau:

Thứ nhất, về tội che giấu tội phạm

Điều 389 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội che giấu tội phạm như sau:

Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

  1. a) Các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120 và 121;
  2. b) Điều 123, các khoản 2, 3 và 4 Điều 141, Điều 142, Điều 144, khoản 2 và khoản 3 Điều 146, các khoản 1, 2 và 3 Điều 150, các điều 151, 152, 153 và 154;
  3. c) Điều 168, Điều 169, các khoản 2, 3 và 4 Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 Điều 178; …

– Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Thứ hai, về tội không tố giác tội phạm

Điều 390 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội không tố giác tội phạm như sau:

– Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

BTV: Trên thực tế thì nhiều người vẫn có sự nhầm lẫn về hành vi Che giấu tội phạm và Không tố giác tội phạm. Luật sư có thể phân tích rõ hơn để có thể phân biệt hai tội danh cũng như mức độ nhiêm trọng của từng tội danh này?

Luật sư: Đối với hành vi Che giấu tội phạm, Điều 18 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định như sau: 

“1. Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, giấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.

  1. Người Che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”.

Theo đó, biểu hiện của hành vi che giấu tội phạm là:

– Che giấu người phạm tội: Cho người phạm tội trốn trong nhà mình hoặc nơi khác hoặc biết người phạm tội đang ở đâu nhưng không khai báo và tìm mọi cách che giấu người phạm tội.

– Che giấu: Giấu vết, tang vật của tội phạm.

– Hành vi cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm: Thể hiện ở các hành vi như cố tình cung cấp các thông tin sai sự thật, xóa bỏ giấu vết của tội phạm, tiêu hủy các công cụ, phương tiện tội phạm, …

Còn đối với hành vi Không tố giác tội phạm, Điều 19 Bộ luật này có quy định như sau: 

“1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.

  1. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
  2. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa”.

Trong trường hợp này, chủ thể là người biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện hoặc đã được thực hiện nhưng không tố giác với cơ quan chức năng có thẩm quyền. Biểu hiện của hành vi là không tố giác tội phạm dù biết rất rõ về tội phạm.

Tội Che giấu tội phạm và Không tố giác tội phạm là những tội có những điểm tương đồng. Tuy nhiên, 02 tội này vẫn có những điểm khác nhau như sau:

Thứ nhất, về mặt nhận thức của người phạm tội:

Che giấu tội phạm chỉ biết về hành vi phạm tội của người phạm tội đã xảy ra và không biết trước hay hứa hẹn gì với người phạm tội. Còn Không tố giác tội phạm là biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện hoặc đang xảy ra nhưng chọn cách không tố giác hoặc báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Thứ hai, về thời điểm phạm tội:

Hành vi che giấu tội phạm chỉ thực hiện sau khi biết được một tội phạm khác đã xảy ra. Còn hành vi không tố giác tội phạm có thể diễn ra ở bất cứ giai đoạn nào của tội phạm (sắp, đang, đã xảy ra).

Thứ ba, cách thức thực hiện hành vi:

Hành vi che giấu tội phạm là che giấu giấu vết, tang vật của tội phạm, cản trở việc điều tra tội phạm.

Trong khi đó, hành vi không tố giác tội phạm là biết nhưng không tố giác với cơ quan chức năng.

Thứ tư, về trách nhiệm hình sự đối với người bào chữa cho hai tội trên:

Đối với hành vi che giấu tội phạm, người bào chữa biết và che giấu tội phạm sẽ bị xử lý hình sự nếu phạm tội. Còn với hành vi không tố giác tội phạm, người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ không tố giác tội xâm phạm an ninh, tội khác đặc biệt nghiêm trọng.

Thứ năm, 02 tội có khung hình phạt khác nhau:

Như đã phân tích ở trên Tội che giấu tội phạm và Tội không tố giác tội phạm có mức xử phạt khác nhau.

BTV: Hiện nay, hầu hết những người có hành vi che giấu, không tố giác tội phạm đều chủ yếu là người có mối quan hệ mật thiết với người phạm tội và đã phải chịu những chế tài xử lý của Pháp luật. Tuy nhiên ở nhiều vụ việc khác, không phải trong trường hợp nào người thân cũng có hành vi che giấu, không tố giác tội phạm. Có thể nói cách ứng xử khác nhau với tội phạm đã quyết định số phận pháp lý của họ khác nhau. Vậy khi xét xử, tòa án sẽ căn cứ vào các dấu hiệu gì để ra quyết định có tội hay không có tội?

Luật sư: Khi xét xử, Tòa án sẽ căn cứ vào các quy định tại Điều 18, 19, Điều 389, Điều 390 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) để quyết định có tội hay không có tội. 

Điều 18 Bộ luật này cũng quy định về trường hợp đặc thù như sau:

Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”.

Điều 19 Bộ luật này cũng quy định: “Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Đặc biệt Khoản 2 Điều 390 Bộ luật hình sự còn quy định đối với tội không tố giác tội phạm như sau:

“Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt”.

Như vậy, theo quy định trên, nếu người không tố giác đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

BTV: Theo quy định thì đối với người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh, chị em ruột, vợ, chồng của người phạm tội thì không phải tất cả những trường hợp không tố giác tội phạm đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mà họ sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi không tố giác tội phạm trong một số trường hợp. Ở đây lại có một vấn đề đặt ra, đó là luật pháp thì như vậy, nhưng thực tiễn là không phải ông bố nào, bà mẹ nào, người thân nào cũng biết rằng hành vi của con mình là xâm phạm an ninh quốc gia, hay đặc biệt nghiêm trọng, hay chỉ là vi phạm trật tự xã hội để mà tố giác kịp thời, hay bỏ qua, quan điểm của Luật sư về vấn đề này ra sao?

Luật sư: Về vấn đề này, chính sự thiếu hiểu biết về pháp luật nên mới dẫn tới câu chuyện người nhà không thể biết được hành vi phạm tội của người nhà, hàng xóm của mình được xác định là hành vi vi phạm gì. Từ đó cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có thêm những buổi sinh hoạt với mục đích nâng cao nhận thức pháp lý của người dân về các vấn đề an ninh khu vực, các hành vi gây ảnh ảnh hưởng lớn tới xã hội cũng như các tội danh đặc biệt nghiêm trọng. Từ đó người dân sẽ có thể nhận ra được hành vi nào là hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, hành vi nào chỉ là hành vi vi phạm trật tự xã hội để kịp thời tố giác.

BTV: Liên quan đến nội dung đang trao đổi, chúng tôi có nhận được thắc mắc của thính giả tên Lộc ở Nam Định với nội dung: 

Tôi muốn hỏi: Người phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự đã xảy ra từ lâu nhưng chưa bị tố cáo thì nay có tố cáo được không? Việc chậm trễ trong tố cáo tội phạm có bị xử lý hay không?”

Luật sư: Hiện nay pháp luật chưa có quy định chế tài đối với hành vi chậm tố cáo. Theo đó, nếu vụ việc chưa bị tố cáo mặc hành vi vi phạm pháp luật đã xảy ra từ lâu, người phát hiện vẫn có thể thực hiện hành vi tố cáo cho các cơ quan chức năng để bắt đầu quá trình điều tra.

BTV: Qua đường dây nóng của chương trình, chúng tôi cũng nhận được thắc mắc của thính giả có số điện thoại số cuối là 5829, với nội dung như sau:

Bạn em có làm kế toán cho một công ty xuất nhập khẩu. Làm được 2 năm thì gần đây phát hiện công ty nhập hàng giả từ trung quốc để bán. Nếu như bây giờ công ty bị điều tra về tội buôn hàng giả thì bạn em có bị truy cứu hình sự không.”

Luật sư: Khoản 1 Điều 390 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội không tố giác tội phạm như sau:

“1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Điều 389 Bộ luật này có quy định các Tội như: Điều 192, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi).

Vì bạn không nêu rõ là hàng giả cụ thể ở đây là gì, do đó, bạn có thể đối chiều với quy định trên.

Nếu thuộc các tội phạm trên thì bạn của bạn có thể bị truy cứu hình sự về Tội không tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự.

BTV: Một câu hỏi khác của thính giả với nội dung như sau:

“Bạn tôi sau khi thực hiện hành vi cướp giật một xe máy trị giá 20 triệu đồng đã mang đến nhà tôi để cất. Tuy nhiên, trước đó tôi không hề biết về hành vi của bạn tôi, chỉ sau khi bạn tôi mang xe đến, bị tôi gặng hỏi tôi mới biết nhưng tôi vẫn cho bạn giấu xe ở nhà mình. Hiện nay, bạn tôi đã bị bắt để điều tra về hành vi cướp giật tài sản. Nếu bạn tôi khai ra tôi thì tôi có bị bắt không?”

Luật sư: Trong trường hợp của bạn, bạn không biết về quá trình phạm tội của bạn bạn, tuy nhiên, sau khi biết được hành vi của bạn bạn, dù không hứa hẹn trước nhưng bạn vẫn đồng ý cất giấu tang vật (xe máy) tại nhà bạn thì hành vi này của bạn có thể cấu thành nên Tội che giấu tội phạm, căn cứ theo Khoản 1 Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, bạn có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.

BTV: Thưa luật sư, khi phát hiện ra bạn bè, người thân của mình vi phạm pháp luật thì chúng ta cần ứng xử ra sao để không tiếp tay cho tội phạm, tránh bị xử lý trước pháp luật?

Luật sư: Khi phát hiện ra người thân, bạn bè mình đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, chúng ta không nên đột ngột yêu cầu người phạm tội phải đi đầu thú ngay, bởi có thể ngay lúc đó, tâm lý của người phạm tội còn chưa được ổn định, vì vậy việc bắt ép, yêu cầu người phạm tội phải đi đầu thú sẽ có thể dẫn tới những hành động bộc phát nguy hiểm. 

Thay vào đó, chúng ta có thể nhẹ nhàng nói chuyện với người phạm tội, tìm hiểu rõ nguyên nhân, lý do tại sao họ lại lựa chọn hành động như vậy, không nên có những câu nói có mang tính buộc tội người phạm tội, để có thể ổn định lại tâm lý của họ. Sau đó ta có thể từ từ khuyên giải người phạm tội, gợi ý về việc đến các cơ quan chức năng để đầu thú về hành động của mình. 

Bởi vì pháp luật luôn có sự khoan hồng đối với những người có ý thức tự giác, nhận ra được lỗi sai của mình. Việc khuyên răn nhẹ nhàng người phạm tội tự đứng ra để đầu thú vừa giúp người phạm tội được hưởng các chính sách khoan hồng, vừa không tiếp tay cho tội phạm cũng như tránh để bản thân phải chịu trách nhiệm và bị xử lý bởi pháp luật. 

BTV: Thưa quý thính giả! Vai trò của việc tố giác tội phạm rất sức quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử góp phần giải quyết vụ án bảo đảm tính khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm. Dù tình cảm gia đình có sâu nặng tới đâu, trước pháp luật, mọi cá nhân đều phải chịu trách nhiệm cho hành vi sai trái của mình. Đừng vì tình thân mà hành động mù quáng để rồi vướng vào vòng lao lý. Cảm ơn luật sư Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty Luật SBLAW đã đồng hành cùng chương trình, cảm ơn quý thính giả đã để tâm theo dõi.