Khi nào các “quái xế” bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng?

0
988

Luật sư Nguyễn Thị Thu – Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về hành vi gây rối mất trật tự công cộng của nhóm đua xe trên báo An ninh Thủ đô. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Thời gian qua, tình trạng đua xe trái phép diễn ra khá phổ biến, gây mất ANTT và ảnh hưởng đến an toàn giao thông nghiêm trọng. Nhiều đối tượng đã bị bắt giữ, xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng, mà không phải là đua xe hay tổ chức đua xe trái phép.

Mới đây, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tạm giữ hình sự 23 thanh niên phóng xe làm náo loạn đường phố tối 21-11, trong đó có 6 đối tượng bị điều tra hành vi gây rối trật tự công cộng.

Dưới góc độ pháp lý Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, sở dĩ nhóm thanh niên bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng mà không phải là đua xe hay tổ chức đua xe trái phép là dựa trên căn cứ pháp luật.

Điều 318 BLHS 2015 về tội Gây rối trật tự công cộng quy định, người nào gây rối trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Khi nào các "quái xế" bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng? ảnh 1
Các thanh niên phóng xe làm náo loạn đường phố Hà Nội tối 21-11 bị tạm giữ

Gây rối trật tự công cộng là hành vi cố ý làm mất tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng.

Trong đó, một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng là hò hét, tạo tiếng động ầm ĩ, đua xe máy trái phép – Luật sư Thu nhấn mạnh.

Còn với tội Đua xe trái phép theo Điều 266 và tội Tổ chức đua xe trái phép theo Điều 265 BLHS 2015 sửa đổi, hai hành vi này vừa xâm phạm đến an toàn công cộng, vừa xâm phạm đến trật tự công cộng. Song điểm khác biệt là hậu quả do hành vi trái pháp luật gây ra.

Nếu nhóm “quái xế” có hành vi đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng nhưng chưa gây thiệt hại về sức khoẻ hay tài sản cho người khác thì chưa bị xử lý về tội Đua xe trái phép theo Điều 266 BLHS 2015.

Bên cạnh đó, nếu nhóm thanh niên cũng không tổ chức đua xe mà chỉ tham gia tự phát cùng nhau thì không có căn cứ xử lý về tội Tổ chức đua xe trái phép. Do vậy, với trường hợp trên, việc tạm giữ 6 thanh niên để điều tra hành vi Gây rối trật tự công cộng là có cơ sở.

Cũng theo Luật sư Thu, những cá nhân còn lại có thể bị xử phạt hành chính về hành vi Vi phạm quy định về trật tự công cộng hoặc Đua xe trái phép, Cổ vũ đua xe trái phép theo Điều 34 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Theo Nghị định này, người cổ vũ đua xe sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng, người đua xe sẽ bị phạt tiền 7-8 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng Giấy pháp lái xe trong 3-5 tháng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm (thỏa mãn một trong các điều kiện như đã bị xử phạt hành chính về tội đua xe trái phép, hoặc tội tổ chức đua xe trái phép; Đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm; Gây thương tích, tổn hại sức khỏe 31-60% cho một người…), người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đua xe trái phép với mức án cao nhất lên tới 20 năm tù.

Nguồn: https://anninhthudo.vn/khi-nao-cac-quai-xe-bi-xu-ly-ve-toi-gay-roi-trat-tu-cong-cong-post487772.antd