Lùa chó Pitbull, Becgie cắn người trả thù có bị xử lý hình sự?

0
348

Luật sư Nguyễn Thị Thu – Giám đốc công ty TNHH Luật SB Law đã có những giải đáp về vụ việc lùa chó cắn người ở Đà Nẵng. Dưới đây là nội dung chi tiết :

ANTD.VN – Vụ lùa chó qua cắn hàng xóm xảy ra mới đây tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng đã gây xôn xao dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi: Chó có được xem là công cụ, phương tiện phạm tội? Chó Pitbull, Becgie có phải là “hung khí nguy hiểm”?

Theo thông tin ban đầu, Đặng Văn Ngọc (36 tuổi, ngụ phường Thọ Quang) ăn nhậu cùng Tâm (39 tuổi) tại nhà của Ngọc. Rượu vào lời ra, Tâm tình cờ biết trước đây giữa Ngọc và Trần Đình Thảo (46 tuổi, hàng xóm Ngọc) có xảy ra mâu thuẫn.

Sau đó, Tâm đã gọi Thảo đến nhà Ngọc nói chuyện để giải quyết song không hòa giải được mà còn đẩy mâu thuẫn giữa hai bên lên cao, dẫn đến xô xát.

Khi bị Ngọc và Tâm xông vào đánh, Thảo đã bỏ chạy về nhà, cầm xẻng quay lại nhà Ngọc để đánh trả thì bị Tâm giật được và đánh lại khiến Thảo bị thương tích vùng phía sau gáy.

Cay cú muốn trả thù, Thảo lại quay về nhà, thả hai con chó (một Pitbull cao khoảng 70 cm, nặng khoảng 40 kg và một Becgie, cao khoảng 60 cm nặng khoảng 30 kg) không rọ mõm ra ngoài và lùa chúng qua nhà Ngọc. Con Pitbull đã xông vào cắn Ngọc gây thương tích.

Liên quan đến vụ việc trên, được biết, Công an quận Sơn Trà đang lấy lời khai, xác định thương tật các bên, từ đó có căn cứ xử lý tiếp theo.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, chó được xem là công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội trong trường hợp một người cố tình dùng những loại chó nguy hiểm như Pitbull, Becgie… để tấn công người khác gây thương tích, hoặc tử vong (tương tự như việc cố tình thả rắn độc, bọ cạp để tấn công đối thủ).

Nếu việc cố tình thả chó nguy hiểm để cắn gây thương tích, hoặc gây tử vong cho người khác thì tùy vào trường hợp cụ thể mà cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích (Điều 134 BLHS 2015) hoặc tội Giết người (Điều 123 BLHS).

Về dân sự, trách nhiệm đối với những thiệt hại do vật nuôi gây ra đã được quy định đầy đủ tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu.

Đối với vụ việc ở Đà Nẵng, cơ quan công an cần xem xét về hành vi cố ý gây thương tích của Thảo. Vì Thảo biết Pitpull là loài chó dữ, nếu thả ra không rọ mõm có thể cắn người, gây thương tích.

Bên cạnh đó, cần xác minh làm rõ động cơ, mục đích, lỗi của các bên cũng như giám định tỉ lệ thương tật, xác định hậu quả thực tế để xem xét có cần thiết khởi tố vụ án hay không.

Trả lời câu hỏi “chó Pitbull, Becgie có được coi là “hung khí nguy hiểm”, Luật sư Thu cho rằng, BLHS 2015 sửa đổi và các văn bản liên quan đều không định nghĩa chó là “hung khí” trong trường hợp một người sử dụng chó để kích động, tấn công người khác.

Nguồn : https://www.anninhthudo.vn/lua-cho-pitbull-becgie-can-nguoi-tra-thu-co-bi-xu-ly-hinh-su-post510423.antd