Cảnh báo link chứa mã độc chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản để vay tiền, chiếm đoạt tài sản

0
453

Các đối tượng sẽ gửi 1 link có chứa mã độc, năn nỉ người bị hại click vào với nhiều lý do khác nhau. Khi người bị hại click vào sẽ bị đối tượng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội. Và đối tượng sẽ sử dụng tài khoản vừa chiếm được để làm những việc xấu như vay mượn tiền gấp của bạn bè trong tài khoản mạng xã hội ấy. số tiền có thể từ vài trăm đến hàng triệu đồng.

Câu hỏi:

Câu hỏi 1: Những đối tượng sử dụng chiêu thức lừa đảo như vậy sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

 Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các trang mạng xã hội, các hình thức lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao có xu hướng ngày càng tăng. Trong thời gian gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội Facebook, Zalo bị hack tài khoản cá nhân, sau đó kẻ gian sử dụng tài khoản này để nhắn tin đến người thân, bạn bè của chủ tài khoản hỏi mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền rồi chiếm đoạt.

Liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của bộ luật hình sự thì sẽ bị xử lý hình sự. Cụ thể:

Về xử phạt hành chính, điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ- quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định hành vi “Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;” sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Về xử lý hình sự, đối tượng có hành vi vi phạm có thể sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017) về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Câu hỏi 2: Người dân cần phải làm gì để cảnh giác cũng như đối với những người bị lừa cần phải làm gì ngay?

Trả lời:

Để tránh bị lừa đảo, người dân tuyệt đối không cung cấp hoặc đưa lên mạng xã hội thông tin, hình ảnh cá nhân. Không cung cấp mật khẩu, mã OTP của ngân hàng, ví điện tử cho người khác. Đồng thời, đề cao cảnh giác nếu nội dung tin nhắn gửi đến có liên quan đến việc xác minh, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông báo về việc trúng thưởng hoặc về việc giao nhận một bưu gửi nào đó. Đối với những đường link lạ, người dân tuyệt đối không nên kích vào.

Khi phát hiện ra hành vi lừa đảo, người dân nên trình báo sự việc lên cơ quan công an và cơ quan có thẩm quyền để được hỗ trợ giải quyết.

Người dùng Internet khi phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo trực tuyến có thể chủ động thông báo, cảnh báo cho Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia (NCSC) tại địa chỉ: https://canhbao.ncsc.gov.vn.

Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dùng internet có thể trực tiếp gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ:

  • Đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội, địa chỉ: https://www.facebook.com/ConganThuDo;
  • Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: Số điện thoại trực ban hình sự 069.234.8560 – Cục Cảnh sát hình sự.
  • Địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/ của Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.
  • Đối với người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng 08.3864.0508 để thông tin, trình báo về chiếm đoạt tài sản, lừa đảo qua mạng.