Cảnh báo lừa đảo qua hình thức giả danh nhân viên ngân hàng, gọi điện thoại đến các bị hại theo danh sách dữ liệu khách hàng rồi cho vay lãi suất 0 đồng.

0
500

Câu 1: Sáng 27/9, Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM) triệt phá băng nhóm chuyên giả danh nhân viên ngân hàng, gọi điện thoại đến các bị hại theo danh sách dữ liệu khách hàng rồi cho vay lãi suất 0 đồng. Sau đó nhóm này bắt nạn nhân đóng tiền phí bảo hiểm rồi ‘bặt vô âm tín’. Luật sư đánh giá thế nào về hành vi của các đối tượng này

Trả lời:

Gần đây, việc lừa đảo qua điện thoại xảy ra khá phổ biến. Chiêu trò của các đối tượng thường là lập ra danh sách các cá nhân mà các đối tượng đã thu thập được trên mang xã hội như: Facebook, Zalo, app vay tiền online, …Theo đó, các đối tượng đã xây dựng kịch bản, giả danh là nhân viên hoặc cán bộ ngân hàng, gọi điện thoại cho nạn nhân để chào mời vay tiền. Mới đây nhất là vụ việc sáng 27/9, Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM) triệt phá băng nhóm chuyên giả danh nhân viên ngân hàng, gọi điện thoại đến các bị hại theo danh sách dữ liệu khách hàng rồi cho vay lãi suất 0 đồng. Sau đó nhóm này bắt nạn nhân đóng tiền phí bảo hiểm rồi “bặt vô âm tín”. Đây chính là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hết sức tinh vi và có tổ chức và cũng là hành vi hết sức nguy hiểm cho xã hội và cần các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Câu 2: Theo luật sư, tại sao vấn nạn lừa đảo này đã được các cơ quan chức năng quyết liệt triệt xóa mà đến nay nó vẫn ngang nhiên tồn tại và ngày càng có nhiều nạn nhân?

Trả lời:

Phải thừa nhận rằng mấu chốt của những thủ đoạn lừa đảo là đánh vào lòng tham của nhiều người, muốn kiếm tiền nhanh, với lãi suất cao. Cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, cũng như có những khuyến cáo đối với người dân.

Theo Bộ Công an, khi bị lừa đảo, nạn nhân phải liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo, thực hiện các bước xác minh của cơ quan có thẩm quyền.

Với lừa đảo liên quan đến giao dịch chuyển tiền qua tài khoản, phải liên hệ ngay với các ngân hàng mà mình đã thực hiện các giao dịch thanh toán, để có hoạt động tra soát những giao dịch. Nếu nhanh chóng có thể thu hồi được.

Không ai khác, chính mỗi người dân phải tự nâng cao cảnh giác, trình độ hiểu biết pháp luật, công nghệ để tránh bị lừa, và quan trọng nhất là đừng bị mắc bẫy vào chính lòng tham của mình.

Câu 3: Luật sư có thể chia sẻ, làm thế nào để người dân có thể nhận biết được hành vi của các đối tượng này?

Trả lời:

Trong thời gian qua, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong những tội phạm xảy ra phổ biến trong xã hội, chủ yếu xuất phát và ẩn giấu từ trong các giao dịch dân sự do đó thường khó phát hiện và ngăn ngừa. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản giờ đây không chỉ thông qua các hành vi vay, mượn tiền, tài sản đơn thuần mà đã biến tướng dưới nhiều dạng hành vi khác phức tạp và tinh vi hơn, đặc biệt là thông qua mạng xã hội.

Có thể thấy, đặc điểm chung của những dạng thủ đoạn này cũng giống với các dạng lừa đảo khác đó là đánh vào lòng tham của các nạn nhân, như việc đưa ra mức lãi suất đầu tư siêu lợi nhuận. Tuy nhiên, các dạng thủ đoạn này nguy hiểm và dễ dẫn dụ hơn rất nhiều vì thực hiện có hệ thống, có sự bàn bạc và câu kết thực hiện một cách bài bản, khả năng tiếp cận dễ dàng với các “con mồi” .

Người dân cần cảnh giác trước các loại hình quảng cáo vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua MXH, vì đây là bẫy của đối tượng dàn dựng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân trực tiếp đến chi nhánh hoặc phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng để được hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm đảm bảo quyền lợi của mình trước pháp luật. Khi phát hiện thủ đoạn lừa đảo tương tự, người dân nhanh chóng trình báo cơ quan Công an gần nhất, hoặc liên hệ Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao qua số điện thoại 0693.640.505 để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Câu 4: Trong vụ này, đối tượng cầm đầu đường dây này thuê 82 nhân viên, và giao cho họ gọi điện từng người trong danh sách khách hàng. Vậy, các nhân viên này có phải chịu trách nhiệm gì không khi họ biết chắc công việc của họ là lừa đảo?Còn đối tượng cầm đầu chịu trách nhiệm với tội danh gì?

Trả lời:

Liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của bộ luật hình sự thì sẽ bị xử lý hình sự. Cụ thể:

Về xử phạt hành chính, điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ- quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định hành vi “Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;” sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Về xử lý hình sự, đối tượng có hành vi vi phạm có thể sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017) về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo đó, nếu các nhân viên biết chắc công việc của họ là lừa đảo thì các nhân viên này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò là đồng phạm trong việc thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ theo quy định tại Điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, khi quyết định hình phạt đối với những đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.