Vấn nạn tiền giả trong dịp Tết Nguyên Đán

0
528

Cũng như mọi năm, càng gần đến những ngày cuối năm, tình hình an ninh, trật tự xã hội lại có những biến động, trong đó, có vấn nạn tiền giả. Hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả chính là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến sự phát triển của quốc gia như là làm ảnh hưởng cho đến việc phát hành tiền, lưu hành tiền và quản lý tiền tệ của chính Nhà nước. Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những chia sẻ đến như sau. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi số 1: Vào những dịp cuối năm, tội phạm liên quan đến việc tiêu thụ tiền giả tăng cao với nhiều hình thức chiêu trò khác nhau. Với những hành vi tiêu thụ, phát hành tiền giả sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định: Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, tiền giả là loại tiền không do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành. Các hành vi như làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả;… bị pháp luật nghiêm cấm (Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010).

Về xử phạt hành chính:

Theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung Nghị định 143/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định như sau:

Thứ nhất, phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

– Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện tiền giả loại mới;

– Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện có dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyền tiền giả;

– Bố trí người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả chưa qua tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả hoặc chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tiền;

– Không giao nộp tiền giả theo quy định của pháp luật

Thứ hai, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

– Phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ

– Phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ

– Không lập biên bản hoặc thu giữ tiền giả, không đóng dấu, bấm lỗ theo quy định về xử lý tiền giả khi thu giữ tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả.

Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả như:

– Tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm nêu trên, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý;

– Buộc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả;

– Buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm

– Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Xử lý hình sự:

Những tổ chức, cá nhân cố ý thực hiện hành vi sử dụng tiền giả thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại Điều 207 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, theo đó người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. Còn đối với người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Câu hỏi 2: Người dân và cơ quan chức năng cần phối hợp như thế nào để ngăn chặn và đấu tranh nạn tiền giả?

Trả lời:

       Mỗi dịp năm hết Tết đến, bên cạnh nỗi lo về hàng giả, hàng nhái thì vấn nạn “tiền giả” cũng làm không ít người phải lo lắng. Lợi dụng thời điểm cuối năm nhu cầu tiền mặt của người dân tăng cao, người dân mải mua sắm nên cũng ít để ý kiểm tra lại những tờ tiền khi giao dịch nên các đối tượng buôn bán và tiêu thụ tiền giả tích cực “thoát hàng” với nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi.

       Do vậy, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi thực hiện mua, bán hoặc các giao dịch thương mại nhất là vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; tránh để các đối tượng lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác hoạt động phạm tội; nhất là nắm vững một số kiến thức cơ bản về nhận biết tiền Việt Nam thật, giả như sau:

Cách 1: Soi trước nguồn ánh sáng: “hình bóng chìm” của tiền giả không tinh xảo, đường nét mờ nhạt không tự nhiên; “dây bảo hiểm” của tiền giả mờ nhòe khó nhìn hoặc không có dây bảo hiểm; “hình định vị” của tiền giả kích thước và hình ảnh trên 2 mặt tờ tiền lệch nhau, không tạo ra các khe trắng đều nhau.

Cách 2: Kiểm tra bằng cách vuốt nhẹ tay lên tờ tiền: “nét in nổi” đối với tiền giả 02 mặt tờ bạc trơn lì không nhám ráp hoặc có cảm giác gợn gai tay, chất liệu tờ bạc giòn, không có độ dai, khi vò không có độ đanh, mực dễ bong tróc, có độ bóng hơn tiền thật.

Cách 3: Chao nghiêng tờ bạc: “Mực đổi màu” tiền giả khi chao nghiêng không đổi màu hoặc có đổi màu nhưng không giống tiền thật; “hình ẩn nổi” tiền giả không có hoặc có nhưng rất mờ khó nhìn thấy.

Cách 4: Kiểm tra các cửa sổ trong suốt: cửa sổ có số tiền dập nổi, tiền giả không có hoặc có nhưng số mệnh giá thô, mờ, không sắc nét; cửa sổ có hình ẩn, tiền giả khi soi không thấy hình ẩn xung quanh ngọn đèn….

       Ngoải ra người dân cần cảnh giác khi tham gia các giao dịch mua bán tại những địa điểm đông đúc và khó kiểm soát vì kẻ gian thường lợi dụng những tình huống hỗ loạn nhằm đánh lạc hướng người dân để nhằm trong thời gian ngắn sẽ không kiểm tra được chất lượng tiền. Do đó, đối với những cửa hàng quy mô lớn và lượng giao dịch với tần xuất nhiều lần và giá trị cao cần trang bị máy soi tiền để kiểm tra và phát hiện tiền giả một cách dễ dàng. Với các cửa hàng vừa và nhỏ cần lưu ý kiểm tra khi nhận được những tờ tiền mệnh giá lớn, kiểm tra sơ bộ với các cách nhận biết tiền giả nêu trên.

       Hiện nay với công nghệ phát triển, các ứng dụng ví điện tử rất nhiều và được sử dụng rất phổ biết trong cuộc sống, do đó để ngăn chặn vấn nạn sử dụng tiền giả dịp tết chúng ta cũng cần ưu tiên thanh toán qua ví điện tử và hạn chế sử dụng tiền mặt.

       Cơ quan công an cần thường xuyên khuyến cáo mọi người cần nâng cao cảnh giác mỗi khi giao dịch. Ngoài ra, Người dân cần tích cực tham gia phát hiện, tố giác khi phát hiện các đối tượng có hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; liên hệ báo ngay ngay đến cơ quan công an gần nhất để được trợ giúp và hướng dẫn kịp thời.