Thực trạng bóc phốt trên mạng xã hội vô cùng “nguy hiểm”

0
400

Trả lời phỏng vấn về Thực trạng bóc phốt trên mạng xã hội, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty SBLaw cho rằng đây là vấn đề khá nguy hiểm. Danh dự, nhân phẩm và uy tín cá nhân là bất khả xâm phạm. Cùng nghe lời khuyên của luật sư về vấn đề này dưới đây.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trao đổi vấn đề bóc phốt trên mạng xã hội
Luật sư Nguyễn Thanh Hà trao đổi vấn đề bóc phốt trên mạng xã hội

Câu hỏi 1: Hiện tại, không khó để tìm thấy các bài đăng “bóc phốt”, tố cáo công ty và ngược lại trên mạng xã hội như Facebook. Theo ông, do đâu có thực trạng phổ biến này?

Trả lời:

Khi có những điều không hài lòng với công ty, nhiều cá nhân lựa chọn hình thức “bóc phốt” thông qua các bài đăng trên mạng xã hội như facebook, instagram, … để “xả” cơn tức giận. “Bóc phốt” là tiếng lóng được dùng trên mạng xã hội, nghĩa là đưa ra những thông tin công khai lên mạng xã hội cho nhiều người cùng biết, những thông tin khi bóc phốt thường không tốt đẹp hoặc là nói về việc làm sai trái của người khác nhằm làm xấu hình ảnh của cá nhân hoặc tổ chức nào đó trước công chúng. Theo hướng tích cực, những bài “bóc phốt” sẽ giúp lên án những hành động sai trái. Nhưng thực tế thì những bài viết này có thể là đúng sự thật hoặc không.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên có thể là do mạng xã hội cho chúng ta quyền tự do được phát ngôn, đưa ra quan điểm, nhận xét của bản thân về các vấn đề liên quan tới công ty. Điều này có thể dẫn đến sự xuất hiện của những nội dung tố cáo hoặc nhận xét tiêu cực. Bên cạnh đó, những người dùng mạng xã hội có thể mong muốn chia sẻ thông tin tiêu cực về công ty vì muốn cảnh báo hoặc để nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Do đó, khi khách hàng có những trải nghiệm không tốt hoặc không hài lòng với dịch vụ hoặc sản phẩm của công ty, cá nhân; hoặc có những trường hợp công ty không thực hiện đúng những cam kết, quy định hoặc không đáp ứng được mong đợi của khách hàng họ có xu hướng đưa ra những phản hồi tiêu cực trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, khi làm vậy sẽ có nhiều rủi ro dưới góc độ pháp lý và dưới góc độ đạo đức kèm theo. Mỗi công dân đều có quyền lên tiếng, quyền trình bày quan điểm, nêu ý kiến cá nhân, nhưng không được làm tổn hại đến danh dự, uy tín, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Nếp sống văn minh, văn hóa là giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay vì “bóc phốt” trên các mạng xã hội.

Thực trạng bóc phốt trên mạng xã hội
Thực trạng bóc phốt trên mạng xã hội

Câu hỏi 2: Những thông tin trên mạng có thể gây ảnh hưởng tới nhân phẩm, uy tín của người bị “bóc phốt”. Vậy tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường hay không? Thủ tục, trình tự pháp luật như thế nào?

Trả lời:

Tại Việt Nam, nhân phẩm và uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được bảo vệ bởi các quy định tại văn bản pháp luật. Cụ thể, tại Điều 34, Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”. Ngay tại Điều này cũng đã ghi nhận về việc tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình và có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Căn cứ theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại bao gồm:

  • Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
  • Thiệt hại khác do luật quy định.
  • Bên cạnh đó, còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm.

Về thủ tục trình tự pháp luật, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể thực hiện khởi kiện dân sự theo các quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Cụ thể, căn cứ vào Điều 35 và Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự, người khởi kiện có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án cấp huyện của người gây ra thiệt hại cho mình thường trú hoặc tạm trú để yêu cầu giải quyết.

Ngoài ra, hành vi đưa thông tin sai lệch lên mạng mà gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị “bóc phốt” còn có thể coi là hành vi vi phạm luật hình sự nếu có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tùy theo mức độ của hành vi thì người vi phạm sẽ bị xử lý theo Điều 155 quy định về tội làm nhục người hoặc Điều 156 quy định về tội vu khống theo BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Khi đó trình tự thủ tục của vụ việc sẽ được giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.