Những quy định của Nhà nước để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

0
183
Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp ở một số địa phương, khiến giá lợn liên tục giảm sâu trong thời gian gần đây. Dưới góc độ pháp luật, cần phải thực hiện những quy định như nào để ngăn chặn dịch. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW đã có những trao đổi xunh quanh vấn đề này:

Kế hoạch ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng cả nước đã tiêu hủy hơn 34.000 con lợn do nhiễm dịch tả châu Phi. Nguyên nhân bùng phát trở lại chủ yếu là do công tác quản lý và chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học chưa được chú trọng. Từ nay đến cuối năm, nguy cơ dịch bệnh sẽ tiếp tục xảy ra nếu các địa phương, đặc biệt là những nơi phát triển về chăn nuôi không quan tâm, không triển khai có hiệu quả kịp thời các giải pháp mà Chính phủ và Bộ NN&PTNT đưa ra. Trước tình hình đó, ngày 16 tháng 11 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện số 1097/CĐ-TTg về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020 – 2025 (kèm theo Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ). Mục tiêu của kế hoạch này nhằm: “ Chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP); bảo đảm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), môi trường và các hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam.”. Kế hoạch này gồm 13 nội dung sau:

  • Chăn nuôi lợn an toàn sinh học
  • Tổ chức nuôi tái đàn lợn
  • Giám sát dịch bệnh
  • Tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP
  • Kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn
  • Quản lý giết mổ lợn và việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn
  • Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng
  • Xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh
  • Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm
  • Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh DTLCP, vắc xin DTLCP
  • Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi
  • Hợp tác quốc tế
  • Chính sách hỗ trợ
Quyết liệt trong ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi - Luat su Nguyen Thanh Ha
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW

Người chăn nuôi, thú y cơ sở và chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc phòng bệnh DTLCP; họ  phải làm gì để thực hiện việc giám sát dịch bệnh, thưa Luật sư?

– Chủ cơ sở nuôi lợn, thú y cơ sở chủ động theo dõi, giám sát đàn lợn. Trường hợp phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì báo cơ quan thú y địa phương; cơ quan thú y thực hiện việc lấy mẫu để xét nghiệm bệnh DTLCP trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

– Chính quyền địa phương chỉ đạo, phối hợp cùng cơ quan chuyên môn thú y tiến hành điều tra ổ dịch (hộ, cơ sở chăn nuôi bị nhiễm DTLCP). Việc điều tra ổ dịch được triển khai tối thiểu 21 ngày trở về trước (trước khi xuất hiện dấu hiệu lâm sàng tại ca bệnh đầu tiên) và sẽ tiếp tục kéo dài đến thời điểm áp dụng các biện pháp kiểm soát ổ dịch.

Quyết liệt trong ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi
Quyết liệt trong ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Đối với lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP thì xử lý ra sao?

Theo khoản 4, Mục II của Kế hoạch trên thì:

– Tiêu hủy toàn bộ lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh DTLCP.

– Biện pháp tiêu hủy: Ủy ban nhân dân các cấp tham khảo, lựa chọn và áp dụng các biện pháp tiêu hủy lợn, sản phẩm từ lợn có mầm bệnh phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

– Đối với lợn khỏe mạnh tại cơ sở có lợn mắc bệnh DTLCP hoặc tại các cơ sở chưa có lợn mắc bệnh nhưng nằm trong vùng dịch khi có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP có thể được vận chuyển, giết mổ theo hướng dẫn tại điểm b khoản 5 và điểm d khoản 6 Mục này.

Việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn là khâu dễ lây lan, phát tán dịch bệnh nhất. Để việc kiểm soát việc này phải thực hiện ra sao?

Việc kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn được quy định theo 2 tình huống:

*Thứ nhất, trong trường hợp không có bệnh DTLCP

*Thứ hai, trong trường hợp có bệnh DTLCP:

– Đối với lợn khỏe mạnh trong cùng ô chuồng, dãy chuồng có lợn mắc bệnh, lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP thì được vận chuyển để tiêu thụ tại địa bàn cấp huyện.

– Đối với lợn khỏe mạnh tại ô chuồng, dãy chuồng chưa có lợn mắc bệnh, lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP được vận chuyển để nuôi hoặc tiêu thụ thuộc địa bàn cấp tỉnh.

– Cơ sở chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học hoặc đã tham gia chương trình giám sát, lấy mẫu có kết quả xét nghiệm âm tính các bệnh (bao gồm cả bệnh DTLCP), lợn không có triệu chứng của bệnh DTLCP trong vòng 21 ngày trước thời điểm vận chuyển, được phép vận chuyển ra khỏi vùng có dịch theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh. Trường hợp vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh phải đáp ứng yêu cầu vận chuyển trong tỉnh và phải được thực hiện kiểm dịch theo quy định pháp luật thú y.

– Việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn được thực hiện theo quy định pháp luật về thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Xử lý dịch lợn tả châu Phi
Xử lý dịch lợn tả châu Phi

Giết mổ lợn và việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn cũng tiềm ẩn nguy cơ lan truyền dịch bệnh. Vậy việc này phải được quản lý ra sao?

Khoản 4, Mục II, Kế hoạch trên, quy định  rất rõ việc quản lý giết mổ lợn và việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn. Trong đó nêu ra:

–  Yêu cầu đối với cơ sở giết mổ lợn

–  Yêu cầu đối với lợn được đưa vào giết mổ

– Quản lý tiêu thụ thịt lợn và sản phẩm từ lợn của các cơ sở giết mổ

– Trong trường hợp có bệnh DTLCP

Để biết thông tin chi tiết, các bạn tham khảo Khoản 4, Mục II, Kế hoạch trên

Người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP được Nhà nước hỗ trợ ra sao?

Theo quy định tại điểm b, Khoản 4, Điều 5, Nghị định số  02/2017/NĐ-CP, ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ “Về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh” thì: “Hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức hỗ trợ cụ thể như sau:

Hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn;…”

Trên đây chỉ là những tin cơ bản, để ngăn chặn bệnh DTLCP, phải cần phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp theo kế hoạch được ban hành kèm theo Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và những chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.