Thuế không phải là công cụ toàn năng để quản lý thị trường vàng

0
130

Thuế chỉ là một trong những công cụ để thúc đẩy, thực hiện chính sách quản lý vàng, chứ không phải công cụ toàn năng để quản lý thị trường vàng. Đồng ý với ý kiến trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW cũng cho rằng thuế chỉ là công cụ thúc đẩy và quản lý vàng chứ không phải toàn năng. Bài viết dưới đây có trích dẫn ý kiến của ông.

Thuế không phải là công cụ toàn năng để quản lý thị trường vàng

Tại toạ đàm “Ngăn ngừa nguy cơ vàng hoá nền kinh tế” tổ chức sáng ngày 08/07/2024, trước nhiều ý kiến đề xuất đánh thuế với giao dịch mua bán vàng giúp quản lý thị trường vàng hiệu quả trong dài hạn, ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng lâu nay, chúng ta coi công cụ thuế như chìa khóa vạn năng có thể mở được tất cả cánh cửa. Tuy nhiên, nhận định này hoàn toàn sai lầm.

Ông Nguyễn Văn Phụng khái quát lại những sắc thuế đang áp dụng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và mua bán vàng hiện nay. Hiện, thị trường vàng gồm 2 danh mục, với chính sách thuế rất rõ ràng.

Một là, vàng ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Với vàng ngoại hối, Nhà nước độc quyền nhập khẩu, với mục đích để ngân hàng trung ương dự trữ vàng cho quốc gia, nền kinh tế. Như vậy, vàng nguyên liệu do Nhà nước nhập về dự trữ, phục vụ chính sách ngoại hối thì không đánh thuế. Vàng loại này cũng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Hai là, vàng trang sức. Kinh doanh vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thuế nhập khẩu vàng thấp, còn thuế giá trị gia tăng áp dụng cho vàng trang sức giống hàng hóa thông thường, mức thuế giá trị gia tăng 10% khi nhập khẩu.

Thuế không phải là công cụ toàn năng để quản lý thị trường vàng
Thuế không phải là công cụ toàn năng để quản lý thị trường vàng

Về quản lý thuế đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo quy định hiện hành, đại diện Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam nêu rõ thứ nhất, với các cơ sở kinh doanh vàng, họ sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cụ thể, Luật Thuế Giá trị gia tăng hiện quy định đánh thuế giá trị gia tăng vào giá trị tăng thêm do hoạt động sản xuất kinh doanh, chế tác vàng, với thuế suất 10% nhân với chênh lệch giữa giá bán trừ đi giá mua. Nếu doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận sẽ phải đóng thêm thuế thu nhập doanh nghiệp 20%.

Thứ hai, với hộ kinh doanh, nếu theo diện nộp thuế khoán thì hội đồng tư vấn thuế, xã, phường cùng chính quyền địa phương sẽ xác định mức doanh thu khoán để ấn định mức thuế khoán.

Với hộ kinh doanh theo diện kê khai thì cần đầy đủ chứng từ, hóa đơn và kê khai thuế như doanh nghiệp và nộp thuế bao gồm cả thuế thu nhập cá nhân với hoạt động kinh doanh và thuế giá trị gia tăng.

“Tôi cho rằng cách quản lý như vậy là tốt và minh bạch, doanh nghiệp rõ ràng, hộ kinh doanh rõ ràng. Chỉ có điều hiện nay, với những hộ kinh doanh nhỏ, mức doanh thu khoán có thể đâu đó còn có vấn đề, doanh thu có thể chưa đúng, chưa sát tại một vài thời điểm”, ông Phụng phân vân.

Mặc dù vậy, ngành thuế đang đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử, kết nối giữa người mua, người bán và với cơ quan thuế. Khi đó, cơ quan thuế sẽ có thông tin, dữ liệu để quản lý thuế tốt hơn và thu thuế theo đúng quy định pháp luật.

Lo thuế chồng thuế

Nêu quan điểm về đánh thuế với giao dịch mua bán vàng, ông Phạm Xuân Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng người dân mua vàng về để tích trữ bằng thu nhập, họ đã làm việc và phải nộp thuế rất nhiều lần. Chính sách thuế đối với vàng như Quốc hội quy định và Bộ Tài chính tham mưu là hoàn toàn đầy đủ.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng mục đích để chống vàng hóa nền kinh tế, để người dân bỏ tiền ra lưu thông là rất tốt nhưng không thể đánh thuế vô tội vạ. Đánh thuế phải dựa trên cơ sở kinh tế và phải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Phụng nhấn mạnh dù áp dụng chính sách nào đi chăng nữa cũng nên vì đại cục, chúng ta cần có cái nhìn toàn cảnh và phải xem xét đến lợi ích của 100 triệu dân, điều đó cần đặt lên đầu tiên.

Chính sách được đưa vào phải giúp sản xuất kinh doanh thuận lợi, tạo ra dòng chảy tài chính và nguồn lực cho nền kinh tế, chứ không phải bổ sung thêm sắc thuế mới, chính sách thuế mới lại khiến người dân tiếp tục ôm tiền đi mua vàng để dự trữ. Chính sách thuế cổ xuý cho việc đó là chính sách thuế thất bại.

Luat su Nguyen Thanh Ha - Thuế không phải là công cụ toàn năng để quản lý thị trường vàng
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, cho rằng ở các quốc gia khác, từ lâu đã có sàn giao dịch vàng, từ đó cơ quan quản lý thực hiện thu thuế thông qua các giao dịch trên sàn vàng. Các quốc gia khác cũng đánh thuế giá trị gia tăng với phần tăng thêm trên giao dịch vàng. Thuế chỉ là một trong những công cụ để thúc đẩy, thực hiện chính sách quản lý vàng, chứ không phải công cụ toàn năng để quản lý thị trường vàng.

Quản lý hiệu quả sẽ chống rửa tiền, ngăn thất thu thuế

Để quản lý thuế thị trường vàng, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng cần nhiều biện pháp, trong đó phải xuất phát từ chính nhu cầu của người dân.

Tất cả người dân, dù mua ít hay nhiều đều yêu cầu lấy hoá đơn của các tiệm vàng. Vì sao? Bởi người dân hôm nay mua, ngày mai lại bán và hóa đơn của đơn vị bán vàng như một chứng chỉ bảo đảm rằng họ mua đúng hàng của cửa tiệm và khi muốn bán lại, cửa hàng sẽ mua với giá tốt hơn.

Hiện, Nhà nước quy định bắt buộc áp dụng hóa đơn, hóa đơn điện tử hay hóa đơn điện tử kết nối với máy tính tiền để chuyển dữ liệu về cơ quan thuế. Cơ quan thuế các cấp đang nỗ lực vận hành hệ thống hoá đơn điện tử.

Hơn nữa, để quản lý hiệu quả hơn cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, chứ không thể bắt ngành thuế tự mình làm được. Cơ quan thuế rất cố gắng nhưng cơ sở dữ liệu có hạn, quyền lực không có. Vì vậy, ông Phụng mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước cùng hợp tác và chia sẻ thông tin dữ liệu để giúp cơ quan thuế, Nhà nước quản lý và nắm bắt được doanh số giao dịch vàng. Quản lý được doanh số sẽ tăng được nguồn thu vào ngân sách Nhà nước, chứ chưa cần thiết phải thêm một loại thuế khác.

“Nếu mua vàng bằng tiền mặt lại không có hóa đơn, chứng từ, không có bút tích truy vết sẽ trở thành hướng tiếp cận mới cho các hành vi bất minh, bất hợp pháp. Những hành động tưởng chừng như xếp hàng mua vàng hộ cũng đang tiếp tay cho những hoạt động phi pháp”, ông Phụng quan ngại.

Do đó, khi quản lý tốt thị trường vàng, siết chặt mua bán bằng hóa đơn sẽ góp phần phòng chống nền kinh tế ngầm, giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền.

“Ngoài vai trò đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý cho ngân sách, việc quản lý thuế hiệu quả còn nắm được đối tượng giao dịch vàng là những ai, người mua thế nào, người bán ra sao, số lượng mua bao nhiêu, khi nào. Nếu có dữ liệu này sẽ đóng góp vào cơ sở dữ liệu dùng chung của quốc gia, cùng công cụ khác giúp quản lý xã hội tốt hơn, tăng cường công tác phòng chống rửa tiền”, ông Phụng phân tích.

Ông Phạm Xuân Hoè cho rằng Chính phủ phải tạo ra được môi trường kinh doanh đầy thuận lợi để người dân có tiền sẵn sàng bỏ ra kinh doanh, thay vì dự trữ vàng.

“Các thị trường đầu tư như chứng khoán, bất động sản… phải phát triển, đồng Việt Nam phải đủ mạnh người dân mới bỏ tiền cho kinh doanh, đầu tư hay gửi tiết kiệm. Đấy là một câu chuyện khó”, ông Hòe nhận định.

THAM KHẢO THÊM >> TƯ VẤN PHÁP LUẬT NGÂN HÀNG