Từ năm 2025, sản xuất, buôn bán thuốc lá điện tử có thể bị phạt tù

0
121

Bắt đầu từ năm 2025, việc sản xuất và buôn bán thuốc lá điện tử sẽ bị cấm hoàn toàn và có thể dẫn đến hình phạt tù. Luật sư Nguyễn Thị Thu, Giám đốc điều hành công ty luật SBLAW, đã chia sẻ thông tin này trong bài viết trên báo LSVN. Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết cấm các hoạt động liên quan đến thuốc lá điện tử nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an toàn xã hội. Quyết định này không chỉ thể hiện sự quyết tâm trong việc kiểm soát các sản phẩm gây hại mà còn phản ánh mối quan tâm sâu sắc đến sức khỏe của thế hệ trẻ.

Từ năm 2025, sản xuất, buôn bán thuốc lá điện tử có thể bị phạt tù

Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8. Trong đó, Nghị quyết nêu rõ, cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Điều đó có nghĩa, từ đầu năm tới, thuốc lá điện tử sẽ bị coi là hàng cấm nên người sản xuất, kinh doanh, sử dụng mặt hàng này có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 được thông qua chiều 30/11, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội. Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể nội dung nêu trên. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.

Như vậy, từ năm 2025, thuốc lá điện tử sẽ được coi là mặt hàng cấm tại Việt Nam. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm, sẽ bị xử phạt theo các quy định hiện hành.

Theo quy định hiện hành, hành vi sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc lá điện tử có thể bị xử lý theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm cá nhân, tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc lá điện tử có thể bị xử lý hình sự theo Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Luat-su-Nguyen-Thi-Thu-giam-doc-cong-ty-luat-SBLAW
Luật sư Nguyễn Thị Thu – Luật sư điều hành công ty luật SBLAW

Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01-05 năm.

Trường hợp phạm tội: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Có tính chất chuyên nghiệp; Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng…thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05-10 năm.

Phạm tội thuộc trường hợp “hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên” thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, thậm chí đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01-03 năm.

Thuốc lá điện tử là một trong những nội dung được các Đại biểu Quốc hội rất quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại Kỳ họp thứ 8 này. Nhiều Đại biểu bày tỏ lo ngại khi thuốc lá điện tử đang được giới trẻ sử dụng nhiều, gây hại cho sức khoẻ. Bên cạnh đó, việc mua thuốc lá điện tử hiện nay khá dễ dàng, trở thành trào lưu.

Quốc hội quyết định cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025: Động thái mạnh mẽ bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Trả lời Đại biểu Quốc hội vế vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết thời gian qua, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến sức khỏe, tính mạng, đặc biệt là giới trẻ.

Qua điều tra tại 34 tỉnh, thành phố, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần, lên 3,6% năm 2020, tập trung cao nhất ở 15 – 24 tuổi. Bộ Y tế đã giao đơn vị chuyên môn tổng hợp nội dung nghiên cứu và đánh giá việc sử dụng thuốc lá nung nóng, điện tử ảnh hưởng tim, gan, phổi và đặc biệt là loạn thần. Năm 2023, có 1.234 người liên quan tới thuốc lá điện tử điều trị.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên nhân chính khiến thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng vẫn còn tràn lan trên thị trường là do mặc dù chưa có quy định pháp luật cho phép kinh doanh các sản phẩm này, nhưng để thu lợi nhuận, nhiều công ty đã lợi dụng các hình thức tiếp thị tinh vi và sản phẩm có thiết kế bắt mắt để thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tình trạng nhập lậu thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cũng góp phần làm gia tăng tình trạng này, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng đề xuất có Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật Phòng chống tác hại thuốc được Quốc hội xem xét và sửa đổi trong thời gian tới.

Quốc hội quyết định cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025 - SBLAW
Quốc hội quyết định cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025 – SBLAW

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đã tham gia vào Công ước khung phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh giảm thiểu tác hại của thuốc lá thông thường, với những hình thức xuất hiện mới của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ngành y tế cũng đã có rất nhiều giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Y tế phối hợp với ngành giáo dục, các cơ quan liên quan tăng cường truyền thông và phòng chống tác hại thuốc lá nói chung, trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Qua lấy ý kiến của các bộ, ngành đa phần rất ủng hộ đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội có những giải pháp cấm sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Bộ Y tế cũng đã tổ chức đánh giá tác động làm căn cứ khoa học; đã tổ chức công bố tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử. Các giải pháp này là những giải pháp mang tính chất căn cơ để cung cấp các bằng chứng, căn cứ pháp lý để Chính phủ quyết định các giải pháp phòng chống tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trình tại Kỳ họp thứ 8 cũng đã đề xuất đến nội dung tính thuế đối với thuốc lá mới trong phần tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã liên tục có đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Luật sư Nguyễn Thị Thu

Luật sư Điều hành công ty luật SBLAW

Tham khảo thêm >> Tư vấn pháp luật chính xác hiệu quả