Vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp FDI

0
374

Nhận lời mới của Kênh truyền hình VITV, Luật sư Nguyễn Thanh Hà có trả lời về vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp FDI hiện nay:

Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:

BTV Vân Anh:  Ông đánh giá thế nào về hành vi chuyển giá của các DN FDI tại VN và các nước trên thế giới hiện nay? Những hình thức chuyển giá tại VN?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà:

Chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn hoặc các bên liên kết qua biên giới, không theo giá thị trường mà theo hướng có lợi, nhằm giúp các DN giảm thiểu nghĩa vụ thuế, tối đa hóa lợi nhuận, từ đó chuyển vốn đầu tư hoặc lợi nhuận về nước, chiếm lĩnh thị trường (đặc biệt là các công ty đa quốc gia); thanh lý các thiết bị, máy móc công nghệ kém hiện đại với giá cao…

Về sâu xa, chuyển giá là việc chia quyền đánh thuế giữa các quốc gia, theo đó, thu nhập sẽ được chuyển về quốc gia, vùng lãnh thổ có thuế thấp hoặc nước xuất khẩu tư bản để tính thu nhập chịu thuế.

Tuy nhiên, ngày nay chuyển giá không chỉ xảy ra ở các giao dịch xuyên quốc gia, mà còn diễn ra ở các giao dịch trong một nước, đặc biệt là giữa DN được hưởng ưu đãi thuế và DN không được hưởng ưu đãi thuế, giữa DN nhà nước và DN “sân sau” của DN đó, giữa các DN có quan hệ nhân thân…

Những hình thức chuyển giá tại việt nam:

Chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình giữa các bên liên kết:

Chuyển giá thông qua góp vốn đầu tư bằng tài sản để lợi dụng chính sách thông thoáng về thu hút đầu tư của Việt Nam theo hướng phát huy lợi thế so sánh về tài nguyên, thiên nhiên, đất đai và nguồn nhân lực dồi dào, đồng thời nắm bắt được hạn chế của Việt Nam về nguồn lực tài chính và khả năng thẩm định giá trị tài sản, các nhà ĐTNN đầu tư vào Việt Nam (đầu tư 100% vốn hoặc liên doanh) thông qua việc góp vốn bằng dây chuyền máy móc, thiết bị, nguyên liệu đặc thù được định giá cao hơn nhiều so với giá trị thực tế.

Việc nâng khống giá trị tài sản góp vốn sẽ đem đến một số lợi ích kinh tế cho nhà ĐTNN như: Nhà ĐTNN có thể chuyển một phần lợi ích kinh tế ngược trở lại cho mình thông qua việc trích khấu khao tài sản cố định, phân chia lợi nhuận trên tỷ lệ vốn góp gây thất thu thuế TNDN cho Nhà nước và thiệt hại cho bên liên doanh Việt Nam;

Giúp nhà ĐTNN chiếm tỷ trọng vốn cao hơn so với bên liên doanh Việt Nam, từ đó nắm quyền kiểm soát và điều hành DN theo mục đích của mình, thực hiện chuyển giá gây thua lỗ triền miên khiến DN Việt Nam không còn đủ tiềm lực tài chính để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, phải bán lại phần vốn góp cho nhà ĐTNN. Khi đó, liên doanh sẽ trở thành DN 100% vốn ĐTNN.

Chuyển giá thông qua việc mua, bán nguyên liệu, vật tư, hàng hoá, công cụ, dụng cụ, tài sản cố định và các tài sản hữu hình khác giữa các bên liên kết. Chuyển giá dạng này diễn ra tương đối phổ biến tại các DN liên kết trong những năm qua, kể cả các DN FDI cũng như bên liên kết nội địa tại một số ngành nghề chính như: may mặc, da giày, chế biến lương thực, thực phẩm.

Chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản vô hình

Hình thức này thường diễn ra trong trường hợp công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ sản xuất kinh doanh cho bên liên kết tại Việt Nam và thu tiền bản quyền.

Việc định giá đối với loại tài sản vô hình mang tính đặc thù này thường rất khó khăn.

Lợi dụng đặc tính này, DN liên kết tại nước ngoài thường tính và thu phí bản quyền rất cao đối với bên liên kết tại Việt Nam, khiến cho chi phí đầu vào của bên liên kết Việt Nam bị đẩy lên cao, kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ, Chính phủ Việt Nam bị mất quyền đánh thuế TNDN.

       Chuyển giá thông qua cung cấp dịch vụ nội bộ tập đoàn:

Do dịch vụ thường đa dạng và mang tính đặc thù nên rất khó định giá. Lợi dụng đặc tính này, trong những năm qua, một số tập đoàn đa quốc gia đầu tư vốn vào Việt Nam và thực hiện cung cấp các dịch vụ cho DN thành viên tại Việt Nam (dịch vụ kế toán, tài chính, tư vấn…) đồng thời tính giá dịch vụ ở mức rất cao để chuyển lợi nhuận từ DN thành viên tại Việt Nam sang bên liên kết nước ngoài nhằm giảm nghĩa vụ thuế TNDN của DN thành viên tại Việt Nam, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Chuyển giá thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh

Với cách thức này, lợi nhuận từ DN FDI tại Việt Nam đã được chuyển sang cho bên liên kết tại nước ngoài có mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất thuế TNDN tại Việt Nam để được hưởng mức thuế suất thấp này.

Hành vi này thường xảy ra tại các DN có ngành nghề sản xuất kinh doanh có sử dụng vốn lớn như: khai thác mỏ; sản xuất, lắp ráp các phương tiện vận tải…

phong van

BTV Vân Anh:  Trên thực tế, để xác định hành vi chuyển giá của các DN FDI tại VN là rất khó khăn? Nguyên nhân vì sao?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Ở Việt Nam, việc xác định giá chuyển nhượng giữa các bên liên kết đã được hướng dẫn từ năm 1997 tại Thông tư số 74/1997/TT-BTC và được bổ sung hoàn thiện bằng Thông tư 66/2010/TT-BTC (năm 2010) nhưng việc kiểm tra, giám sát còn nhiều hạn chế; cùng với những kẻ hở luật pháp cũng như những yếu tố khác thuộc về quản trị và con người nên kiểm soát chuyển giá chưa hiệu quả, hiện tượng chuyển giá diễn ra phổ biến trong khu vực DN FDI.

Cho đến nay, quy phạm về đấu tranh chống chuyển giá mới chỉ được nêu tại Điểm e Khoản 1 Điều 37 Luật Quản lý thuế quy định một nội dung có liên quan có thể được vận dung làm cơ sở để đấu tranh chống chuyển giá.

Còn lại, các văn bản quy phạm pháp luật thì đã có từ năm 1997 nhưng không cụ thể và chi tiết vào các quan hệ pháp luật mới trên thực tế đó là Thông tư, như Thông tư 74/1997/TT-BTC hướng dẫn về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài; Thông tư 89/1999/TT-BTC, Thông tư 13/2001/TT-BTC và đặc biệt là thông tư 117/2005/TT-BTC năm 2005 mà hiện nay là Thông tư 66/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết.

Ngoài ra, cũng chưa có quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để giúp ngành Thuế thu thập thông tin phục vụ cho công tác chống chuyển giá.

Theo đó, chúng ta cần hoàn thiện dần cơ sở pháp lý trong việc kiểm soát chuyển giá, bao gồm Luật, Nghị định, Quyết định, Thông tư… và các chế tài xử phạt.

BTV Vân Anh: Làm thế nào để giảm được hành vi chuyển giá của DN FDI tại VN (về khía cạnh Luật pháp; kinh nghiệm quốc tế?)

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Cần có các biện pháp sau để chống hành vi chuyển giá:

Thứ nhất: Hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá

Thứ hai: Thành lập bộ phận tình báo thuế ở Tổng cục Thuế. Đây chính là cơ quan có chức năng chuyên trách thu thập thông tin phục vụ quản lý thuế ở cả trong nước và quốc tế. Tình báo thuế không chỉ cần thiết cho hoạt động chống chuyển giá, mà còn rất hữu ích cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế

Phải luật pháp hoá chống chuyển giá ở khung chế tài cao nhất. Mỹ luật hoá ngay trong các Luật của nhà nước, trong luật thuế cũng có những điều khoản về chống chuyển giá rất rõ ràng, minh bạch. Cơ quan thuế phải là người đồng ý giá chuyển nhượng. Đó phải là giá tham chiếu được trên thị trường và được cơ quan thuế đồng ý.

Ở các nước khác trên thế giới có cả một hệ thống dữ liệu cho rất nhiều ngành nghề khác nhau. Từ đó có được cơ sở cho các cán bộ thuế và cơ quan thuế quản lý, xử lý các số liệu tuỳ chỉnh và cũng răn đe luôn DN phải khai đúng, khai đủ.

Chuyên gia Canada, Pháp hay Nhật đều dựa trên các kinh nghiệm đó. Họ làm tương đối chặt chẽ đối với một số ngành ở một số lĩnh vực, để từ đó tạo ra được bộ tiêu chuẩn để có thể giám sát được hoạt động kinh doanh của một số ngành nghề và những ngành nghề khác nhau từ đó chống chuyển giá.

Phương pháp xác định giá tính thuế (APA) là cách các nước như Mỹ, Anh, Úc, Canada, Nhật họ đã và đang làm đạt kết quả rất cao.

Bản chất APA là đơn vị đó đã thống nhất với cơ quan thuế cái giá họ đăng ký trước. Muốn như thế họ phải dựa trên bộ tiêu chuẩn về đầu vào, đầu ra cũng như định mức tiêu chuẩn và các yếu tố khác liên quan đến việc sản xuất kinh doanh để đưa ra.

Nó có thể có chênh lệch nhưng không nhiều so với bộ tiêu chuẩn mà cơ quan chức năng đưa ra. Như vậy, việc chống chuyển giá đơn giản hơn rất nhiều.

Đây chính là liều thuốc để cơ quan quản lý và DN gặp gỡ nhau và cùng có một cái chung là bộ tiêu chuẩn và theo đó thực thi. Có thể chênh với định mức tiêu chuẩn nhưng lý giải được thì vẫn chấp nhận. Nếu chênh nhiều thì sẽ kiểm tra và chi phí tốn kém đó DN phải chịu chứ không phải cơ quan thuế.

Hy vọng trong thời gian tới Việt Nam sẽ nghiên cứu và áp dụng thực hiện mô hình này.