Ai có thẩm quyền bãi miễn Giám đốc trong công ty cổ phần?

0
405

Theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 108 Luật Doanh nghiệp 2005 thì Hội đồng quản trị có quyền: “Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định; quyết định mức lương và lợi ích khác của những người quản lý đó; cử người đại diện theo uỷ quyền thực hiện quyền sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp ở công ty khác, quyết định mức thù lao và lợi ích khác của những người đó”.

Như vậy, Hội đồng quản trị có quyền bãi miễn, thay thế Giám đốc và quyết định cả mức lương và lợi ích của Giám đốc.

Tuy nhiên, mặc dù Luật Doanh nghiệp 2005 quy định như vậy nhưng pháp luật chuyên ngành lại quy định khác. Tình huống sau đây sẽ cho chúng ta thấy vẫn còn sự bất cập trong quy định của Luật Doanh nghiệp 2005:

Tình huống: Công ty cổ phần A là công ty niêm yết có ông Nguyễn Văn X làm Tổng Giám đốc là người đại diện theo pháp luật. Tháng 4/2007, Hội đồng quản trị căn cứ vào thẩm quyền quy định tại Điều lệ công ty và điểm h khoản 2 Điều 108 Luật doanh nghiệp 2005 ra quyết định bãi miễn Tổng giám đốc và bổ nhiệm ông Trần Văn Y thay thế; lý do bãi miễn là vì ông X cố tình để công ty thua lỗ nhằm mua lại cổ phần để kiểm soát công ty.

Tuy nhiên, ông X lại căn cứ vào Điều 29 Nghị định 88/2006/NĐ-CP để bác bỏ quyết định bãi miễn của Hội đồng quản trị vì điều khoản này quy định việc thay đổi người đại diện theo pháp luật cần phải có quyết định và biên bản họp Đại hội đồng cổ đông.

Ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty A rất bức xúc và bối rối nên hỏi tư vấn một số vấn đề sau: (i)Việc thay đổi Tổng giám đốc trong trường này thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị hay Đại hội đồng cổ đông?

Điểm h khoản 2 Điều 108 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định Hội đồng quản trị có quyền thay đổi Tổng giám đốc nhưng vì Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật nên việc thay đổi Tổng giám đốc đồng thời làm thay đổi người đại diện theo pháp luật. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 Nghị định 88/2006/NĐ-CP thì hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật phải có biên bản họp và quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Như vậy, để chức danh Tổng giám đốc của ông Y chính thức được ghi trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì cần Đại hội đồng cổ đông thông qua. Do đó, xét về mặt thực tiễn thi hành Luật doanh nghiệp 2005, Đại hội đồng cổ đông mới là cơ quan có thẩm quyền thay đổi Tổng giám đốc nếu Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật.

Rõ ràng khoản 3 Điều 29 Nghị định 88/2006/NĐ-CP mâu thuẫn với điểm h khoản 2 Điều 108 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định về quyền thay đổi Tổng giám đốc của Hội đồng quản trị và lúc này, Hội đồng quản trị chỉ có quyền đề xuất để Đại hội đồng cổ đông chấp thuận. Trong trường hợp đó, nếu Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông không đồng thuận thì hoạt động của công ty sẽ bế tắc.

Tuy nhiên, khoản 3 Điều 29 Nghị định 88/2006/NĐ- CP lại phù hợp với khoản 15 Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2005. Khoản 15 Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định rằng chữ ký của người đại diện theo pháp luật công ty cổ phần là một phần nội dung Điều lệ công ty. Thay đổi người đại diện theo pháp luật đồng nghĩa với việc sửa đổi, bổ sung nội dung Điều lệ vì chữ ký của người đại diện theo pháp luật thay đổi. Do đó, việc thay đổi người đại diện theo pháp luật cần được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

 Theo Luật gia: Cao Bá Khoát và Luật sư: Trần Hữu Huỳnh.