Bài toán nào lấp “lỗ hổng” quản lý Dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới?

0
794

Như chương trình Thời sự, Đồng hành sáng… trong tuần vừa qua đã thông tin, thì sự kiện “YouTuber săm trổ” Ngô Bá Khá bị bắt vì các tội sử dụng ma túy, tổ chức đánh bạc đang làm nóng dư luận xã hội. Ngô Bá Khá sở hữu một kênh youtube Khá Bảnh và thường đăng các clip mang tính ngông cuồng, cổ vũ băng đảng, các hành động kiểu giang hồ… song lại thu hút nhiều người đăng kí, bình luận hoặc theo dõi. Điều đáng bàn ở đây là khi Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức gửi yêu cầu YouTube khoá kênh của Khá Bảnh, thì sang ngày hôm sau kênh này mới bị khoá. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn có thể xem được các clip này, bởi đã có nhiều kênh khác đăng lại. Chưa kể, Ngô Bá Khá đã khai với cơ quan công an là Google trả tiền cho các clip đã đăng trên youtube của Khá, với khoảng 500 triệu đồng mỗi tháng. Để tìm hiểu về các thách thức trong việc quản lý các hoạt động của những tài khoản xã hội cá nhân cũng như những hoạt động của các dịch vụ xuyên biên giới, trong Câu chuyện Thời sự hôm nay, chúng tôi mời Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch điều hành Công ty Luật SB Law.

MC 1: Quý vị quan tâm, muốn gọi điện, đặt câu hỏi với vị khách mời xin gọi đến các số điện thoại: 02439341040; 02435563563. Xin nhắc lại các số điện thoại 02439341040; 02435563563. Bây giờ, xin mời BTV và vị khách mời.

 

Trước hết, trân trọng cảm ơn Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã đến tham gia chương trình Đồng hành sáng của kênh VOV1 hôm nay.

 

1/Thưa ông, một sự việc dư luận hết sức quan tâm là mới đây, cơ quan chức năng đã bắt giữ Ngô Bá Khá (ở Từ Sơn, Bắc Ninh) với tội danh sử dụng ma túy và tổ chức đánh bạc. Song điều đáng bàn ở đây là Ngô Bá Khá sở hữu rất nhiều clip độc hại với hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên mạng xã hội, với kênh youtube Khá Bảnh. Những cá nhân nổi tiếng theo một cách không giống ai trên mạng xã hội hiện nay sẽ có nguy hiểm như thế nào, nhất là đối với giới trẻ, thưa ông?

Trả lời:

Thời gian gần đây, những hiện tượng “giang hồ mạng” phát triển mạnh dẫn đến nhiều mối nguy hiểm đáng lo ngại cho xã hội, đặc biệt là đối với giới trẻ, những người đang trong độ tuổi phát triển về tâm sinh lý, chưa có được nhận thức đúng đắn về những chuẩn mực xã hội.

Những video clip do các đối tượng “giang hồ mạng” này đăng tải chứa đầy những lời lẽ văng tục, chửi bới, những hình ảnh bạo lực, hành xử kiểu giang hồ, hu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ với hàng triệu lượt xem và bình luận.

Điều đáng nói là không chỉ dừng lại ở việc xem và bình luận các video, nhiều bạn trẻ còn coi các “giang hồ” trên mạng như Khá Bảnh là thần tượng, tung hô ca ngợi các đối tượng này.

Dường như, có cảm giác giới trẻ không muốn chấp nhận những chuẩn mực đạo đức, bị hấp dẫn với những hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại thuần phong mĩ tục của dân tộc. Đây thật sự là một hiện tượng đáng báo động cho tầm văn hóa và ứng xử của giới trẻ.

Hậu quả của những hành vi này là từ việc lệch lạc trong nhận thức, về chuẩn mực ứng xử, giới trẻ có thể có những hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm đến xã hội.

 

2/Vâng, vấn đề là thế giới mạng đang ngày càng xuất hiện nhiều những thành viên dung túng cho những lời lẽ thô tục, những hình ảnh vô văn hoá, … song lại thu hút hàng triệu lượt người đăng kí, theo dõi. Vậy theo ông, đây có thể coi là hành động lan truyền văn hoá độc hại của các cá nhân, tổ chức (tự phong là các băng đảng) đến giới trẻ?

Trả lời:

Nếu nhìn nhận theo góc độ pháp luật, hành vi của những đối tượng nêu trên có thể vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Cụ thể, căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, một trong số các hành vi bị pháp luật cấm là Tuyên truyền, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Tùy thuộc theo mức độ nguy hiểm của hành vi, những đối tượng này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo hình thức phạt tiền với mức tiền phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo quy định tại Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

 

3/ Bên cạnh các hành vi lên án việc phát tán các clip độc hại, có không ít người, nhất là các bạn trẻ lại cổ súy, nhấn “like” cho những lối sống này. Đáng buồn là càng nhiều nội dung sốc, độc, lạ thì số lượt xem và chia sẻ càng tăng. Khá Bảnh đã có nguồn thu nhập rất cao từ số lượt xem lớn này. Theo quan điểm của ông, thì cơ quan quản lý liệu có thể kiểm soát, xử phạt hết các hoạt động đăng clip trên mạng xã hội kiểu như Khá Bảnh?

Trả lời:

Rất khó để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể kiểm soát, xử lý được hết tất cả các hành vi đăng tải nội dung trái với chuẩn mực ứng xử thông thường trên mạng xã hội.

Số lượng thông tin được đăng tải trên mạng internet là rất lớn, trong đó cũng có không ít những thông tin chứa nội dung xấu, gây tác động tiêu cực thậm chí nguy hiểm cho xã hội.

Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay cũng đang có những công tác gia tăng hoạt động quản lý thông tin đăng tải trên mạng xã hội, tuy nhiên, việc kiểm soát nội dung thông tin hiện nay vẫn chủ yếu cần phải phụ thuộc nhiều vào việc kiểm duyệt nội dung ban đầu của chính những trang mạng xã hội như facebook, youtube…

 

4/Việc các mạng xã hội như youtube, facebook… vẫn liên tục bị chỉ trích về các clip có nội dung bạo lực, thô tục, hay những hình ảnh livestream về vụ xả súng gần đây ở New Zealand… đang đặt nhiều quốc gia đứng trước các thách thức trong việc quản lý sự phát tán các hình ảnh, clip này. Phải chăng cũng như các quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với những “lỗ hổng” về pháp lý trong việc xử lý các mạng xã hội nước ngoài hoạt động tại nước sở tại, thưa ông?

Trả lời:

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này không nằm ở thiếu sót trong hoạt động lập pháp, trong hệ thống pháp luật, mà nằm ở việc quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước.

Hiện nay, các trang mạng xã hội ở Việt Nam được tồn tại dưới hai dạng, một là các trang MXH do doanh nghiệp trong nước cung cấp, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động, các trang mạng này bắt buộc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, với đối tượng thứ hai, hiện đang rất phổ biến hiện nay là các MXH do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, hoạt động không có giấy phép (vì không lập văn phòng đại diện tại Việt Nam), việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam của những trạng mạng này rất hạn chế và những trang mạng này vì vậy cũng rất khó để các cơ quan chức năng có thể quản lý.

Việc các cơ quan chức năng Việt Nam khó có thể liên hệ với người có thẩm quyền để xử lý các vấn đề một cách kịp thời cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam.

 

5/Sử dụng mạng xã hội ở nước ngoài, ví dụ như tại Hoa Kỳ, thì còn dẫn tới tình trạng giết người hàng loạt, hoặc các băng đảng giang hồ thủ tiêu lẫn nhau. Ví dụ như thống kê của cảnh sát Chicago cho thấy, năm 2018 có 650 vụ giết người ở Chicago liên quan đến băng đảng và các băng đảng này thì thường gây hấn với nhau bằng cách quay video phát trực tiếp, hoặc sử dụng tính năng trên Facebook Live. Ông có suy nghĩ như thế nào về điều này, khi người dân ở nước ta, nhất là giới trẻ đang dành nhiều thời gian cho mạng xã hội facebook, youtube, instagram, twitter?

Trả lời:

Không thể hoàn toàn cho rằng nguyên nhân của những hành vi bạo lực của giới trẻ hiện nay xuất phát từ việc sử dụng các trang mạng xã hội.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tính cách, hành vi ứng xử của những người trẻ tuổi, có thể kể đến như gia đình, giáo dục, môi trường xã hội mà những người này tiếp xúc hàng ngày…

Tác động của những nội dung xấu trên mạng xã hội cũng chỉ là một trong những yếu tố cấu thành nên nguyên nhân gây ra thực trạng trên.

Do đó, để có thể hạn chế việc xảy ra những hành vi bạo lực của giới trẻ, cần phải đẩy mạnh công tác giáo dục, giúp giới trẻ có được nhận thức về việc sàng lọc thông tin trên internet.

 

6/Ngay clip trên youtube của Khá Bảnh mà chúng tôi từng xem, cũng có những cảnh thu nạp thêm người, gần giống những băng đảng ở Hoa Kỳ hay Canada. Là một Luật sư từng học và làm việc với nhiều đối tác nước ngoài, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm xử lý những clip về các băng đảng kiểu này ở một vài nước hiện nay?

Trả lời:

Thông thường, với các quốc gia như Hoa Kỳ hay các quốc gia châu Âu, các công ty sở hữu những trang mạng xã hội như youtube hay facebook có đặt trụ sở hoặc các chi nhánh, văn phòng đại diện và máy chủ ở các quốc gia này.

Do đó, trong trường hợp những trang mạng này không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm kiểm duyệt thông tin ban đầu, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan nhà nước quản lý nhà nước có thể can thiệp, xử lý được các hành vi này và buộc những trang mạng xã hội phải tháo gỡ những thông tin xấu trên.

Hoạt động điều trần của các chủ mạng xã hội với cơ quan chức năng cũng là một cách làm mà họ yêu cầu để họ tự soi lại mình.

 

7/ Trong trường hợp Khá Bảnh không nộp thuế thu nhập từ Google (như đã khai báo là mỗi tháng được trả khoảng 500 triệu đồng), thì có thể xử lý như thế nào, thưa ông?

Trả lời:

Theo quy định hiện hành, người có thu nhập từ mạng nước ngoài với số tiền từ 100 triệu đồng mỗi năm trở lên sẽ phải kê khai và đóng thuế 7% số tiền nhận được.

Đối với những cá nhân trốn tránh, không nộp thuế theo quy định này, những cá nhân này có thể bị truy thu thuế kèm theo xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Hơn nữa, trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm, hành vi trốn tranh nghĩa vụ nộp thuế này còn có khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế theo quy định của pháp luật hình sự.

 

8/Thưa ông, hiện nay, hệ thống pháp luật ở nước ta trong việc quản lý, xử phạt các clip xấu, độc hại đã có thể áp dụng đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới hay chưa (ví dụ như Luật An ninh mạng)?

Trả lời:

Với những quy định hiện hành, việc xử lý các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội nước ngoài vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Các quy định này tới thời điểm hiện tại mới chỉ có thể xử lý được những trang mạng xã hội do các doanh nghiệp trong nước cung cấp.

Đối với các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội, để có thể xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các chủ thể này, cần thiết phải có cơ chế để các doanh nghiệp này đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Luật an ninh mạng đã có hiệu lực, tuy nhiên Nghị định hướng dẫn vẫn chưa ra đời, cùng là một thách thức cho cơ quan chức năng Việt Nam.

 

9/Vậy, có thể khẳng định rằng “lỗ hổng” trong việc quản lý dịch vụ xuyên biên giới hiện nay không chỉ là vấn đề không thể thu thuế thu nhập của những youtuber hay facebooker đang có doanh thu từ các dịch vụ mạng nước ngoài, thưa ông?

Trả lời:

Việc chưa thể quản lý, giám sát được hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội nước ngoài bên cạnh việc khó khăn trong công tác thu thuế thu nhập của các đối tượng kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội, mà như đã đề cập trên, còn gây khó khăn cho việc kiểm soát những thông tin, nội dung lan truyền trên mạng xã hội, ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, trình độ phát triển của các mạng xã hội với nhiều tính năng mới, luật pháp và chính sách luôn phải chạy theo để điểu chỉnh cũng là vấn đề lớn không chỉ ở Việt Nam và nước ngoài.

Ví dụ như vụ xả súng ở New Zealand, chủ mạng xã hội FB đã phải xem xét lại tính năng livestream của mình.

Pháp luật sẽ điều chỉnh thế nào với tính năng này để ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của nó luôn là một vấn đề rất thách thức.

 

10/Việc nâng cao nhận thức cho giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi cấp 2, cấp 3 thì đang cần sự vào cuộc của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Song, là phụ huynh như chúng tôi, làm thế nào để có thể ngăn chặn các con tiếp xúc với các nội dung xấu, độc trên môi trường mạng, mà không cần phải ngăn cấm, thưa ông? (ví dụ đưa giáo dục pháp luật vào trường học, giáo dục pháp luật cho cha mẹ…)

Trả lời:

Các bậc phụ huynh cần có những biện pháp phù hợp để bảo vệ con em mình trước những thông tin xấu lan truyền trên mạng xã hội.

Trước hết, các phụ huynh phải biết và hiểu được nội dung những thông tin mà con mình đang theo dõi trên mạng xã hội.

Tiếp theo đó, phụ huynh cần lựa chọn những thông tin phù hợp để cho con em mình theo dõi.

Bên cạnh đó, việc thương lượng, thỏa thuận về thời lượng sử dụng các thiết bị công nghệ với con mình, đặt một số phần mềm chặn nội dung xấu; máy tính và các thiết bị công nghệ cần được đặt ở phòng sinh hoạt chung… cũng là những biện pháp hiệu quả có thể được cân nhắc.

Việc giáo dục pháp luật tại các trường học theo tôi biết là vẫn đang được triển khai thông qua môn đạo đức và giáo dục công dân.

Tuy nhiên, công tác giáo dục này cần được đẩy mạnh để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, qua đó giúp giới trẻ nói chung hiểu và thừa nhận những chuẩn mực ứng xử trong xã hội, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Sử dụng mạng xã hội vào việc nâng cao kiến thức, học ngoại ngữ hơn là xem những nội dung mang tính vô bổ, độc hại trên mạng xã hội.

Cũng cần tuyên truyền đến các doanh nghiệp, khi chạy quảng cáo sẽ từ chối chạy trên những nội dung vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục.

 

11/Thưa ông, pháp luật cần có thêm những quy định như thế nào, để có thể ngăn chặn được những thông tin xuyên tạc, xấu độc, hoặc cổ vũ băng đảng giang hồ như Khá Bảnh chẳng hạn?

Trả lời:

Như chúng ta đã biết, Luật an ninh mạng ra đời gần đây đóng vai trò to lớn trong cuộc chiến chống lại những thông tin độc hại đang lan truyền rộng rãi, phổ biến trên không gian mạng. Tuy nhiên, vì là một luật mới ra đời nên những quy định trong văn bản này vẫn chưa có hướng dẫn thi hành cụ thể.

Chính vì vậy, thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu ban hành thêm những quy định hướng dẫn thực hiện luật an ninh mạng, góp phần phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng không gian mạng để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, kiểm soát nội dung, chất lượng thông tin trên Internet hiện nay.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần cập nhật thông tin, cách xử lý các vấn đề mới của các nước trên thế giới, từ đó áp dụng vào Việt Nam.

Có sự phối hợp hiệu quả của cơ quan chức năng Việt Nam với các đơn vị cung cấp MXH để cùng phối hợp, xử lý các vấn đề, như khóa các kênh vi phạm.

Giải pháp căn cơ vẫn là xử lý vấn đề từ gốc, đó là giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam, cần tận dụng những thành tựu của khoa học thay vì bị mạng xã hội dẫn dắt.

 

BTV: Trân trọng cảm ơn Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch điều hành Công ty Luật SB Law đã tham gia chương trình!

Cảm ơn quý vị thính giả đã gọi điện, gửi câu hỏi tham gia chương trình.