Ban chỉ đạo quốc gia về đầu thầu qua mạng được thành lập

0
539

Ngày 08/11/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1735/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng với chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng.

Theo đó, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng được chỉ định làm Trưởng ban. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Phó trưởng ban.

Các thành viên là các Thứ trưởng (hoặc tương đương) trở lên thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công Thương; Bộ Xây dựng; Bộ Y tế; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ. Thư ký Ban Chỉ đạo là Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong lĩnh vực đấu thầu qua mạng.

Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng; giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến lĩnh vực đấu thầu qua mạng.

Ban Chỉ đạo hoạt động theo cơ chế đề cao trách nhiệm của Trưởng ban. Các thành viên Ban Chỉ đạo hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Trước đó, vào tháng 7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1402/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016-2025. Nội dung kế hoạch nêu rõ, đấu thầu qua mạng là một thành phần quan trọng của Chính phủ điện tử, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông vào quá trình tương tác giữa các bên liên quan, gồm: Chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, cơ quan giám sát, cơ quan quản lý nhà nước, … trong các hoạt động mua sắm công và quản lý thực hiện hợp đồng nhằm nâng cao khả năng quản trị nhà nước, tăng tính công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả của công tác đấu thầu, chống tham nhũng hiệu quả.