Bán ô tô ‘bia kèm lạc’ ngày càng phổ biến tại Việt Nam

0
413

 

Vừa qua, Luật sư  Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có trao đổi với phóng viên về hiện tượng bán ô tô ‘bia kèm lạc’ ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Dưới đây là nội dung chi tiết:

 

Không còn là câu chuyện của Toyota như nhiều năm trước, giờ đây cứ mẫu xe nào “hot”, đại lý cũng buộc khách phải mua thêm phụ kiện.

Thị trường Việt đang khan xe nên là dịp để các đại lý tung chiêu bán hàng buộc mua thêm phụ kiện để nhận xe sớm với những mẫu xe được nhiều người quan tâm. Gần đây, Toyota Veloz Cross bán kênh 20-30 triệu tại Hà Nội, 40-50 triệu tại TP HCM.

Tuy nhiên, bán “bia kèm lạc” không còn là riêng vấn đề của xe Toyota như những năm trước đây, mà có thể xảy ra ở bất cứ đại lý của hãng nào, miễn là mẫu xe đó được khách hàng quan tâm. Nhiều đại lý Hyundai bán chênh giá Santa Fe, Tucson, Creta, cao nhất gần 100 triệu đồng. Đại lý Ford cũng tương tự khi dòng bán tải Ranger hiện cũng kênh giá 20-90 triệu đồng.

Ở mảng xe máy, các mẫu xe bán chạy của Honda như SH, Air Blade, SH Mode cũng kênh giá vài triệu đến hàng chục triệu đồng.

Phản hồi về việc hãng có kiểm soát việc bán hàng của đại lý hay không, Toyota Việt Nam cho biết hãng không có chủ trương ép khách mua thêm phụ kiện mà theo nguyên tắc đến trước được phục vụ trước.

“Toyota Việt Nam yêu cầu tất cả các đại lý tuân thủ chính sách này để bảo vệ quyền lợi của khách hàng”, đại diện liên doanh Nhật nói. “Chúng tôi sẽ tiếp nhận phản ánh của khách hàng (qua số 18001524) và có biện pháp xử lý nếu phát hiện bất kỳ vi phạm nào từ đại lý”.

Đây không phải lần đầu hãng xe Nhật phản hồi với nội dung tương tự, mỗi khi có những đợt làm giá từ đại lý. Honda cũng thường xuyên giải thích như vậy ở mảng xe máy.

Trong những năm qua, phần lớn khách hàng than phiền về tình trạng chèn ép này chỉ dừng lại ở những lời nói. Sau đó, họ vẫn chấp nhận bỏ thêm tiền để mang xe về. Đó là lý do mà tình trạng bia kèm lạc vẫn tồn tại trong thời gian dài tại các đại lý.

Câu 1: Dưới góc nhìn Luật sư, anh nhận định về vấn đề bán ô tô ‘bia kèm lạc’ ngày càng phổ biến tại Việt Nam hiện nay?

Trả lời:

“Bia kèm lạc” là cụm từ được nhiều khách hàng dùng để chỉ về việc mua ô tô nhưng phải mua kèm thêm gói phụ kiện để được nhận xe sớm.  Tình trạng ép khách hàng mua xe, nhận xe sớm kèm theo gói phụ kiện có giá vài chục đến vài trăm triệu đồng của các đại lý xe ô tô xuất hiện trong mấy năm gần đây, đặc biệt là vào dịp cuối năm khi nhu cầu mua bán, đi lại của người dân tăng cao. 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công Ty Luật SBLAW

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law

Các đại lý bán xe ô tô như những con buôn, cố gắng gia tăng lợi nhuận bằng nhiều chiêu trò. Các hãng khẳng định không có chủ trương này, chính các đại lý đã tìm các kẽ hở về việc quản lý bán hàng và hạn chế nguồn cung để “chèn ép” khách hàng, nhất vào những đợt có những mẫu xe “hot” mới ra trên thị trường.

Bên cạnh đó, cũng là chiêu “mua bia kèm lạc” nhưng một số đại lý lại không ghi trong hợp đồng đặt cọc mà chờ tới thời điểm giao xe mới thông báo mức giá gói phụ kiện. Mặt khác, đến thời điểm giao xe, khách hàng cũng chưa chắc có xe. Có nghĩa là đến thời điểm giao xe, nếu đại lý áp dụng gói phụ kiện 40 – 50 triệu đồng thì đại lý ra thông báo, khách hàng đồng ý thì ký hợp đồng chính thức (chấp nhận mua gói phụ kiện). Còn không chấp nhận thì trả lại tiền cọc.

Mới đây, một hãng xe đã quyết định đưa ra khuyến cáo tới khách hàng. Họ khẳng định chiêu trò này không phải là chủ trương của nhà sản xuất và hứa hẹn yêu cầu tất cả các đại lý thuộc hãng phải tuân thủ chính sách để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, ai đến trước phục vụ trước, nếu không sẽ bị phạt. Tuy nhiên, trên thực tế tại Việt Nam chưa thấy trường hợp đại lý nào bị “xử lý” vì phương thức bán hàng này.

Câu 2: Theo Luật sư, trước giờ có điều luật quy định hay chế tài xử phạt nào đối với vấn đề bán ô tô “bia kèm lạc” không?

Trả lời:

Quy định và chế tài xử phạt đối với vấn đề bán ô tô “bia kèm lạc” hiện không phải là không có, tuy nhiên để được xử lý thì còn phụ thuộc vào hành vi trên đang ở mức độ nào, có đầy đủ các yếu tố cần phải xử phạt hay không.

Hiện nay, các đại lý thường không bị xử phạt bởi hãng và đại lý là hai thực thể kinh doanh độc lập; giá xe trên thị trường chịu sự chi phối của quy luật cung-cầu; giao dịch dân sự của hai bên là thuận mua vừa bán, thống nhất ý chí. Nếu khách hàng không đồng ý, khách hàng có thể lựa chọn không mua.

Để xử phạt, vấn đề bán ô tô “bia kèm lạc” phải phát sinh các hành vi như:

– Phía đại lý (bên bán) ép khách mua xe phụ kiện khi mua xe, vi phạm các chính sách giá từ đó ảnh hưởng đến khách hàng.

– Đại lý từ chối bán xe nếu khách hàng không đồng ý chi thêm tiền để mua phụ kiện.

– Đại lý cố tình lắp một số trang bị đã được lắp sẵn vào xe, không thể tháo ra, từ đó khiến cho khách hàng chỉ có thể đồng ý “mua xe kèm phụ kiện” hoặc không. 

Khi xuất hiện các hành vi trên hoặc các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, các chế tài đặt ra cho bên bán:

– Tại điểm a khoản 3 Điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 quy định: 

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ép buộc người tiêu dùng thông qua việc thực hiện một trong các hành vi sau đây: 

  1. a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng” 

Đây là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Người có hành vi vi phạm tùy tính chất, mức độ nghiêm trọng mà có thể bị Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt đến 50.000.000 đồng (theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 81 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).

– Hoặc bên vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính theo Điểm d Khoản 1 Điều 47 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với thương nhân có một trong các hành vi vi phạm về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng sau đây: Che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định” nếu như sự thật là hãng không có chủ trương ép khách mua thêm phụ kiện nhưng phía đại lý lại cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Thu nhập bao nhiêu mới nên mua ô tô và những chi phí “nuôi” xe có thể bạn chưa biết

Bán ô tô ‘bia kèm lạc’ ngày càng phổ biến tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

Câu 3: Luật sư cho biết ý kiến và giải pháp để người dân mua ô tô không phải rơi vào cảnh “bia kèm lạc”?

Trả lời:

Thứ nhất, các đại lý bán xe ô tô cần xem xét lại về đạo đức kinh doanh, đạo đức bán hàng để tạo nên uy tín cho hãng cũng như cho doanh nghiệp mình. Các đại lý không nên thấy lợi nhuận trước mắt mà có thể mất đi rất nhiều khách hàng trong tương lai.

Thứ hai, các chế tài của các quy định pháp luật về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý vi phạm hành chính cần phải được tăng tính răn đe, triển khai đồng bộ và rộng rãi hơn nữa. Các cơ quan chức năng khi có đơn tố cáo, trình báo của người dân cần tiến hành ngay lập tức xem xét và đánh giá các hành vi của đại lý xem có đầy đủ các căn cứ để chứng minh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng và phải chịu chế tài xử phạt hành chính hay không.

Thứ ba, các phương tiện truyền thông cần đưa tin rộng rãi lên án hành vi bán ô tô “bia kèm lạc” hơn nữa, để từ đó tác động đến đạo đức của người bán, phổ biến rộng rãi về chế tài pháp luật đối với các hành vi trên, làm bàn đạp để các đại lý thay đổi hành vi của mình mà không dám tái phạm hay đưa ra các chính sách tương tự nhằm xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ tư, khách hàng khi đi mua xe cần tỉnh táo để không bị cuốn vào chiêu thức bán hàng bia kèm lạc. Thay vào đó, người mua xe có thể không mua phụ kiện, nhưng phải chấp nhận đợi giao xe lâu, và khách thì không thể biết được liệu mình có phải là “đến trước, phục vụ trước” như hãng phân trần. Lựa chọn khả dĩ hơn, là mua xe khác.

Ngoài ra, người mua xe cũng không nên đổ dồn nhu cầu vào những giai đoạn nhạy cảm như khi xe mới ra mắt, cận Tết… Nếu nhu cầu không cao, đại lý không có cớ bán thêm phụ kiện. Ví như Toyota Corolla Cross, mẫu xe nhập Thái từng kênh 10-20 triệu đồng lúc ra mắt, nhưng sau đó giảm nhiệt khi nguồn cung tốt hơn, giá về mức niêm yết, thậm chí đại lý tặng thêm phụ kiện để đẩy hàng.