BẢN TIN PHÁP LUẬT THÁNG 9

0
672

1. Bổ sung quy định giảm vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp

Thông tư 219/2015/TT-BTC về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp được sửa đổi tại Thông tư 59/2018/TT-BTC ngày 16/07/2018 của Bộ Tài chính.

Theo đó, nội dung nổi bật của thông tư này là doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động được giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong các trường hợp:

– Do thực tế hoạt động doanh nghiệp, cần thiết phải giảm quy mô hoạt động;

– Trường hợp cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo hình thức tách doanh nghiệp;

– Do thay đổi chính sách doanh nghiệp không còn thuộc đối tượng được Nhà nước đầu tư vốn…

Trong các trường hợp trên, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện thủ tục thay đổi và công bố thông tin về vốn điều lệ trong giấy đăng ký kinh doanh theo quy định.

Thông tư 59/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/09/2018.

2. Cơ sở vật chất để đánh giá kỹ năng quốc gia nghề khai thác mỏ hầm lò

Ngày 01/08/2018, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 06/2018/TT-BLĐTBXH quy định cơ sở vật chất để đánh giá kỹ năng quốc gia nghề Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò.

Theo đó bắt đầu từ ngày 15/09/2018, diện tích tối thiểu sử dụng để thực hiện bài kiểm tra kiến thức phải đáp ứng yêu cầu: 01 phòng kiểm tra kiến thức trên máy tính, diện tích 70m2, bố trí được 50 vị trí kiểm tra và có 2 camera giám sát.

Dự kiến có 02 khu vực chờ và quan sát người tham dự thực hiện bài kiểm tra, trong đó: 01 phòng, có tổng diện tích 50m2 để làm khu vực chờ và quan sát có màn hình kết nối với các camera gắn trong phòng kiểm tra; 01 khu vực có tổng diện tích 150m2 là khu vực chờ và quan sát tại các mặt bằng kỹ thuật.

Đối với diện tích sử dụng để thực hiện bài kiểm tra thực hành: Hệ thống đường lò có tổng chiều dài tối thiểu 500m, diện tích 1.500m2, bố trí được 50 vị trí kiểm tra có 04 camera giám sát…

Thông tư 06/2018/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/09/2018.

 3. Ban hành Chuẩn Hiệu trưởng trường phổ thông mới

Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT ban hành ngày 20/07/2018 có nội dung nổi bật sau:  chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông được đánh giá dựa trên 5 tiêu chuẩn, trong đó có: Phẩm chất nghề nghiệp; Quản trị nhà trường; Xây dựng môi trường giáo dục; Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội; Sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Trong đó, năng lực sử dụng ngoại ngữ được đánh giá ở 03 mức: Mức đạt (giao tiếp thông thường bằng ngoại ngữ); Mức khá (chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ cho giáo viên, học sinh trong trường); Mức tốt (sử dụng ngoại ngữ thành thạo).

Hiệu trưởng tự đánh giá theo chu kỳ 1 lần/năm vào cuối năm học; Cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp đánh giá hiệu trưởng theo chu kỳ 02 năm một lần vào cuối năm học. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan quản lý cấp trên quyết định rút ngắn chu kỳ đánh giá.

Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 04/09/2018.

4.Các trường ĐH phải cam kết chất lượng đào tạo trên website

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 15/2018/TT-BGDĐT ngày 27/07/2018 quy định sử dụng thư điện tử và trang thông tin điện tử của các trường đại học, cao đẳng sư phạm.

Thông tư nêu rõ, các trường đại học, cao đẳng sư phạm phải công khai trên trang thông tin điện tử của trường về cam kết chất lượng giáo dục thực tế; điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; thu chi tài chính; Thông tin liên quan đến điều kiện, hồ sơ, thủ tục, thời gian và địa điểm đăng ký dự thi, sơ tuyển, xét tuyển; Kết quả trúng tuyển, điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển…

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thiết lập nhóm thư điện tử dùng chung để trao đổi thông tin giữa Bộ với các cơ sở giáo dục đại học tại địa chỉ mail: Hieutruong.Daihoc@moet.gov.vn và Vanthu.Daihoc@moet.gov.vn.

 Thông tư 15/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 11/09/2018.

 5.Thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng cho đổi mới công nghệ

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 30/2018/QĐ-TTg ngày 31/07/2018. Theo đó, quy định về trình tự, thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng cho đổi mới công nghệ là nội dung khá nổi bật.

Cụ thể: Tổ chức, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Bộ Khoa học Công nghệ. Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ sẽ xem xét và thông báo nếu hồ sơ không hợp lệ, cần bổ sung hoặc sửa đổi.

Trong 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ có văn bản trả lời, trong đó xác định rõ danh mục hàng hóa sử dụng trực tiếp cho đổi mới công nghệ; trường hợp từ chối phải có văn bản nêu rõ lý do.

Trường hợp cần thẩm tra hồ sơ, Bộ Khoa học và Công nghệ phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, các nhân về việc gia hạn thời gian trả lời. Bộ sẽ trả lời không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Quyết định 30/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/09/2018.

6.Hỗ trợ người có công đang định cư ở nước ngoài

 Ngày 20/07/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2018/NĐ-CP quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.

Theo đó, các đối tượng được quy định tại Nghị định trên được hỗ trợ 4 triệu đồng nếu công tác từ đủ 02 năm trở xuống, nếu công tác từ 02 năm trở lên, thì từ năm thứ 3, những người có công được quy định trong Nghị định trên được cộng thêm 1,5 triệu đồng.

Trường hợp người có công mất trước ngày 05/09/2018 thì nhân thân được hưởng

chế độ một lần với mức hỗ trợ 6 triệu đồng.

Nếu các đối tượng quay trở về Việt Nam định cư thì sẽ được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế như đối với người có công và khi qua đời nhân thân sẽ được hưởng chế độ tử tuất.

Nghị định 102/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/09/2018.

7.Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công

Điểm nôi bật trong Thông tư 67/2018/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 06/08/2018 là việc quản lý, vận hành, trao đổi và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.

Theo đó, Bộ Tài chính được khai thác thông tin về tài sản công của cả nước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia. Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền khai thác thông tin tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong Cơ sở dữ liệu quốc gia.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản kê khai trong Cơ sở dữ liệu quốc gia có quyền khai thác thông tin tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đơn vị trực thuộc.

Thông tư 67/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/09/2018.

8.Thay đổi điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng

 Nghị định 100/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 16/07/2018 có quy định về điều kiện chung cấp chứng chỉ hành nghề về xây dựng đã được thay đổi là một quy định nổi bật trong Nghị định này.

Cụ thể, điều kiện chung cấp chứng chỉ hành nghề về xây dựng được thay đổi như sau:

– Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng hạng II phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có 04 năm kinh nghiệm trở lên, trước đây là 05 năm;

– Cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng hạng III phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có 02 năm kinh nghiệm trở lên với người có trình độ đại học (trước đây là 03 năm); từ 03 năm trở lên với người có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp (trước đây là 05 năm).

Nghị định 100/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/09/2018.

9.Ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng

Ngày 08/08/2018, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 06/2018/TT-BXD về Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng.

Hệ thống này gồm 33 chỉ tiêu, thuộc các nhóm: Hoạt động đầu tư xây dựng; Phát triển đô thị và nông thôn; Nhà ở, bất động sản và công sở; Vật liệu xây dựng.

Trong nhóm Nhà ở, bất động sản và công sở, có các chỉ tiêu cụ thể như: Số lượng nhà ở, diện tích nhà ở công vụ hiện có và sử dụng; Tổng số nhà ở hoàn thành trong năm; Tổng diện tích nhà ở theo dự án hoàn thành trong năm; Chỉ số giá giao dịch một số loại hình bất động sản.

Trong nhóm Vật Liệu xây dựng, có chỉ tiêu cụ thể là: Một số sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu..

Đi kèm với Hệ thống chỉ tiêu nêu trên là nội dung chỉ tiêu thống kê ngành xây dựng, trong đó Bộ Xây dựng làm rõ khái niệm, phương pháp tính, Nguồn số liệu, Phân tổ chủ yếu của từng chỉ tiêu.

Thông tư 06/2018/TT-BXD có hiệu lực từ 25/09/2018.

10. Sử dụng kinh phí cho Chương trình biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh 2016-2020

 Ngày 08/08/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 70/2018/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Với Hợp phần biến đổi khí hậu, các Bộ và UBND các tỉnh được sử dụng kinh phí của Chương trình để chi việc cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam; Cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu của Việt Nam…

Với Hợp phần tăng trưởng xanh, kinh phí sẽ được sử dụng chi cho việc đào tạo nâng cao năng lực, thu thập số liệu đầu vào tại các địa phương; Đào tạo, truyền thông cho khu vực tư nhân, ngân hàng thương mại…

Mức chi cho các nhiệm vụ chi sự nghiệp của Chương trình thực hiện theo chế độ chi tiêu hiện hành do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

Thông tư 70/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 22/09/2018.

11. Kiểm soát thủ tục hành chính Bộ Công Thương

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 18/2018/TT-BCT ngày 19/07/2018  về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương.

Hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ Công Thương gồm: Kiểm soát việc ban hành thủ tục hành chính; kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính; xử lý, phản ánh kiến nghị về quy định hành chính trong lĩnh vực Công Thương; rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trong lĩnh vực Công Thương.

Theo đó, phản ánh, kiến nghị về quy định trong lĩnh vực Công Thương được tiếp nhận qua các hình thức: Bằng văn bản tại Văn phòng Bộ, số 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội; qua số điện thoại được đăng tải trên website http://kstthc.moit.gov.vn; qua email CCHC-VPB@moit.gov.vn hoặc qua hệ thống hỗ trợ trực tuyến tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị tại địa chỉ http://kstthc.moit.gov.vn.

Thông tư 18/2018/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 03/09/2018.

12. Cơ quan Nhà nước gửi văn bản điện tử thì không gửi văn bản giấy

Quyết định 28/2018/QĐ-TTg do Thủ trướng Chính phủ ban hành ngày 12/07/2018 sẽ thực hiện thí điểm gửi, nhận văn bản điện tử tại các bộ, ngành, địa phương trước ngày 31/12/2018, chính thức áp dụng từ 2019.

Văn bản điện tử phải được gửi ngay trong ngày ký ban hành, chậm nhất là trong buổi sáng ngày làm việc tiếp theo.

Cơ quan hành chính Nhà nước gửi văn bản điện tử thì không gửi văn bản giấy, trừ văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng… Bên nhận có quyền từ chối nhận văn bản điện tử, nếu văn bản điện tử đó không bảo đảm các nguyên tắc, yêu cầu về gửi, nhận và phải chịu trách nhiệm về việc từ chối.

Quyết định 28/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 06/09/2018.

13.Chức năng, cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ

Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam là cơ quan thuộc bộ nội vụchính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và tổ chức thực hiện chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu, Ban Tôn giáo có 10 đơn vị hành chính và 04 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có Trưởng ban và không quá 03 Phó trưởng ban. Trưởng ban do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức… sau khi có ý kiến của Thủ tướng.

Nội dung trên được quy định tại Quyết định 32/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ 20/09/2018.