Ngày 28/09/2017, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 3262/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00058 cho sản phẩm cà phê “Sơn La” nổi tiếng. Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Sơn La là tỉnh trồng cà phê Arabica lớn thứ hai của Việt Nam. Cây cà phê “Sơn La” có nguồn gốc từ năm 1945, khi một người dân địa phương xin về trồng tại vườn nhà. Sự kiện đó đã được ghi chép lại tại cuốn sách “Sơn La với cà phê”. Nhờ đó, cây cà phê dần dần được phát triển, góp một phần giúp đồng bào dân tộc có thu nhập, từ bỏ lối sống du canh, du cư. Quy trình sản xuất cà phê tại đây đã đi vào đời sống và tập quán sinh hoạt của người dân địa phương. Trải qua hơn 70 năm hình thành, phát triển đến nay cà phê Sơn La trở thành một đặc sản của Sơn La và từng bước khẳng định vị trí vững chắc trên thị trường.
Cà phê “Sơn La” được sản xuất từ giống cà phê Arabica, bao gồm các sản phẩm là cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột. Cà phê nhân có dáng hạt dài, kích thước hạt lớn hơn 4,75mm, hàm lượng cafein từ 0,8% đến 1,28%, hàm lượng protein thô từ 10,5% đến 15%, hàm lượng đường từ 6,8% đến 9,2%. Cà phê hạt rang và cà phê bột màu nâu, thơm tự nhiên, đặc trưng của mùi cà phê tự nhiên, không có mùi lạ. Hàm lượng cafein của cà phê hạt rang và cà phê bột từ 1,0% đến 1,6%, hàm lượng chất tan trong nước từ 29% đến 36%, hàm lượng protein thô từ 11,6% đến 13,2%. Nước cà phê “Sơn La” khi pha có nàu nâu cánh gián, trong và có vị chua thanh, đắng nhẹ, hậu vị lâu. Vị ngọt và hương trái cây cũng tạo nên đặc trưng của cà phê “Sơn La” được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Cà phê “Sơn La” có được đặc thù và danh tiếng như vậy là nhờ địa hình, đất đai, khí hậu của khu vực địa lý thích hợp với giống cà phê Arabica và đặc biệt là kinh nghiệm gắn với phong tục tập quán trong quá trình sản xuất của người dân địa phương.
Khu vực địa lý là vùng núi cao, dốc và có kiến trúc địa hình rất phức tạp, có hệ thống núi bao quanh các bồn địa, các cao nguyên, có độ cao từ 600 – 800 mét so với mực nước biển. Mặc dù, khu vực địa lý ở độ cao chưa đạt lý tưởng, tuy nhiên Sơn La lại nằm ở vĩ độ khá cao, từ 20o39’ – 22o02’ vĩ độ Bắc, hai yếu tố này bổ trợ cho nhau tạo thành điều kiện phù hợp cho cây cà phê Arabica sinh trưởng, phát triển và tạo ra chất lượng đặc thù của cà phê Sơn La. Đất trồng cà phê “Sơn La” chủ yếu là đất Feralit điển hình, bao gồm các loại đất như đất nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tính, đất nâu đỏ trên đá vôi, đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất, có tầng dày trên 70 – 100cm, pHKCL từ 4,5 – 6. Đây là vùng đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thấm nước nhanh, giữ ẩm tốt. Khí hậu Sơn La chia thành hai mùa rõ rệt, mùa hè từ tháng Tư đến tháng Chín, mùa đông từ tháng Mười đến tháng Ba năm sau. Điều kiện mưa nhiều vào mùa hè giúp cho cà phê phát triển, ra hoa và tạo quả tốt. Nhiệt độ trung bình của khu vực địa lý từ 16 – 27oC. Biên độ dao động nhiệt độ ngày đêm từ 10 – 15oC. Lượng mưa trung bình trong năm từ 1.200 – 1.600 mm, tập trung từ tháng Bảy đến tháng Chín. Độ ẩm trung bình trong năm từ 80 – 82%.
Bên cạnh điều kiện địa hình, đất đai và khí hậu của khu vực địa lý đã tạo nên đặc thù của cà phê “Sơn La”, nhờ kinh nghiệm được tích lũy lâu đời của những người dân địa phương như chọn giống có chất lượng, chọn đất trồng đến quá trình chăm sóc, thu hoạch cũng làm tăng chất lượng của cà phê “Sơn La”. Người dân chọn đất có độ dốc từ 0 – 150, độ xốp trên 60%, đất dễ thoát nước, tầng đất dày trên 70cm, mực nước ngầm sâu hơn 100cm, lớp đất mặt có hàm lượng mùn trên 2,5%, pHKCL 4,5 – 6. Trong quá trình chăm sóc người dân biết xới quanh gốc cây để tạo độ tơi xốp cho đất, dùng rác và cỏ tủ gốc cho cây, bón phân hoá học kết hợp với phân hữu cơ, biết cắt tỉa tạo hình cho cây cà phê để tạo ra một bộ tán có số lượng thân và cành phân bố đều trong không gian phù hợp, thông thoáng, tiếp nhận được nhiều ánh sáng mặt trời. Khi cây cà phê còn nhỏ, người dân còn chủ động trồng xen vào giữa hàng cây cà phê các cây ngắn ngày như đậu đỗ, lạc…, chủ động che bóng cho cây bằng cách trồng cây keo dậu, cây muống… với mật độ vừa phải, đảm bảo thông thoáng và khi thời tiết có sương muối người dân đã phun, tưới nước lên tán lá cho cây cà phê. Kinh nghiệm quan trọng nhất của người dân trong quá trình canh tác là thu hoạch sản phẩm, người dân Sơn La thu hái thủ công (bằng tay), thu hái quả chứ không tuốt cành, chỉ chọn quả chín để thu. Đây là kỹ thuật khác biệt so với các vùng cà phê khác, đặc thù của cây cà phê Sơn La là kích cỡ nhỏ, nên phương pháp thu hoạch này phù hợp với địa hình khá dốc của các vườn cà phê. Phương pháp chế biến ướt và phơi khô tự nhiên bằng ánh nắng mặt trời cũng là một yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng và sự đồng đều cho cà phê tại Sơn La. Mặc dù về công nghệ chế biến, người dân cũng sử dụng công nghệ chế biến ướt như các vùng sản xuất cà phê khác, nhưng cà phê được phơi khô hoàn toàn tự nhiên, do đó không chịu tác động cơ học của các yếu tố làm khô hạt cà phê.
Ngoài ra, người dân còn chủ động đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, góp phần tạo nên sản phẩm cà phê “Sơn La” có chất lượng, góp phần đưa sản phẩm cà phê “Sơn La” phát triển một cách bền vững và ngày càng được nhiều người biết đến.
Khu vực địa lý: xã Phổng Lái, xã Chiềng Pha, xã Phổng Lập, xã Chiềng Bôm, xã Nậm Lầu, xã Bon Phặng và xã Muổi Nọi thuộc huyện Thuận Châu; xã Chiềng Đen, xã Chiềng Cọ, xã Hua La, xã Chiềng Ngần, xã Chiềng Sinh thuộc thành phố Sơn La; xã Mường Chanh, xã Chiềng Ban, xã Chiềng Mung, xã Chiềng Chung, xã Chiềng Mai, xã Chiềng Dong, xã Chiềng Kheo và xã Phiên Pằn thuộc huyện Mai Sơn; xã Púng Bánh, xã Dồm Cang, xã Nậm Lạnh và xã Mường Và thuộc huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.
Phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế
Nguồn: http://www.noip.gov.vn/web/noip/home/vn?proxyUrl=/noip/cms_vn.nsf/(agntDisplayContent)?OpenAgent&UNID=A558E1BEFA19DF7B472581B1002B8DE1