Bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam

0
446

Việt Nam có rất nhiều đặc sản nổi tiếng và có giá trị xuất khẩu lớn như hồng ngâm Bắc Kạn, vải thiều Thanh Hà, tương Bần Hưng Yên, dừa Bến Tre hay thanh long Bình Thuận. Nhưng nếu không được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì những đặc sản này sẽ dần mất đi chỉ trong vòng hai mươi năm tới.

Một thực tế đáng báo động hiện nay là tình trạng làm giả các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý ngày càng nhiều. Sản phẩm càng nổi tiếng càng trở thành mục tiêu dễ bị làm giả. Giá trị truyền thống của sản phẩm sau khi được đăng ký tạo ra hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt nên mức độ làm giả cũng gia tăng, gây ra thiệt hại kinh tế cho các cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm ở địa phương.

Theo các chuyên gia, tình trạng làm giả các sản phẩm nổi tiếng đã được đăng ký bảo hộ là rất nguy hiểm. Để được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, phải tập hợp tư liệu, xây dựng hồ sơ mất rất nhiều thời gian, sau khi được đăng ký lại yêu cầu rất cao về kiểm tra, quản lý sản phẩm. Sản phẩm được đăng ký như là một sự đảm bảo và là một công cụ quảng bá hữu hiệu. Tuy nhiên, tất cả những công lao tạo dựng đó sẽ bị giảm tác dụng vì hàng giả và hàng giả làm mất niềm tin của khách hàng về những loại sản phẩm đáng tự hào này.

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp và địa phương vẫn chưa nhận thức được vai trò quan trọng của các sản phẩm đặc sản và việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm này.

Vì vậy, một tài sản quốc gia lớn là tên gọi xuất xứ vẫn chưa được các doanh nghiệp, địa phương có ý thức chủ động xây dựng, khai thác và phát triển. Trong khi đó, việc tiến hành xác định và đánh giá chất lượng của sản phẩm nông sản gặp rất nhiều khó khăn do còn thiếu nhiều điều kiện về trang thiết bị, phương pháp phân tích. Việt Nam cũng còn thiếu kinh nghiệm trong việc xác định các điều kiện địa lý quyết định đặc tính sản phẩm nên việc thuyết minh các yếu tố tạo nên đặc tính sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Sơn Lâm – Vụ Khoa giáo, Văn phòng Chính phủ lại chỉ ra một khó khăn lớn đó là khung pháp lý về vấn đề này vẫn chưa đầy đủ.

Hiện nay, chỉ dẫn địa lý là một khái niệm mới được pháp luật quy định nên đa số từ cán bộ quản lý đến người sản xuất kinh doanh đều chưa hiểu hết ý nghĩa và nội dung cũng như lợi ích của việc bảo hộ này. Trong khi đó, các văn bản pháp lý, nhất là các văn bản hướng dẫn cụ thể còn thiếu. Vì vậy, những làng nghề, vùng sản xuất nông nghiệp, các hiệp hội chưa có đầy đủ các hướng dẫn để thực thi.

Cụ thể xét trong mẫu khảo sát là : Hoa Hồi Lạng Sơn và Nước mắm Cát Hải.

Hoa Hồi Lạng Sơn.

 Theo Quyết định số: 149/QĐ-SHTT, ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Cục sở hữu trí tuệ Bộ khoa học và công nghệ, Quyết định Đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hoá thì: Hàm lượng tinh dầu cao (trung bình trên 11%); Hàm lượng và trans-anethol (trung bình trên 90%); Trong tinh dầu không có độc tố. Được nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tên gọi xuất xứ hàng hoá là Hoa Hồi kể từ ngày 15 táng 02 năm 2007. Như đã trình bày ở trên thì Hoa Hồi mang đầy đủ điều kiện để được bảo hộ đó là:

Hồi Lạng Sơn thuộc loại cây Đại Hồi (IlliciumverumHook.f). Tên địa phương gọi là cây Mác Chác. Một năm có hai vụ: vụ hồi tứ quý thu từ tháng 3 đến tháng 4; vụ hồi mùa (vụ chính) thu từ tháng 8 đến tháng 9. Hồi Lạng Sơn cho năng xuất và chất lượng tinh dầu cao hơn hẳn. Với diện tích 32.000ha, chiếm khoảng 71% tổng diện tích trồng hồi cả nước, mỗi năm Lạng Sơn thu được hàng nghìn tấn quả hồi khô, trở thành vùng sản xuất, thu hoạch hồi lớn nhất cả nước.

Đại Hồi Lạng Sơn trở nên nổi tiếng từ lâu như một loaị lâm đặc sản của vùng rừng núi Lạng Sơn. Điều kiện địa lý đặc thù của vùng đất này đã tạo nên chất lượng nổi tiếng của Hồi Lạng Sơn với hàm lượng cao về tinh dầu và Trans-anethol trong tinh dầu, đồng thời không có độc tố. Với chất lượng tinh dầu vượt trội Hồi Lạng Sơn đã và đang được sử dụng rộng rãi trong y dược, là gia vị không thể thiếu được trong ẩm thực truyền thống và các ngành nông nghiệp, mỹ phẩm và công nghiệp chế biến hiện đại giống hồi ở Lạng Sơn nước ta được thế giới đánh giá rất cao.

Trên thực tế hiện nay cho thấy đã có khoảng 300 gia đình trồng, sản xuất, kinh doanh tham gia làm thành viên của chỉ dẫn địa lý này. Tuy nhiên trên thực tế sau khi được đăng bạ là chỉ dẫn địa lý giá Hoa Hồi vẫn luôn trôi nổi, bấp bênh nên người dân không muốn thu hồi vì tốn khá nhiều công và nguy hiểm.  Khi xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ Hoa Hồi Lạng Sơn không đảm bảo được sức cạnh tranh, nhận thức của người trồng Hồi chưa thực sự được nhận thức đúng đắn nên bị ép giá.  Người dân chưa biết hợp tác với nhau trong việc khai thác các giá trị mà chỉ dẫn địa lý đó mang lại. Thực trạng ở đây là làm sao phải đảm bảo nhu cầu cạnh trạnh và thị trường ổn định cho sản phẩm Hoa Hồi Lạng Sơn.

Sản phẩm Nước mắm Cát Hải

 Sản phẩm Nước mắm Cát Hải là sản phẩm đang được tiến hành xây dựng làm chỉ dẫn địa lý cho “ Hải Phòng”. Với sự hướng dẫn và tư vấn của Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, GĐ Công Ty Cổ phần Chế Biến Dịch Vụ thủy sản Cát Hải đang có những cách nhìn nhận đúng đắn về quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp cũng như lợi ích của sản phẩm sau khi được bảo hộ.

Sản phẩm nước mắn Cát Hải được chế biến từ cá tươi nguyên chất, đảm bảo độ đạm cần có trong quá trình làm mắm, giữ được hương vị đặc trưng của sản phẩm, là sản phẩm sạch đã được kiểm định. Tuy nhiên thực tế đó là chủ doanh nghiệp vẫn chưa hiểu được liệu sau khi sản phẩm của doanh nghiệp mình được đăng bạ làm chỉ dẫn địa lý thì sẽ có những doanh nghiêp khác cùng kinh doanh nước mắm sẽ tham gia vào chỉ dẫn địa lý “ Nước mắm Cát Hải”  vậy chất lượng sản phẩm, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp đã có hơn 50 năm kinnh nghiệm có bị lợi dụng hay không?

Bởi trên thực tế, thị trường nước mắm rất rộng, nhu cầu của khác hàng rất khác nhau, với nước mắm Cát Hải thì đặc trưng của sản phẩm là mặn và có mùi rất nồng. Trên thị trường không thiếu những sản phẩm cũng là nước mắm nhưng có độ mặn ít hơn, không nồng như nước mắm Cát Hải ví dụ như: Nước mắm Quang Hải, nước mắm Lương Hải. Vậy câu hỏi đặt ra là : Ai, tổ chức nào sẽ đảm bảo cho uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp? Để được tham gia sử dụng chỉ dẫn địa lý các doanh nghiệp khác cần phải đáp ứng được những tiêu chuẩn nào?