Theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành thì sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Có tính mới;
– Có trình độ sáng tạo;
– Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Trong đó tính mới và trình độ sáng tạo được xem xét trên phạm vi toàn thế giới. Tức là, nếu sáng chế đó đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên thì sẽ không được bảo hộ nữa,
Đa số khi cá nhân, doanh nghiệp thực hiện đăng ký sáng chế sẽ quan tâm tới việc thương mại hoá sáng chế, tức là kinh doanh độc quyền sản phẩm, dịch vụ tạo thành từ sáng chế trên thị trường và thu lợi nhuận. Vì vậy, nhiều trường hợp doanh nghiệp, cá nhân nghiên cứu tạo ra sáng chế nhưng lại thử nghiệm, sản xuất và đưa sản phẩm bán ra thị trường, đưa lên website, truyền thông quảng cáo về sáng chế trên các phương tiện báo đài, truyền hình, internet…. sau khi đạt được những thành công nhất định mới suy nghĩ tới việc đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế này. Việc đó sẽ khiến cho sáng chế mất đi tính mới và bị từ chối bảo hộ độc quyền ngay tại ngày bộc lộ các thông tin về sáng chế như trên.
Có một số trường hợp được ân hạn là khi sáng chế bị công khai bộc lộ bởi người không được phép, công bố dưới dạng báo cáo khoa học, trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức thì thời gian nộp đơn sẽ được kéo dài trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày bộc lộ qua các hình thức đó.
Bởi vì vậy, tổ chức, các nhân nên có các biện pháp bảo mật thông tin sáng chế của mình trước khi thực hiện quyền nộp đơn đăng ký nhằm đảm bảo sáng chế không bị từ chối bảo hộ vì đã bị bộc lộ (đã bị mất tính mới).
Theo Thoa Phạm.