Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trách nhiệm của doanh nghiệp

0
933

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW trả lời báo điện tử vov về trách nhiệm của doanh nghiệp với người tiêu dùng.

Trong bối cảnh thị trường hàng hóa đa dạng, phong phú như hiện nay, người tiêu dùng rất dễ bị lạc trong một mê cung hàng hóa, thật-giả khó phân biệt, doanh nghiệp cần có trách nhiệm như thế nào trong việc bảo vệ người tiêu dùng?

Trả lời:

Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội bởi thực trạng quyền và lợi ích của NTD bị xâm phạm đang diễn ra khá phổ biến. Do đó, nhiều quốc gia đã sớm ban hành các đạo luật với mục đích bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của NTD và mang lại hiệu quả tốt.

Tại Việt nam, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010 là bước ngoặt lớn về xã hội hóa công tác bảo vệ NTD.

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng tại Chương 2. Cụ thể:

Thứ nhất, trách nhiệm của doanh nghiệp liên quan đến các hành vi thương mại không công bằng đối với người tiêu dùng như: hành vi gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; hành vi quấy rối người tiêu dùng; hành vi cưỡng ép người tiêu dùng, … Ngoài ra, doanh nghiệp có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh đối với các hành vi thương mại không công bằng để đáp ứng được tính chính xác và đầy đủ của thông tin.

Thứ hai, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng trong quan hệ hợp đồng, như: hình thức và ngôn ngữ của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng; những nội dung bị cấm đưa vào hợp đồng; các chi phí phát sinh trong giao dịch; bảo hành; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người tiêu dùng; trách nhiệm của doanh nghiệp khi sử dụng hợp đồng theo mẫu, …

Thứ ba, trách nhiệm sản phẩm. Theo đó, nhà sản xuất có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho NTD do khuyết tật trong sản phẩm của mình gây ra hoặc do không đảm bảo mức độ an toàn hợp lý cho NTD, như: cách xác định sản phẩm khuyết tật; thời điểm đưa sản phẩm vào lưu thông; khái niệm nhà sản xuất; thiệt hại do bộ phận của sản phẩm có khuyết tật gây ra; nghĩa vụ chứng minh, …

Bên cạnh trách nhiệm của các doanh nghiệp thì thái độ, hành vi của NTD đóng vai trò hết sức quan trọng. NTD cần thông minh khi lựa chọn sản phẩm cho mình, cần có các kiến thức nhất định về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Thực tế có rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp không tuân thủ theo đúng quy định của luật pháp như: cung cấp sản phẩm không đúng như cam kết với khách hàng, không thực hiện chuẩn các chế độ bảo dưỡng, bảo hành sản phẩm. Theo ông những trường hợp này cần phải xử lý như thế nào? Luật pháp đã có quy định về việc này chưa?

Trả lời:

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Nhà nước sử dụng nhiều biện pháp, đặt ra nhiều loại chế tài như chế tài hành chính (phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, …), chế tài dân sự (buộc công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, …) và cả loại chế tài nghiêm khắc nhất là chế tài hình sự (tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà bị áp dụng loại, mức hình phạt cụ thể, cao nhất là tử hình).

Thứ nhất, về xử phạt vi phạm hành chính:

Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính các hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng được quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ – CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP).

Ví dụ: Doanh nghiệp có hành vi không thực hiện chuẩn các chế độ bảo dưỡng, bảo hành sản phẩm thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 66 Nghị định này, cụ thể:

Điều 66. Hành vi vi phạm về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng

  1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với thương nhân có một trong các hành vi vi phạm về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng sau đây:

a) Không cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa theo quy định;

b) Không cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa theo quy định;

c) Không cung cấp hướng dẫn sử dụng hoặc không cung cấp thông tin về điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành theo quy định; …”.

Thứ hai, về xử lý hình sự:

Luật hình sự bảo vệ người tiêu dùng bằng cách xác định những hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng là tội phạm và các hình thức trách nhiệm pháp lý hình sự có thể được áp dụng đối với người phạm tội (bao gồm hình phạt và các biện pháp cưỡng chế hình sự khác). Bộ luật hình sự hiện hành không có một chương riêng quy định hành vi phạm tội xâm phạm đến người tiêu dùng, nhưng có 8 tội thuộc nhóm tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng nằm ở 2 chương: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII) và Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (Chương XXI); bao gồm:

  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS năm 2015);
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 193);
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194);
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng vật, vật nuôi (Điều 195);
  • Tội lừa dối khách hàng (Điều 198);
  • Tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm(Điều 317).

Xem thêm:

TRÁCH NHIỆM THU HỒI HÀNG HÓA CÓ KHUYẾT TẬT
Hàng hóa có khuyết tật là hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng, bao gồm:
Hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật; hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ; hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng. Khi hàng hóa có khuyết tật thì tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm thu hồi. Trách nhiệm thu hồi được quy định tại Điều 22 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, cụ thể như sau:
Điều 22. Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật
Khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm:
1. Kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường;
2. Thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 05 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông với các nội dung sau đây:
a) Mô tả hàng hóa phải thu hồi;
b) Lý do thu hồi hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra;
c) Thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi hàng hóa;
d) Thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa;
đ) Các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi hàng hóa;
3. Thực hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đúng nội dung đã thông báo công khai và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi;
4. Báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi hàng hóa có khuyết tật sau khi hoàn thành việc thu hồi; trường hợp việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật được tiến hành trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trung ương.