Cơ chế quản lý giá bộc lộ nhiều lỗ hổng dẫn đến hàng loạt sai phạm trong thời gian qua, đáng chú ý, sai phạm không chỉ ở lĩnh vực y tế, mà lĩnh vực giáo dục, đất đai cũng xảy ra do bất cập. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty TNHH SB Law đã có những giải đáp về vấn đề này. Dưới đây là nội dung chi tiết :
Tính đến ngày 1/1/2021, cả nước có 409 doanh nghiệp được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Trong đó có 333 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, với 1.723 thẩm định viên đăng ký hành nghề tại các doanh nghiệp này. Không thể phủ nhận, hoạt động thẩm định giá đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên cũng bộc lộ không ít những yếu kém, minh chứng là hàng loạt các sai phạm đã bị cơ quan chức năng phát hiện.
Theo đó, thời gian qua Cơ quan Cảnh sát điều tra liên tục khởi tố các vụ việc liên quan tới vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, Sở Y tế Cần Thơ, vụ án nâng khống giá cây xanh tại Hà Nội, vụ CDC Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai…
Câu hỏi 1: Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Trả lời:
Thực tế cho thấy, hoạt động thẩm định giá bao gồm thẩm định giá của nhà nước và thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, giúp tiết kiệm chi tiêu trong đầu tư mua sắm tài sản, chống lãng phí, thất thoát trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của chủ tài sản, các nhà đầu tư và các bên liên quan tham gia giao dịch…
Tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện một số doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá hành nghề vi phạm quy định của pháp luật về thẩm định giá, đáng chú ý là những vi phạm về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp trong quá trình hoạt động nghề nghiệp nên ảnh hưởng đến kết quả thẩm định giá; qua đó gây thất thoát ngân sách nhà nước, giảm hiệu quả đầu tư, tạo gánh nặng cho xã hội… điển hình là vi phạm trong hoạt động mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, giáo dục và thẩm định giá đất.
Cụ thể, thời gian qua Cơ quan Cảnh sát điều tra liên tục khởi tố các vụ việc liên quan tới vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, Sở Y tế Cần Thơ, vụ án nâng khống giá cây xanh tại Hà Nội, vụ CDC Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai…
Câu hỏi 2: Theo ông, từ góc nhìn pháp lý, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Trả lời:
Có thể nhận thấy rằng, các sai phạm trong hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân khách quan là do hệ thống pháp luật đôi khi còn chồng chéo, chưa đồng bộ. Thông tin về thị trường tài sản, hàng hóa, dịch vụ còn hạn chế, ít công khai và minh bạch. Khách hàng thẩm định giá cung cấp thông tin về tài sản thẩm định giá chưa trung thực và đầy đủ. Việc đấu thầu, đấu giá chưa thực sự minh bạch, nảy sinh tiêu cực.
Bên cạnh đó, yêu cầu về cá nhân cấp chứng chỉ định giá bất động sản có sự mâu thuẫn với điều kiện của thẩm định viên, theo đó dù đã là có thẻ thẩm định viên thì các cá nhân đó vẫn phải tiếp tục thông qua khóa đào tạo định giá đất và vượt qua kỳ thi để được cấp chứng chỉ định giá đất. Điều này dường như không hợp lí bởi vì vai trò của thẩm định viên khi hành nghề, họ đã được công nhận đủ điều kiện để thực hiện việc định giá tài sản trong đó có bất động sản. Việc tham gia đào tạo và vượt qua kì thi để được cấp thêm chứng chỉ định giá đất là một hình thực bất cập, gây lãng phí và tốn kém cho các chủ thể tham gia. Ngoài ra, định nghĩa về thẩm định giá lại áp dụng quy định về tài sản của Bộ Luật dân sự là chưa thật sự chính xác trên thực tiễn, gây sự hiểu sai và thiếu tính đồng bộ thống nhất.
Ngoài ra, vấn đề quản lý điều kiện hành nghề thẩm định giá của doanh nghiệp, thẩm định viên về giá vẫn chưa thực sự đáp ứng mong muốn phát triển chất lượng ngành nghề của Nhà nước. Với quy định luật như hiện nay, các doanh nghiệp cần ít nhất ba thẩm định viên về giá là có thể thành lập doanh nghiệp thẩm định giá, điều kiện này tương đối dễ đáp ứng vì hiện nay, số lượng thẩm định viên đã lên đến gần 1.800 người mà số lượng doanh nghiệp thẩm định giá thành lập để so sánh với số lượng thẩm định vien là không nhiều. Có nhiều trường hợp, dù không thực hiện được công việc thẩm định giá, các thẩm định viên vẫn có thể “cho thuê” thẻ thẩm định viên để doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, thắt chặt hậu kiểm đối với các điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá vẫn chưa thực sự hiệu quả dẫn đến sự bùng nổ về số lượng doanh nghiệp thẩm định giá hoạt động trên thị trường.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, thì còn có nguyên nhân chủ quan bắt nguồn từ những vi phạm đạo đức nghề thẩm định giá, xuất hiện tình trạng móc ngoặc, câu kết. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ giá dịch vụ sau đó cắt giảm chi phí thực hiện. Có sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật về thẩm định giá, trong đó chủ yếu là sai phạm ở các bước thu thập và phân tích thông tin.
Tuy nhiên, ở đây cũng cần phải hiểu rằng, ý thức, trách nhiệm xử phạt vi phạm về hoạt động thẩm định giá còn chưa tương xứng với lợi ích các chủ thể nhận được nên không có tính răn đe, giáo dục. Khung xử phạt đối với doanh nghiệp thẩm định giá vi pham còn chưa cao, chưa thật sự tương xứng với lợi ích của cá nhân tổ chức vi phạm pháp luật về thẩm định giá nhận được. Chính vì vậy, các cá nhân, cơ quan, tổ chức khi tham gia hoạt động thẩm định giá vẫn còn nhiều ý nghĩ tư lợi, lợi dụng thẩm định giá để đạt được mục đích nên thực tiễn mới xuất hiện các vụ việc nâng giá trị tài sản không đúng thực tế.
Câu hỏi 3: Có ý kiến cho rằng việc khuyết cơ quan giám sát, phản biện các Bộ và UBND tỉnh trong thẩm định và quyết về Giá”… là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc này, cá nhân ông thấy sao về điều này?
Trả lời:
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trong khâu thẩm định giá và đấu giá tài sản bắt nguồn từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
a) Nguyên nhân khách quan:
– Hoạt động đấu giá tài sản chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản, liên quan đến nhiều khâu, thuộc quyền quản lý của nhiều cơ quan bộ, ngành, địa phương. Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá do các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện trong khi các yếu tố tiên quyết quyết định thành công của cuộc đấu giá như thẩm định giá, xác định giá khởi điểm, phê duyệt phương án đấu giá, giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá, nộp tiền trúng đấu giá… chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành (Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công…), thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan nhà nước khác nhau.
– Tình trạng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ”, “cò mồi, đe dọa, cưỡng ép” xảy ra khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp nên quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện, xử lý nếu không có sự vào cuộc của cơ quan công an với các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành (giám định chữ ký, ghi âm, điều tra).
– Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của các chủ thể tham gia đấu giá; đội ngũ làm công tác thanh tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản còn “mỏng”, có nơi chỉ có 2-3 cán bộ nhưng phải xử lý nhiều mảng phức tạp, nhạy cảm, kinh nghiệm, kỹ năng thanh tra còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
b) Nguyên nhân chủ quan:
– Việc tổ chức thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật về hoạt động đấu giá tài sản còn chưa nghiêm; vai trò, trách nhiệm quản lý tài sản trong quá trình xử lý tài sản, nhất là đối với tài sản công của một số người có tài sản, cơ quan, tổ chức, địa phương chưa được quan tâm, nhận thức đúng và đầy đủ.
Trong đó nguyên nhân chính và có ảnh hưởng không nhỏ dẫn đến các lỗ hổng trong hoạt động đấu giá ,định giá tài sản là khuyết cơ quan giám sát, phản biện các Bộ và UBND tỉnh trong thẩm định về Giá.Do đó cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản bằng các giải pháp như sau:
– Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 02/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản.
– Ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả Thông tư hướng dẫn tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản tạo cơ sở cho người có tài sản lựa chọn tổ chức đấu giátài sản một cách công khai,khách quan,minh bạch, góp phần hạn chế tình trạng “sân sau”, tiêu cực trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
– Tiếp tục tăng cường và chú trọng chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra tổ chức và hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản.
– Sở Tư pháp Tham mưu cho UBND cấp tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 40/CT-TTg, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chính như sau:
+ Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý tài sản, người có tài sản trong việc phê duyệt phương án đấu giá, tổ chức định giá, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá; lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, giám sát việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá của tổ chức đấu giá tài sản, tham dự cuộc đấu giá để kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý các hành vi vi phạm.
+ Phối hợp thực hiện các biện pháp hỗ trợ bảo đảm an ninh, trật tự cho hoạt động đấu giá tài sản; tăng cường thực hiện các biện pháp đấu tranh, trấn áp tội phạm trong hoạt động đấu giá tài sản thông qua các chuyên án, nhất là các băng nhóm tội phạm, thông đồng, dìm giá trong các cuộc đấu giá tài sản công, quyền sử đụng đất có giá trị lớn tại địa phương.
+Nghiên cứu, thành lập các Đoàn giám sát, Tổ theo dõi thường xuyên, đột xuất để tăng cường giám sát trực tiếp việc tổ chức đấu giá của các tổ chức đấu giá tài sản; việc thực hiện thí điểm đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến, nhất là việc đấu giá tài sản công, quyền sử đụng đất có giá trị lớn, phức tạp tại địa phương.
+ Tiếp tục tham mưu đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, chuyển dần sang cơ chế tự chủ về tài chính, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp theo lộ trình phù hợp; có giải pháp củng cố, phát huy vai trò “đầu tàu”, dẫn dắt, định hướng của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản đối với hoạt động đấu giá tài sản tại địa phương.
Câu hỏi 4: Các nước trên thế giới đã triển khai việc này như thế nào, Việt Nam có thể học gì từ họ, thưa ông?
Trả lời:
Ở các nước, các thẩm định viên độc lập, các công ty nhà nước và tư nhân với nhiều hình thức sở hữu khác nhau muốn được hoạt động trong lĩnh vực thẩm định giá đều phải đạt những tiêu chuẩn nhất định do Chính Phủ quốc gia đó quy định. Nhiều nước đã ban hành những quy định để nâng cao tiêu chuẩn nhằm đối phó với những tiêu cực trong thẩm định giá.
Ở Singapore, những định giá viên về giá làm việc cho Chính phủ, cho tổ chức hoặc khu vực tư nhân nhưng có liên quan chặt chẽ với Chính phủ thì không được cấp giấy phép hành nghề thẩm định giá. Họ được phép định giá nhưng không được phép thu phí dịch vụ định giá của mình. Ngoài ra, tất cả các hội viên của Hiệp hội đều phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Hiệp hội, nếu vi phạm, tùy trường hợp cụ thể có thể bị khiển trách, đình chỉ hoạt động hoặc khai trừ khỏi hiệp hội.
Ở Trung Quốc, để thành lập công ty thẩm định giá phải đảm bảo những tiêu chuẩn sau:
- Phải có ít nhất 03 chuyên gia đã được cấp phép hành nghề thẩm định giá và một số cộng tác viên ở các ngành có liên quan đến chuyên môn cần thẩm định như xây dựng, chế tạo máy, …
- Phải có nhân sự để tổ chức đủ 5 bộ phận, bao gồm: thẩm định tài sản, kiểm toán, pháp chế, thẩm định máy thiết bị, giám định công trình xây dựng.
- – Phải có đủ vốn theo luật quy định trong thành lập doanh nghiệp.
Ở Đức, để đảm bảo tính khách quan, việc định giá động sản hay bất động sản đều do các công ty tư vấn, các tổ chức trung gian thực hiện. Những doanh nghiệp và tổ chức trung gian này phải tuần thủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt Uỷ ban các tiêu chuẩn chuẩn thẩm định giá tài sản quốc tế (TIVSC) và Hội đồng thẩm định giá Châu Âu (TEGoVA)
Việt Nam có thể học hỏi các nước về các vấn đề liên quan đến việc nâng cao tiêu chuẩn thành lập công ty định giá và điều kiện hành nghề của thẩm định viên. Ngoài ra có thể học tập những nguyên tắc chuyên môn và nguyên tắc đạo đức của các tổ chức và Uỷ ban thẩm định giá uy tín trên thế giới.
Câu hỏi 5: Làm thế nào bít được lổ hổng thẩm định giá, thưa ông?
Trả lời:
Để bịt được lỗ hổng thẩm định giá, trước hết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật làm sao cho đồng bộ, hoàn chỉnh. Hiện tại, pháp luật về hoạt động thẩm định giá vẫn còn những mâu thuẫn chồng chéo với các luật chuyên ngành khác.
Tiếp theo, cần phải định lượng được các tiêu chuẩn thẩm định giá, xây dựng các cơ sở dữ liệu giá để tránh sự chênh lệch và thiếu thống nhất. Định lượng được chính xác tiêu chuẩn về thẩm định giá có thể giúp các doanh nghiệp, các hội đồng thẩm định tính được giá đúng khi tiếp cận với bất kì góc độ nào. Có thể sử dụng những phương pháp mà các nước phát triển đang sử dụng hiện nay như phương pháp so sánh hoặc phương pháp giá thành thay cho phương pháp đang có nhiều tồn tại mà nước ta đang sử dụng như phương pháp thặng dư và phương pháp dòng tiền chiết khấu.
Cuối cùng, cần phải điều chỉnh những vấn đề về quản lý điều kiện hành nghề thẩm định giá của doanh nghiệp, thẩm định viên. Có thể nâng số lượng thẩm định viên về giá để có thể thành lập doanh nghiệp khi mà điều kiện hiện nay là tương đối dễ để đáp ứng (03 thẩm định viên). Pháp luật về hoạt động thẩm định giá cần xem xét quy định thêm về việc kiểm tra hoạt động hành nghề của thẩm định viên tại mỗi doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng của hoạt động thẩm định giá.