Bước ngoặt của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65

0
384

Qua một thời gian khá dài tiến hành sửa đổi và ra các bản dự thảo, ngày 16/9/2022 Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ (gọi tắt là Nghị định 65). Liên quan đến việc sửa đổi này Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những trao đổi trên báo Đầu tư. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1: Ông đánh giá như thế nào về tác động của Nghị định 65 đối với thị trường TPDN giai đoạn tới?

Trả lời:

Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ tháo gỡ nút thắt huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp. Đây sẽ là giải pháp nhằm ổn định hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và bắt đầu tiến trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên nghiệp hóa, theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt.

Quy định cụ thể về thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giúp phát triển đồng bộ các thị trường tài chính ở Việt Nam. Nghị định 65/2022/NĐ-CP giúp giải quyết các vấn đề tồn đọng để giảm thiểu các rủi ro cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Thúc đẩy việc hình thành các định chế đầu tư dài hạn chuyên nghiệp trên thị trường;

Công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường đã được quy định rõ ràng,minh bạch hơn. Đây là yếu tố rất là quan trọng để bảo đảm thị trường hoạt động công khai, minh bạch, công bằng, có kỷ cương, kỷ luật, qua đó giữ và củng cố lòng tin của nhà đầu tư với thị trường. Tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành trong điều hành và quản lý giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng và chủ động thông tin tuyền truyền, định hướng thị trường.

Câu 2. Nghị định 65 đưa ra quy định chặt chẽ về nhà đầu tư chuyên nghiệp, cấm các hành vi bán TPDN không đúng đối tượng. Theo ông, các quy định như nghị định đã đủ ngăn chặn hiện tượng lách luật mua bán chui TPDN như thơi gian qua chưa?

Trả lời:

Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP đã bổ sung cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm hạn chế tối đa nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ gian lận để mua TPDN riêng lẻ. Cụ thể Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định như sau:

  • Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán. Tổ chức có trách nhiệm xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tài liệu xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, ngoại trừ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp quy định tại điểm d khoản này.
  • Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Luật Chứng khoán để mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỉ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm này có giá trị trong vòng 03 tháng kể từ ngày được xác nhận.

Các nhà đầu tư cá nhân trước khi tham gia thị trường cần tự đánh giá bản thân phải có đủ năng lực để đánh giá được đầy đủ rủi ro. Mọi hành vi “lách” các quy định của pháp luật để mua bán chui TPDN không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định này của pháp luật. Do đó, các quy định trên của Nghị định sẽ có tác dụng rất lớn trong việc ngăn chặn hiện tượng lách luật mua bán chui TPDN trong thời gian qua.

Câu 3. Nghị định 65 không cho phép phát hành trái phiếu để tăng vốn, điều này có phù hợp với các bộ luật khác cũng như quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp không, thưa ông? 

(Ví dụ công ty chứng khoán không có dự án mà chỉ phát hành trái phiếu vì mục đích tăng vốn. Vậy với ND 65, công ty chứng khoán không thể phát hành TPDN?). 

Trả lời:

Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về mục đíc phát hành trái phiếu như sau:

Mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định tại Điều 13 Nghị định này và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư”.

Trước đây, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định mục đích phát hành trái phiếu bao gồm: để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; tăng quy mô vốn hoạt động; cơ cấu lại nguồn vốn của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Như vậy, Nghị định 65/2022/NĐ-CP loại bỏ mục đích “tăng quy mô vốn hoạt động” khỏi danh sách các mục đích phát hành trái phiếu. Các tổ chức phát hành có khả năng vẫn có thể sử dụng một số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động.  Tuy nhiên, Nghị định mới thắt chặt yêu cầu tổ chức phát hành cung cấp chi tiết cụ thể về mục đích sử dụng vốn huy động được. Việc thắt chặt các quy định đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có thể có một số tác động tiêu cực đến hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong ngắn hạn nhưng Nghị định này sẽ hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong dài hạn và hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật liên quan.

Câu 4. Việc nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và ngân hàng đã cạn room tín dụng khiến cầu trái phiếu giảm mạnh. Theo ông, sức cầu thị trường trái phiếu thời gian tới sẽ phụ thuộc vào đâu?

Trả lời:

Sức cầu của thị trường trái phiếu sẽ phụ thuộc rất lớn vào những yếu tố sau:

Thứ nhất,  hành lang pháp lý liên quan để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần phải an toàn, ổn định, bền vững. Cụ thể: cần tập trung vào hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ, tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại sở giao dịch chứng khoán, chuẩn hóa quy định về việc công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành. Đặc biệt, cần tiến tới xây dựng khung khổ pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh, như quy định về các dự án sử dụng vốn trái phiếu xanh, giao dịch trái phiếu xanh…

Thứ hai, là chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, đa dạng hóa hàng hóa trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu huy động vốn. Thực hiện ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng. Xây dựng quy định, quy chuẩn về trái phiếu xanh và các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp dự án hợp tác công – tư.

Thứ ba, là vấn đề khuyến khích thành lập và thu hút các tổ chức tư vấn, xếp hạng tín nhiệm, định giá tham gia thị trường để nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành và giúp nhà đầu tư có thêm thông tin về rủi ro và định giá hợp lý khi mua bán trái phiếu..

Thứ tư, là yếu tố đa dạng hóa các chủ thể tham gia trên thị trường trái phiếu, ưu tiên các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các định chế tài chính trung gian, bao gồm cả các quỹ hưu trí, bảo hiểm xã hội, các công ty bảo hiểm có sở hữu của Nhà nước.

Câu 5. Các quy định về công bố thông tin, hồ sơ phát hành trái phiếu theo hướng chặt chẽ hơn, quy định liên quan đến quyền biểu quyết và tỷ lệ thông qua tối thiểu 65% tổng số trái phiếu đang lưu hành… đã đủ bảo vệ nhà đầu tư khi mua TPDN?

Trả lời:

Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, Nghị định không siết điều kiện chào bán, nhưng yêu cầu chặt chẽ hơn về hồ sơ chào bán và phương thức phát hành. Mặc dù vậy, hồ sơ chào bán và phương thức phát hành được yêu cầu cao hơn, do đó nhà phát hành phải thực sự có năng lực và hồ sơ minh bạch thì mới có thể tham gia hoạt động phát hành trái phiếu. Cùng với đó là quy định liên quan đến quyền biểu quyết và tỷ lệ thông qua tối thiểu 65% tổng số trái phiếu đang lưu hành giúp các trái chủ chủ động nắm bắt thông tin về doanh nghiệp và dự án mà mình đang đầu tư.

Như vậy có thể thấy Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã siết chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp không chỉ từ giai đoạn nộp hồ sơ, công bố thông tin…mà còn quy định thêm cả quyền biểu quyết và thông qua tối thiểu 65% tổng số trái phiếu đang lưu hành. Từ đó giúp bảo vệ tốt nhất cho nhà đầu tư hạn chế được những rủi ro cho nhà đầu tư khi mua trái phiếu doanh nghiệp.