Buôn bán giấy tờ khám sức khoẻ: Sẽ bị xử phạt ra sao?

0
341

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có một số quan điểm về vấn nạn buôn bán giấy tờ khám sức khoẻ. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi 1: Hiện nay có rất nhiều nhóm hoạt động trên các trang mạng về việc buôn bán giấy tờ khám sức khỏe. Luật sự có những đánh giá gì về hoạt động này?

Trả lời:

Gần đây đã có rất nhiều bài báo đưa tin về việc cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ mua bán giấy khám sức khỏe giả tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, có thể thấy rằng trên thực tế, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Việc làm giả tài liệu, con dấu và buôn bán giấy khám sức khỏe giả không chỉ gây ảnh hưởng tới uy tín của ngành y tế mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng khi những giấy tờ giả đó được tiêu thụ trót lọt.

Thực tế, giấy khám sức khoẻ là một trong những giấy tờ không thể thiếu trong các hồ sơ, ví dụ với nộp hồ sơ xin việc; hồ sơ thi bằng lái xe máy, ô tô… Rất nhiều loại hồ sơ đều cần loại giấy này. Chính vì nhu cầu lớn trong khi nhiều người ngại đi khám do không muốn thực hiện các thủ tục khám rườm rà, hay thậm chí có nhiều người không đủ điều kiện sức khoẻ cũng mong muốn có được những giấy khám sức khoẻ có kết qủa tốt nên đã khiến cho thị trường mua bán giấy khám sức khỏe vẫn ngấm ngầm tồn tại, mặc dù đây là hành vi bị cấm. Việc làm giấy khám sức khoẻ giả này không chỉ gây ảnh hưởng tới uy tín của ngành y mà vấn đề cần nói đến là nó tiềm ẩn rất nhiều những nguy hiểm cho xã hội. Bởi lẽ, mục đích của việc quy định ra giấy khám sức khoẻ để nhằm đảm bảo được vấn đề sức khoẻ cho những nhóm lao động, những ngành nghề, lĩnh vực nhất nhất định, chẳng hạn đối với lao động làm việc trong môi trường là dịch vụ ẩm thực, ăn uống thì quy định những người này không mắc các bệnh về tay hay các bệnh có tính truyền nhiễm vì đây là môi trường chuyên biệt dễ lây nhiễm qua đường ăn uống. Câu hỏi đặt ra là nếu những người này đi mua giấy khám sức khoẻ giả để đủ điều kiện làm việc ở môi trường này thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law

 

Câu hỏi 2: Nhiều đối tượng đã giả mạo con dấu, chữ ký của bệnh viện để làm giấy tờ khám chữa bệnh giả, hành vi này vi phạm nội quy gì? hình phạt như thế nào?

Trả lời:

Tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Cụ thể:

Thứ nhất, về xử phạt hành chính:

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định mức phạt đối với vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu như sau:

  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng con dấu chưa đăng ký mẫu con dấu; sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức khác để hoạt động;
  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm giả hồ sơ để làm thêm con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước; làm giả con dấu hoặc sử dụng con dấu giả.

Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; buộc nộp lại con dấu và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm mà có.

Thứ hai, xử lý hình sự:

Đối tượng vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người nào có hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức thì có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm tuỳ thuộc vào mức độ, tính chất của hành vi vi phạm và hậu quả của hành vi gây ra. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Như vậy, theo quy định trên, không chỉ người bán, người mua mà ngay cả người sử dụng giấy khám sức khỏe giả đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.