TÓM TẮT SỰ VIỆC:
Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) là đơn vị tổ chức giải bóng đá vô địch quốc gia V.League 2023. Tại mùa giải năm nay, Sâm Ngọc Linh Kon Tum (kinh doanh sản phẩm nước tăng lực Night Wolf) ký hợp đồng là nhà tài trợ chính của giải đấu. Trong điều lệ giải V.League 2023 có điều khoản quy định ngành hàng độc quyền tài trợ chính của giải đấu là nước tăng lực, các hoạt động trong khuôn khổ giải như việc mặc trang phục thi đấu có logo nhà tài trợ, đặt biển quảng cáo trên sân nhà, trong phòng họp báo và các hoạt động thương mại khác nhằm tuyên truyền cho các đơn vị kinh doanh nước tăng lực khác không phải Sâm Ngọc Linh là vi phạm điều lệ giải.
Hai ngày sau khi điều lệ giải thông qua (có sự đồng ý của 14 đội bóng), CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) gửi công văn lên VPF thông báo nhà tài trợ chính của đội bóng mùa giải 2023 là Carabao, một đơn vị kinh doanh mặt hàng nước tăng lực.
VPF sau đó gửi công văn yêu cầu HAGL không sử dụng logo, hình ảnh quảng bá cho sản phẩm nước tăng lực của Carabao.
HAGL gửi phúc đáp phản đối. Đội bóng này cho biết đã ký hợp đồng tài trợ từ ngày 15/12/2022 và công bố đây là nhà tài trợ chính của CLB trong hai năm 2023 và 2024. Nếu không tuân thủ hợp đồng, HAGL không những mất nguồn thu, không có tiền trả lương cho HLV và cầu thủ mà còn phải đền bù thiệt hại cho nhà tài trợ này.
Ở công văn tiếp theo, HAGL cho biết để tránh xung đột lợi ích giữa hai nhà tài trợ (cùng là nhãn hàng nước tăng lực), đội bóng này sẽ không để chữ “nước tăng lực” bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt xuất hiện và chỉ quảng cáo bằng logo của nhà tài trợ. Đề xuất này được VPF đồng ý.
Tuy nhiên, HAGL sau đó quyết định kiện VPF ra TAND quận Nam Từ Liêm (nơi đặt trụ sở VPF). Đội bóng này khởi kiện không nhằm mục đích đòi bồi thường và vấn đề chính là yêu cầu VPF phải sửa điều lệ giải không độc quyền ngành hàng tài trợ (do quy chế bóng đá chuyên nghiệp VN không quy định về độc quyền ngành hàng tài trợ tại giải V.League).
CÂU HỎI PHÁP LÝ:
- Việc VPF ra quy định về độc quyền ngành hàng tài trợ trong điều lệ giải có vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh hay không?
Trả lời:
Ngày 07/02/2023, TAND quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đã tiếp nhận hồ sơ của HAGL khởi kiện VPF.
Theo khoản 2 Điều 8 Luật cạnh tranh 2018 quy định các hành vi bị cấm liên quan đến cạnh tranh bao gồm: Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh.
Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh cụ thể như sau:
Hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh, bao gồm hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền. Trong đó:
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.
Vì vậy, VPF ra quy định về độc quyền ngành hàng tài trợ trong điều lệ giải vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh, HAGL cần có những tài liệu chứng minh quy định tại Điều lệ Giải về ngành hàng độc quyền của giải đấu có dấu hiệu của hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của Luật Cạnh tranh hiện hành.
- HAGL cần chứng minh những vấn đề gì để yêu cầu khởi kiện của mình có thể được tòa án chấp nhận và thụ lý?
Trả lời:
HAGL kiện VPF vì cho rằng VPF có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh. Vậy nên trong trường hợp này, vấn đề cần làm rõ đó là quy định về nhà tài trợ độc quyền tại Điều lệ Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia (V.League 2023) có vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh hay không?
Bên cạnh đơn khởi kiện, phía HAGL cần cung cấp cho Tòa án các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ cùng hồ sơ pháp lý của pháp nhân và bản kê các tài liệu nộp kèm đơn khởi kiện. Nếu xét thấy có căn cứ, Tòa án có thể ra Thông báo thụ lý vụ án theo quy định pháp luật.
- Trường hợp không vi phạm quy định về cạnh tranh, VPF có thể yêu cầu phản tố HAGL hay không?
Trả lời:
Phản tố là quyền của bị đơn trong vụ án dân sự, thực chất việc phản tố của bị đơn là việc bị đơn khởi kiện ngược lại người đã kiện mình (tức nguyên đơn), nhưng được xem xét, giải quyết cùng với đơn khởi kiện của nguyên đơn trong vụ án vi việc giải quyết yêu cầu của hai bên có mối quan hệ liên quan, chặt chẽ với nhau.
Khoản 1 Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn như sau: “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.”
Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
– Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
– Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
Do đó, trước tiên cần phải xác định yêu cầu phản tố của VPF đối với HAGL là gì? Có thuộc một trong các trường hợp trên hay không.
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ, tòa án sẽ tiến hành các bước nào theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015?
Trả lời:
Theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015, trong trường hợp nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước tiếp theo, Chánh án Tòa án quận Nam Từ Liêm phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
– Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
– Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
– Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
– Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Bước 3, sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. Sau đó, Tòa án sẽ triệu tập các bên tới để hòa giải. Trong các phiên hòa giải, nếu HAGL và VPF đạt được thỏa thuận về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự, tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Trường hợp không thể đạt thỏa thuận, tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử.
- Thời gian tiếp nhận, xử lý tới khi có quyết định đưa ra xét xử (nếu có) có thể kéo dài bao lâu theo quy định?
Trả lời:
Bước 01: Phân công Thẩm phán
Theo Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án quận Nam Từ Liêm phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định:
– Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
– Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
– Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
– Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Bước 02: Thụ lý vụ án
Theo Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Bước 03: Chuẩn bị xét xử
Căn cứ Điều 203 Bộ luật này, thời hạn chuẩn bị xét xử là 02 tháng đối với tranh chấp về kinh doanh thương mại. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, Chánh án Tòa án có thể ra quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử thêm tối đa 01 tháng. Như vậy, thời hạn tối đa để chuẩn bị xét xử là 03 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.