Cam kết TPP và EVFTA về sở hữu trí tuệ: Cơ hội thay đổi cho Việt Nam

0
387

Đảm bảo cam kết trong các hiệp định tự do đã ký kết, việc rà soát pháp luật theo tiêu chuẩn quốc tế cần tiếp tục triển khai cho phù hợp và có lợi đối với Việt Nam

Tại hội thảo tham vấn “Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết TPP và EVFTA về sở hữu trí tuệ. Kết quả rà soát và đề xuất điều chỉnh từ góc độ lợi ích của Việt Nam”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 25/11 tại Hà Nội, hầu hết các chuyên gia nghiên cứu, đại diện các bộ, ngành, các hiệp hội và doanh nghiệp đều bày tỏ quan điểm rằng, cho dù Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa biết khi nào sẽ được thông qua, thì cơ hội dành cho Việt Nam vẫn là rất lớn.

Cụ thể, trong việc đổi mới thể chế; rà soát để điều chỉnh các quy phạm pháp luật sao cho vừa có lợi đối với các doanh nghiệp Việt Nam , vừa phù hợp với xu hướng chung trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó, giúp nâng cao tính cạnh tranh và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc, Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho rằng, TPP đụng chạm tới tất cả các vấn đề quan trọng của nền kinh tế; trong đó, có đời sống dân doanh, các quy định pháp luật về người lao động, về hoạt động đầu tư….

Gần đây, chúng ta đã tích cực rà soát hệ thống pháp luật ở nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực để báo cáo và trình Quốc hội thông qua và cũng là để chuẩn bị cho TPP. Dù đó mới chỉ là những việc khởi đầu, song có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật ở Việt Nam.

Tới đây, theo bà Trang, việc rà soát pháp luật, các cam kết quốc tế vẫn cần tiếp tục triển khai tích cực và thực thi sao cho phù hợp và có lợi đối với Việt Nam. Bà Trang cho rằng, đây là một quá trình thay đổi về nhận thức và tư duy để học những điều mới từ nền kinh tế thế giới.

Sở hữu trí tuệ là lĩnh vực mà các đối tác thương mại lớn, đặc biệt là TPP và Liên minh châu Âu (EU) rất quan tâm và có những đòi hỏi cao. Điều này cho thấy nếu Việt Nam có những điều chỉnh hợp lý trong lĩnh vực này thì khả năng thu hút đầu tư sẽ được tăng trưởng.

Mặt khác, việc nâng cao các tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ theo các tiêu chuẩn đã cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) và TPP đặt ra nhiều thách thức lớn cho Việt Nam cả về pháp luật và chi phí tuân thủ pháp luật.

Vì thế, cần thiết phải rà soát sự tương thích nhằm tìm kiếm những giải pháp bảo đảm đồng thời các mục tiêu thu hút đầu tư và thực thi cam kết, cũng như hỗ trợ các nhóm chủ thể ở Việt Nam, bà Trang nhấn mạnh.

Báo cáo của nhóm chuyên gia về kết quả rà soát cho thấy, phần lớn các cam kết của pháp luật Việt Nam đã tương thích hoàn toàn với các cam kết của TPP và EVFTA như các quy định về đối tượng bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế, dữ liệu thử nghiệm bí mật, dược phẩm, sinh phẩm và nông hóa dược….với các biện pháp thực thi như biện pháp dân sự, hình sự và hành chính.

Ngoài ra, cũng có một số quy định chỉ mới tương thích một phần như vấn đề bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan; hay như quy định về đối tượng được bảo hộ sáng chế áp dụng với những trường hợp là công dụng mới của sản phẩm, phương pháp sử dụng mới, quy trình sử dụng mới…

Tuy nhiên, cũng còn có nhóm cam kết mà pháp luật Việt Nam chưa tương thích với quy định của TPP và EVFTA, cụ thể như quy định về bù đắp thời gian bảo hộ sáng chế, dữ liệu bí mật và các dữ liệu khác, sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm, sinh phẩm, nông hóa phẩm;

Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền; thông tin bản quyền; nhà cung cấp dịch vụ Internet hay các biện pháp hình sự xử lý các hành vi xâm phạm đối với biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, thông tin bản quyền, bí mật kinh doanh, tín hiệu cáp quang và tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa….

Ông Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty Luật SB cho rằng, lúc này đang là cơ hội tốt để Việt Nam xem xét lại hệ thống luật sở hữu trí tuệ ở Việt Nam trên cơ sở những điều khoản nào hợp lý thì chúng ta nên áp dụng, bỏ qua một bên những điều khoản chưa hợp lý.

Thực tế, theo ông Khương đánh giá thì những cam kết trong TPP quy định về sở hữu trí tuệ có khá nhiều điều khoản rất phù hợp với điều kiện của thị trường Việt Nam khi chỉ số về sáng tạo và phát triển của Việt Nam còn tương đối thấp.

Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Khương đề xuất, không cần phải sửa đổi văn bản pháp luật đối với nhóm đã tương thích với các cam kết của TPP và EVFTA.

Tuy nhiên cần lưu ý tới công tác thực thi. Riêng đối với nhóm tương thích một phần và chưa tương thích cần nghiêm túc đánh giá và sửa đổi pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng như các văn bản pháp luật có liên quan như Bộ Luật Hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Hải quan…để tiến tới sự tương thích.

Bà Nguyễn Thị Thu, đại diện Công ty tư vấn đầu tư (Invest Consult) nhận định, nếu nhìn nhận về khía cạnh lợi ích thương mại dành cho các doanh nghiệp và lợi ích cộng đồng thì cho dù vẫn còn một số điều khoản bị coi là chưa tương thích.

Song vì nội dung không yêu cầu các quốc gia thực thi phải thay đổi pháp luật của mình để phù hợp với quy định của TPP, cũng như một số điều khoản chỉ mang tính chất khuyến nghị nên Việt Nam cũng cần cân nhắc việc sửa đổi pháp luật nội địa tương ứng với những quy định đó để tạo một sân chơi chung, lành mạnh và cạnh tranh cho mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế./.

Thạch Huê/BNEWS/TTXVN