Cần có hành lang pháp lý về liên kết giữa trang trại và doanh nghiệp

0
425

Sự hợp tác, liên kết giữa trang trại và doanh nghiệp thực hiện quá trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thời gian qua đã chứng minh được hiệu quả. Tuy nhiên cùng không ít trường hợp bị đổ bể do thất tín.

Vậy pháp luật đã có quy định để ràng buộc các bên tham gia chuỗi liên kết? Khi trang trại liên kết với doanh nghiệp thì chủ trang trại phải làm gì để tránh được rủi ro?…

Đó là những vấn đề mà nhiều chủ trang trại đặt ra, Tạp chí Trang trại Việt (TTV) đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty luật SBLAW (Hà Nội. Luật sư Hà cho biết:

Thời gian qua đã xuất hiện một số mô hình liên kết, đó là liên kết theo chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến, phân phối sản phẩm khép kín như ở Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (liên kết dọc) và  liên kết giữa những người sản xuất, các đơn vị kinh doanh với nhau (liên kết ngang), điển hình là mô hình các hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác kiểu mới như Hợp tác xã thủy sản Thới An, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cá tra ở Cần Thơ; HTX chăn nuôi bò sữa Evergrowth ở Sóc Trăng … Những mô hình liên kết trên bước đầu thu được kết quả tốt, thu nhập của người nông dân tăng lên. Nông dân, chủ trang trại chủ động được quá trình sản xuất, chỉ việc chăm lo làm tốt việc sản xuất mà không phải lo đầu ra cho sản phẩm; còn doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn hàng…

Đối với liên kết ngang được thực hiện trên cơ sở quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập đến khía cạnh pháp lý đối với liên kết dọc.

Phổ biến nhất trong chuỗi liên kết dọc là doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cả vai trò đảm bảo thị trường tiêu thụ. Nông dân, chủ trang trại nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất của họ.

Cũng có khi thực hiện theo hình thức: doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu đầu vào cho chủ trang trại – Chủ trang trại liên kết với một doanh nghiệp thực hiện việc chế biến, phân phối tiêu thụ sản phẩm (DN cung cấp nguyên liệu sản xuất đầu vào – Trang trại – DN chế biến, phân phối tiêu thụ sản phẩm).

Nhưng đối với liên kết theo chuỗi thì hiện nay chưa có hành lang pháp lý quy định địa vị pháp lý, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp và chủ trang trại trong chuỗi liên kết; cũng như chưa có quy định các loại liên kết theo chuỗi…do đó để đảm bảo liên kết bền vững, tránh được rủi ro thì liên kết giữa chủ trang trại với các doanh nghiệp nhất thiết phải thực hiện thông qua việc giao kết hợp đồng bằng văn bản.

Vì sao phải thực hiện hợp đồng bằng văn bản?

Hợp đồng, tức là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên nhằm mục đích xác lập, thay đổi, chấm dứt nghĩa vụ của các bên ( theo Điều 388 BLDS); Nội dung của hợp đồng là tổng hợp các điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp đồng đã thỏa thuận, các điều khoản này xác định những quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên giao kết hợp đồng. Nội dung cụ thể của hợp đồng tùy thuộc vào khả năng, nhu cầu liên kết, hợp tác của các bên, cũng như các điều kiện, phương thức hợp tác mà các bên thỏa thuận, thống nhất với nhau.

Ví dụ: Nếu một doanh nghiệp vừa sản xuất thức ăn chăn nuôi, vừa chế biến và tiêu thụ sản phẩm khi liên kết với trang trại chăn nuôi với mục đích vừa cung cấp thức ăn chăn nuôi, vừa đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho trang trại thì hợp đồng phải có những điều khoản sau: Loại thức ăn chăn nuôi DN cung cấp cho chủ trang trại; loại sản phẩm chủ trang trại cung cấp cho DN (về số lượng, chất lượng; giá cả; thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; quyền , nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng…) Ngoài ra, chủ trang trại và doanh nghiệp còn có thể thỏa thuận với nhau một số nội dung khác như: đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng, trách nhiệm chia sẻ rủi ro…

Khi đã giao kết, các bên phải có nghĩa vụ thực hiện đúng các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng. Bên nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý theo thỏa thuận trong hợp đồng, cũng như các quy định pháp luật có liên quan. Hay nói cách khác, hợp đồng chính là cơ sở để ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa các bên, cũng như là căn cứ để giải quyết các tranh chấp, xử lý các hành vi vi phạm nghĩa vụ, giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia giao kết. Vì vậy, hợp đồng sẽ góp phần nâng cao ý thức tôn trọng, tuân thủ đầy đủ và chính xác các cam kết của các doanh nghiệp và chủ trang trại, hạn chế các hành vi vi phạm cam kết, tránh cho các bên các rủi ro pháp lý trong quá trình hợp tác.

Dù đã có hợp đồng, nhưng trên thực tế đã có rất nhiều vụ doanh nghiệp thất hứa khiến nông dân, chủ trạng trại lao đao. Vậy làm thế nào để những cam kết trong hợp đồng được thực hiện nghiêm túc?

Trước hết, các chủ trang trại phải tìm hiểu thật kỹ các thông tin về năng lực, tư cách pháp lý và uy tín của các doanh nghiệp trước khi quyết định hợp tác. Trong hợp đồng phải có đầy đủ các thông tin cần thiết về tư cách chủ thể ký kết hợp đồng của doanh nghiệp như: tên, trụ sở, Giấy phép thành lập và người đại diện. Các nội dung trên phải ghi chính xác theo Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư của doanh nghiệp.

Kiểm tra tư cách người giao kết hợp đồng: Người ký kết hợp đồng phải là người có thẩm quyền ký kết hợp đồng của  DN (người đại diện theo pháp luật của DN hoặc người được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ủy quyền hợp pháp). Nếu người ký kết hợp đồng là người không có thẩm quyền ký kết hợp pháp thì khi xảy ra tranh chấp hợp đồng có khả năng bị vô hiệu, gây ra thiệt hại cho các chủ trang trại.

Các điều khoản trong hợp đồng phải chi tiết, chặt chẽ từ câu chữ cho đến bố cục, hình thức. Nội dung hợp đồng phải quy định rõ về chủng loại, mẫu mã, số lượng và chất lượng hàng hóa, thời hạn, phương thức giao nhận, thanh toán, cũng như các quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên. Trong hợp đồng cũng cần có các nội dung về các chế tài đối với các hành vi vi phạm hợp đòng như bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng, để răn đe, phòng ngừa vi phạm hợp đồng, nhằm nâng cao ý thức tôn trọng hợp đồng của các bên. Đây cũng là các điều khoản rất quan trọng nhằm bảo vệ lợi ích cho bên bị vi phạm trong trường hợp một bên vi phạm hợp đồng.

Cho dù có hợp đồng, nhưng trên thực tế khi có tranh chấp xảy ra, phần thiệt vẫn về nông dân, chủ trang trại. Vậy phải làm thế nào để tránh được việc này?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trước hết, hiểu biết pháp luật của nhiều chủ trang trại còn nhiều hạn chế, không chú trọng đúng mức đến việc soạn thỏa và đàm phán ký kết hợp đồng, không tìm hiểu kỹ thông tin về năng lực, uy tín của doanh nghiệp. Nhiều trường hợp, các hợp đồng là do các doanh nghiệp soạn sẵn, với nhiều điều khoản không công bằng, bất lợi cho chủ trang trại. Trong khi đó, các chủ trang trại lại không tìm hiểu kỹ, hoặc không có đủ kiến thức pháp lý cần thiết để xem xét và đánh giá chính xác về các nội dung của các hợp đồng này. Mặt khác, cũng có không ít doanh nghiệp, vì chạy theo lợi nhận đã cố tình vi phạm các nôi dung đã thỏa thuận, cam kết với các chủ trang trại.

Theo tôi khi ký hợp đồng chủ trang trại nên cần tìm hiểu kỹ các nội dung hợp đồng, cũng như các quy định pháp lý có liên quan, hoặc tìm đến sự tư vấn pháp lý của các luật sư, để phòng tránh các rủi ro pháp lý và các thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo luật sư các biện pháp nêu trên đã đảm bảo cho chủ trang trại đảm bảo được liên kết bền vững trong chuỗi sản xuất tránh được rủi ro và thuận lợi trong phát triển sản xuất?

Mô hình chuỗi liên kết mới hình thành mấy năm qua. Pháp luật hiện hành chưa có quy định riêng để điều chỉnh hoạt động này. Do đó, bên cạnh nỗ lực của các chủ trang trại và doanh ngiệp, thì Nhà nước cũng cần sớm ban hành các quy định pháp lý điều chỉnh, xây dựng quy chuẩn, mô hình liên kết phù hợp; các chính sách hỗ trợ cần thiết, để cho các mô hình liên kết giữa các chủ trang trại và doanh nghiệp được phát triển một cách lành mạng và bền vững. Có như vậy, chủ trang trại và doanh nghiệp mới tự tin, yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh khi tham gia chuỗi liên kết, góp phần phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, có tính cạnh tranh cao, nhất là khi chúng ta đã tham gia TTP.

Cảm ơn luật sư!