Cảnh báo cướp giật tại các tiệm vàng và những kiến thức pháp luật cần biết.

0
760

Nói đến cướp giật, đặc biệt là cướp tài sản tại các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý là nói đến sự manh động, liều lĩnh của đối tượng gây án. Những vụ cướp này dễ gây nguy hiểm cho người xung quanh khi đối tượng xông vào cướp hoặc trên đường tẩu thoát. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm trên Kênh thời sự VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam. Dưới đây là nội dung chi tiết:

 

Câu hỏi 1: Thưa Luật sư vụ việc đối tượng mang hung khí đến tiệm vàng ở Bình Dương cướp tài sản khiến dư luận lại lo âu về loại tội phạm này, mấy năm gần đây đã xảy ra không ít vụ đối tượng dùng hung khí xông vào tiệm vàng, vào ngân hàng- những cơ sở vốn chứa tài sản lớn để cướp giật, có vụ việc đối tượng cướp làm bị thương người dân. Khách mời có thể chia sẻ với bạn nghe đài về sự nguy hiểm của tội phạm cướp tại các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý?

Trả lời:

Tội phạm cướp tại các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý là tội phạm đặc biệt nguy hiểm, đe doạ trực tiếp đến tính mạng, thân thể của các nhân viên cửa hàng, của khách hàng cũng như người dân xung quanh. Thông thường, số lượng tài sản bị chiếm đoạt rất lớn; các đối tượng rất liều lĩnh, dùng những hung khí nguy hiểm và có độ sát thương cao, kể cả vũ khí quân dụng hay vật liệu nổ thật hoặc là giả có thể gây nguy hiểm cho nhiều người và tội phạm sẵn sàng chống trả hoặc bắn, giết nạn nhân nhằm mục đích tẩu thoát và chiếm đoạt số tiền. Các vụ cướp tại các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý luôn là tâm điểm gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường của các cửa hàng.

Thời gian gần đây, tội phạm cướp tại các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý có chiều hướng ngày càng manh động, liều lĩnh, thủ đoạn tinh vi và số tiền chúng chiếm đoạt lớn hơn so với trước. Để đạt được mục đích, chúng thường dùng thủ đoạn cướp táo tợn với ý thức chiếm đoạt bằng được tài sản đó và có thể gây nguy hiểm cho nhiều người.

Câu hỏi 2: Ông đã tham gia xét xử hoặc phiên tòa về cướp tiệm vàng hay chưa? Nếu có ông thấy đối tượng cướp tiệm vàng có tâm lý và thủ đoạn như thế nào?

Trả lời :

Cướp tài sản tiệm vàng thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu, hành vi này không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của người bị hại mà còn gây tâm lý hoang mang cho người dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Những kẻ gây ra các vụ cướp này thường có tâm lý tự tin, có kế hoạch từ trước và cho rằng việc cướp của mình có thể thực hiện được chót lọt. Do đó các đối tượng này đã lợi dụng những sơ hở từ phía các cửa hàng bán vàng sau đó theo dõi và lên kế hoạch thực hiện hành vi đến cùng. Thậm chí các đối tượng này còn có tâm lý thực hiện hành vi của mình đến cùng, biết rõ là sử dụng vũ khí là sai nhưng vẫn bất chấp nguy hiểm, bất chấp pháp luật dùng vũ lực đe doạ dùng vũ lực làm cho bị hai không thể chống trả được nhằm cướp đi tài sản của người khác.

Các đối tượng theo dõi xung quanh các địa điểm kinh doanh vàng để quan sát người đến giao dịch, lợi dụng người dân sơ hở khi ra về chúng cướp giật rồi nhảy lên xe đồng bọn chờ sẵn tẩu thoát. Một số trường hợp, do nhân dân lơ là, mất cảnh giác, như: Để túi xách trước giỏ xe máy, mặc áo cổ rộng có đeo nhiều nữ trang, đi trong đêm một mình, đi vào đường vắng người, … tạo cơ hội cho các đối tượng ra tay cướp giật, không chỉ mất tài sản mà có nguy cơ sẽ đối mặt với tai nạn giao thông. Ngoài ra, các đối tượng cướp còn giả danh Công an, gọi điện thoại đến tiệm vàng thông báo “Đang theo dõi đối tượng cướp tiệm vàng của cửa hàng, đối tượng sắp vào cướp tiệm vàng, nếu đối tượng yêu cầu đưa vàng thì chủ tiệm hoặc nhân viên không nên chống cự mà cứ đưa vàng cho đối tượng, Công an sẽ ập vào bắt giữ đối tượng”, sau khi điện thoại, các đối tượng này sẽ đem theo hung khí,… chuẩn bị sẵn đến tiệm vàng để tiến hành cướp, người kinh doanh không phản ứng thì các đối tượng sẽ nhanh chóng chạy thoát. Ngoài ra, các đối tượng còn manh động hơn, chúng thường đi từ 02 người trở lên, sử dụng xe gắn máy đến cửa hàng kinh doanh vàng, khi quan sát thấy vắng người, các đối tượng sẽ xông vào khống chế người bán, đập vỡ tủ kiếng, gom nữ trang rồi nhanh chóng nhảy lên xe đồng bọn chờ sẵn để tẩu thoát.

Câu hỏi 3: Có ý kiến cho rằng hình thức buôn bán vàng bạc tại các cửa hàng vàng hiện nay ở nước ta khá lơ là, vàng bạc trưng bày tủ kính bắt mắt cũng là yếu tố kích thích khả năng phạm tội. Quan điểm của ông?

Các cửa hàng vàng bạc trưng bày lộ liễu, không đảm bảo an toàn

Trả lời:

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi liều lĩnh, manh động của các tội phạm cướp tiệm vàng như: Do đối tượng túng thiếu, nợ nần, thua lỗ trong làm ăn, cần một khoản tiền lớn để trả nợ và trang trải cuộc sống; …

Nhưng trong đó cũng có nguyên nhân chủ quan của chủ sở hữu trong phòng ngừa đối với loại tội phạm này. Đặc biệt, hệ thống an ninh và công tác bảo vệ các tiệm vàng hiện nay còn nhiều kẽ hở. Nhiều cửa hàng còn để hàng hóa tập trung với số lượng lớn trên bàn giao dịch, gần vị trí khách hàng ngồi. Hệ thống camera đã được lắp đặt nhưng chất lượng hình ảnh chưa được cao. Nhiều camera không được bảo dưỡng thường xuyên, bộ lưu không lắp hoặc lắp không đảm bảo. Hệ thống chuông báo động không đồng bộ, không được kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên gây khó khăn cho việc nhận diện, truy xét nhanh kẻ gây án nếu có. Việc chuyển tiền, vàng của các cơ sở hiện nay vẫn còn nhiều sơ hở, chủ quan. Nhiều cơ sở hết giờ kinh doanh gom hàng cho vào hòm tôn, túi xách đi xe máy dễ làm “mồi” cho các đối tượng cướp, cướp giật.

Để thu hút khách hàng và thực hiện một số mục đích quảng cáo, nhiều tiệm vàng đã trưng bày các sản phẩm trong tủ kính thậm chí là lên trên các mặt tủ mà không có sự đề phòng nào. Chưa kể đến việc chất lượng của các tủ trưng bày chưa đảm bảo về chất lượng.

 

Câu hỏi 4: Thưa Luật sư, qua các vụ đột nhập vào cửa hàng vàng bạc cướp tài sản ở nước ta, có ý kiến cho rằng tội phạm cướp tiệm vàng có ảnh hưởng từ phim ảnh khi có nhiều bộ phim mô tả phương thức, thủ đoạn cướp tiệm vàng hay cướp ngân hàng rồi các đối tượng học theo. Quan điểm của ông thì sao?

Trả lời:

Điều 11 Luật Điện ảnh 2006 quy định về những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh gồm:

  • Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
  • Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.
  • Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước; bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại; bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.
  • Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi liều lĩnh, manh động của các tội phạm cướp ngân hàng trong đó có nguyên nhân do ảnh hưởng của phim hành động làm các đối tượng nghiên cứu, “bắt chước” nhằm đạt mục đích cướp tài sản. Do đó, các cơ quan chức năng cần kiểm duyệt thật kỹ các nội dung của phim khi cho phát sóng, cùng với đó là việc kiểm soát các nội dung đăng tải trên mạng xã hội trong thời đại 4.0 hiện nay.

Câu hỏi 5: Nếu trước đây các vụ cướp tiệm vàng thường xảy ra ban đêm, đối tượng tìm cách đột nhập vào nhà rồi lấy đi vàng bạc đá quý thì nay nhiều vụ đối tượng mang dao búa, thậm chí là súng và trực tiếp xông vào cửa hàng vàng bạc cướp tài sản khi cơ sở đang hoạt động kinh doanh. Dường như tội phạm cướp giật đang có xu hướng ngày càng manh động, liều lĩnh hơn.

Điều này có phải là chế tài pháp luật đối với tội danh cướp tài sản chưa đủ sức răn đe hay là một bộ phận người dân không hề có kiến thức pháp luật, không nhận rõ sự nguy hại nếu phạm tội, thưa ông?

Tội phạm cướp tiệm vàng rồi ném ra đường ở Huế

Trả lời:

Hiện nay, tội cướp giật tài sản được quy định tại Điều 171 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi năm 2017). Căn cứ theo cấu thành tội danh thì tội cướp giật tài sản có thể được hiểu là hành vi công khai, giật lấy tài sản của người khác hoặc đang trong sự quản lý của người có trách nhiệm quản lý về tài sản rồi nhanh chóng tìm cách tẩu thoát. Mức hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Như vậy, đã có quy định xử lý về hành vi cướp giật tài sản.

Các đối tượng trộm, cướp thời gian gần đây đều rất tinh vi, có kế hoạch cụ thể trước khi cướp, sử dụng hung khí, vũ khí làm phương tiện đe dọa, khống chế và sẵn sàng tước đi mạng sống của những người trong tiệm vàng để thực hiện mục đích cướp tài sản của mình. Nguyên nhân có thể là do kẻ xấu lợi dụng sự bất cẩn, hớ hênh của chủ tiệm, hay sự túng thiếu và đường cùng của bản thân kẻ phạm tội. Thậm chí trong thời đại 4.0 bùng nổ các thông tin trên mạng xã cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của giới trẻ, từ những video hay bộ phim bạo lực, cướp giật trên mạng cũng là nguyên nhân thúc đẩy có tội phạm này tăng nhanh và manh động hơn trước.

 

Câu hỏi 6: Cửa hàng vàng bạc đá quý là nơi trưng bày lượng nữ trang, đá quý giá trị lớn, cũng thường lưu giữ lượng tiền mặt lớn nên nguy cơ bị cướp giật cao. Đối tượng cướp tiệm vàng cũng thường mang hung khí, vũ khí, khả năng gây nguy hiểm với người xung quanh cao hơn nhiều loại tội phạm khác.Nhiều ý kiến thính giả cho rằng, đối tượng cướp giật nói chung hay cướp tiệm vàng nói riêng nếu khi gây án mà đang ở tuổi chưa thành niên, theo quy định thì chế tài áp dụng với tội danh này cũng nhẹ hơn, dường như đây cũng là yếu tố để đối tượng lợi dụng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Trả lời: Tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội cướp giật tài sản, tội cướp tài sản

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi năm 2017), tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội cướp giật tài sản được quy định như sau:

– Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

– Người từ đủ 14 tuổi – dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có Tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 BLHS; Tội cướp giật tài sản quy định tại Điều 171 BLHS.

Căn cứ theo quy định trên, người dưới 18 tuổi (người từ 14 – dưới 18 tuổi) sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cướp tài sản, Tội cướp giật tài sản.

Đồng thời, tại Điều 101 BLHS hướng dẫn áp dụng mức phạt tù có thời hạn với người dưới 18 tuổi phạm tội:

  1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
  2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Như vậy, mức hình phạt với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:

– Đối với người từ đủ 16 tuổi – dưới 18 tuổi: Mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.

– Đối với người từ đủ 14 tuổi – dưới 16 tuổi: Mức hình phạt cao nhất không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.

Việc các thông tin độc hại trên mạng ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ khiến cho nhận thức của giới trẻ bị lệch lạc. Thường với độ tuổi chưa thành niên thì các cháu chưa hoàn thiện về tâm sinh lý nên không có đủ nhận thức về mức nguy hiểm của hành vi cướp tài sản gây ra. Nguyên nhân có thể do nông nổi hoặc muốn thể hiện bản thân mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Cũng do vấn đề chưa phát triển toàn diện nên khi gây án mà đang ở tuổi chưa thành niên, theo quy định thì chế tài áp dụng với tội danh này cũng nhẹ hơn. Việc áp dụng nhẹ hơn này cũng có thể là yếu tố để các cháu lợi dụng để thực hiện hành vi xấu. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là sự giáo dục của gia đình và nhà trường về các hậu quả có thể sảy ra để giới trẻ có nhận thức đúng đắn về mức độ nguy hiểm của vấn đề, từ đó điều chỉnh hành vi cuả mình cho phù hợp.

 

Câu hỏi 7: Với yếu tố là nơi kinh doanh, tích trữ vàng bạc đá quý, khi bị bọn tội phạm đột nhập trộm cắp tài sản hay cướp tài sản thì tính mạng của chủ cửa hàng, nhân viên cửa hàng vàng bạc luôn bị đe doạ. Vụ án giết Nguyễn Văn Luyện giết gia đình chủ cửa hàng vàng ở Bắc Giang là một ví dụ.

Ngoài tập huấn kỹ năng phòng chống tội phạm cứop giật tại cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý cho chủ cơ sở và nhân viên, liệu trong luật pháp nước ta có quy định về chế độ bảo vệ riêng, ví dụ quy định bổ sung về công cụ hỗ trợ, lực lượng bảo vệ… cho những cơ sở kinh doanh có tính chất đặc thù như cửa hàng vàng bạc đá quý để chống đột nhập, cướp tài sản?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 11 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ năm 2017 thì:

“Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:

a) Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này;

b) Phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;

c) Lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ;

d) Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh;

[….]

Như vậy bình xịt hơi cay, dùi cui điện, … được quy  định là công cụ hỗ trợ.

Theo quy định tại Điều 55 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì:

“1. Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ bao gồm:

[….]

m) Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ;”.

Như vậy, cơ sở kinh doanh vàng bạc của bạn không thuộc đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ.

Trong trường hợp này, để đảm bảo an ninh cho hoạt động kinh doanh của mình, các chủ cơ sở có thể thuê doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ. Đây là đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ đồng thời có chức năng chuyên môn trong hoạt động bảo vệ, đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở kinh doanh vàng bạc và cả các ngân hàng.

 

Câu hỏi 8: Cũng liên quan đến vấn đề phòng vệ khi gặp đối tượng cướp xông vào tiệm vàng, chúng tôi nhận được một số ý kiến của thính giả, trong đó có nêu lên nội dung, khi gặp cướp có hung khí đe dọa xông vào tiệm vàng, nhân viên hay khách đến giao dịch chống trả, ngăn chặn tên cướp và làm thiệt mạng tên cướp hoặc gây tổn thương nghiêm trọng cho tên cướp thì họ có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Trả lời:

Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về phòng vệ chính đáng như sau:

  1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

  1. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Do đó, trong trường hợp nếu được xác định là phòng vệ chính đáng thì không phải là tội phạm. Hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Điều 136 Bộ luật hình sự 2015 quy định về xử phạt hành vi do vượt giới hạn phòng vệ chính đáng như sau:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

 

Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.”

Như vậy, cá nhân gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Trường hợp dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.