Cát Tiên Sa lên tiếng về tố cáo vi phạm bản quyền

0
562

Trong bài viết Cát Tiên Sa lên tiếng về tố cáo vi phạm bản quyền đăng trên báo Giao thông, tác giả bài báo có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW.

Mời quý vị đón đọc tại đây:

Chương trình The Remix – Hòa âm ánh sáng 2016 của Công ty Cát Tiên Sa bất ngờ bị tố vi phạm bản quyền.

Chương trình The Remix – Hòa âm ánh sáng 2016 của Công ty Cát Tiên Sa bất ngờ bị một hãng ghi âm quốc tế tố 11 video có sử dụng chất liệu từ 29 ca khúc quốc tế, trong đó có sản phẩm của hãng ghi âm này mà không xin phép.

CGM sẽ “nói chuyện” pháp lý với Cát Tiên Sa

Ngày 30/8, trên fanpage chính thức của CGM Publishing, thành viên của Hãng Club G Music (một hãng ghi âm quốc tế, viết tắt là CGM) đăng tải dòng thông báo gửi tới Công ty Cát Tiên Sa. Theo thông báo này, người phụ trách bản quyền của CGM tại Việt Nam là ông Trần Việt Dũng đã đăng tải video một talkshow mang tên “Bản quyền âm nhạc và rào cản của sự sáng tạo” trên Youtube. Talkshow này từng được phát trên kênh VTV9 hồi tháng 1/2016.

Trong talkshow này, Ban biên tập của nhà đài có sử dụng một trích đoạn lấy từ chương trình The Remix 2016 mà phía CGM cho rằng, trích đoạn này vi phạm bản quyền quốc tế. Tuy nhiên, đoạn video về talkshow này trên Youtube đã nhanh chóng bị gỡ mà không có bất kỳ thông báo nào. CGM cho rằng, chính Cát Tiên Sa đã khiếu nại vi phạm bản quyền khiến video bị gỡ xuống, đồng thời nhận định đây là hành động thiếu thiện chí của Cát Tiên Sa với ông Dũng và Công ty Cát Tiên Sa đang xem nhẹ vấn đề tôn trọng bản quyền âm nhạc.

CGM còn cho biết, hãng này đã bỏ ra 6 tiếng đồng hồ xem lại tất cả video trong chương trình The Remix mùa thứ 2 và cho rằng, chương trình này có tổng cộng 11 video sử dụng chất liệu từ hơn 29 ca khúc quốc tế, trong đó có sản phẩm của Club G Music. “Vậy Cát Tiên Sa đã có giấy phép đồng bộ hóa, giấy phép biểu diễn và giấy phép ghi âm cho từng ca khúc đã được sử dụng cho chương trình The Remix mùa 2?”, hãng này đặt câu hỏi.

Theo nội dung được đăng tải trong thông báo của CGM Publishing, CGM dễ dàng mua và quản lý bản quyền của những ca khúc quốc tế (những ca khúc mà The Remix 2016 đã vi phạm tại Việt Nam) nhờ việc hãng này là thành viên của Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế, thành viên Hiệp hội Các hãng ghi âm độc lập quốc tế, đối tác của BMG Rights Management và là công ty phát hành thông qua Warner Music Group. Từ đó, CGM tuyên bố sẽ hành động về mặt pháp lý tại Việt Nam với Cát Tiên Sa.

Không chỉ vậy, CGM còn mong muốn người phát ngôn của Cát Tiên Sa phải xin lỗi vì hành động thiếu thiện chí của mình đến thành viên của hãng là ông Trần Việt Dũng, nếu không sẽ can thiệp sâu nếu Cát Tiên Sa không có những phản hồi tích cực. Minh họa cho điều này, CGM đã khiếu nại bản quyền và liveshow 4 của The Remix mùa 2 đã bị gỡ trên Youtube.

Cát Tiên Sa đá trách nhiệm cho bên thứ ba

Trước sự việc này, ngày 11/9 trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao thông ông Tuấn Đăng (chức danh đại diện truyền thông của Công ty Cát Tiên Sa) cho biết, việc video của ông Trần Việt Dũng bị gỡ xuống có liên quan đến bên thứ ba là đơn vị Viva Show. Đơn vị này sử dụng các chương trình sản xuất của Cát Tiên Sa để kinh doanh trên Youtube.

Bản thân Viva Show sử dụng hệ thống tự động phát hiện vi phạm bản quyền thông qua Content ID. Hệ thống này sẽ tự động gửi khiếu nại vi phạm bản quyền những Content ID thuộc về nội dung của bên Cát Tiên Sa. Do đó, khi clip của ông Dũng được đăng tải, hệ thống này tự động phát hiện một bên thứ ba đang sử dụng nội dung của chương trình The Remix, nên hệ thống tự động gỡ xuống hoặc khóa lại. Ngay sau sự việc, ông Tuấn Đăng đã liên hệ trực tiếp và trao đổi với ông Dũng, đồng thời gửi email yêu cầu đối tác Viva Show liên hệ với CGM. Hiện tại, cả ba đã làm việc được với nhau và video của ông Dũng đã hoạt động bình thường.

Ông Tuấn Đăng nhìn nhận, rất khó để xác định được những ca khúc được nói lên ở trên có thực sự vi phạm hay không. Hơn nữa, theo ông Đăng, những ca khúc này không phải do trực tiếp Cát Tiên Sa sản xuất mà do các thí sinh của chương trình làm.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Hãng Luật SB LAW, một chương trình giải trí có liên quan đến việc vi phạm bản quyền thì đơn vị sản xuất là đối tượng chịu trách nhiệm về nội dung của chương trình.

Tuy nhiên, những tác phẩm ghi âm là tác phẩm được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ, kể cả những tác phẩm của nước ngoài. Để khẳng định một tác phẩm hòa âm phối khí có vi phạm bản quyền hay không thì phía CGM phải chứng minh được những tác phẩm đó vi phạm với những bằng chứng cụ thể”.

“Thí sinh nói và chứng thực đó là ca khúc và sản phẩm do họ tự sáng tác và tự làm. Chúng tôi chỉ làm việc với Cục Bản quyền để xem có đúng nội dung đó do các thí sinh tự làm hay không. Do đó, chuyện phát hiện ra các ca khúc có sử dụng chất liệu từ 29 ca khúc quốc tế và vi phạm bản quyền rất khó có cơ sở để đánh giá. Ngay cả khi làm việc với CGM, họ cũng không đưa ra được cơ sở chính thống là chúng tôi có vi phạm hay không. Mà kể cả trong trường hợp có vi phạm thì cũng không phải trực tiếp Cát Tiên Sa sử dụng mà là thí sinh sử dụng”, đại diện của Cát Tiên Sa nói.

Trong khi đó, dù không tiết lộ cụ thể nhưng ông Dũng cho biết, hãng ghi âm CGM đã sử dụng phần mềm công nghệ riêng để đưa ra được những bằng chứng chứng minh Cát Tiên Sa vi phạm bản quyền của CGM. Đồng thời, liveshow 4 của The Remix 2016 bị gỡ khỏi hệ thống Youtube vì trong liveshow này có vi phạm bản quyền một ca khúc của CGM từ hai năm trước.

Ông Dũng thông tin thêm, sau khi làm việc với Cát Tiên Sa vào chiều 12/9, đơn vị này đã thừa nhận việc vi phạm bản quyền của mình. Đồng thời, Cát Tiên Sa cũng nhờ trực tiếp ông Dũng trở thành người hướng dẫn việc thực hiện bản quyền cho những ca khúc quốc tế cho các chương trình của mình.

Theo Hoàng Anh, báo Giao thông