Câu hỏi phỏng vấn về việc lừa đảo trong buôn bán xe

0
283

Thưa luật sư SB LAW, thời gian qua, có một số vụ lừa đảo khi giao dịch mua bán ô tô xảy ra. Điển hình như vụ của Phan Công Khanh “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, dưới hình thức bán xe giúp nhưng mang xe của người khác đi cầm cố lấy tiền. Hay có một số hành vi như báo mất giấy tờ để làm thêm đăng ký xe, sau đó sử dụng một đăng ký đi cầm cố hoặc vay, còn một đăng ký và xe mang bán…

Vậy xin hỏi luật sư:

Câu hỏi 1: Hiện với các hành vi lừa đảo trong mua bán giao dịch như nêu ở trên, khi chủ xe gặp phải có thể trình báo công an hoặc khởi kiện hay không? Quy định pháp luật xử lý các hành vi trên như thế nào?

Trả lời:

Các chủ xe khi gặp tình huống như trên hoàn toàn có thể nộp đơn tố giác đến cơ quan điều tra hoặc khởi kiện đến toà án nếu người mua có đầy đủ các bằng chứng chứng minh hành vi giao dịch xe đó là lừa đảo hoặc vi phạm hợp đồng.

Thứ nhất, về xử lý hình sự

Hành vi trên có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức phạt cao nhất có thể lên tới từ 12-20 năm. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, hoặc tịch thu toàn bộ tài sản.

Cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra và xác minh hành vi trên của đối tượng có cấu thành tội phạm hay không.

Thứ hai, về khởi kiện dân sự

Để có thể lấy lại tài sản, các chủ xe cũng có thể lựa chọn phương án khởi kiện dân sự để đòi lại tài sản theo Điều 166 BLDS 2015. Nếu tài sản bị mất hoặc hư hỏng, các chủ xe hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại trong đơn khởi kiện của mình theo quy định pháp luật.

Luật sư Hà SBLaw trả lời phỏng vấn về vấn đề buôn bán xe
Luật sư Hà SBLaw trả lời phỏng vấn về vấn đề buôn bán xe

Câu hỏi 2: Nếu người mua bị lừa mua phải xe đang cầm cố ngân hàng, xe gian (giả giấy tờ để bán) thì có cách nào để đảm bảo quyền lợi trước pháp luật?

Trả lời:

Thứ nhất, trong trường hợp việc phát hiện giấy tờ xe là giấy tờ giả.

Người mua nên trình báo lên cơ quan điều tra. Bởi nếu mua xe dùng giấy tờ giả để bán, đồng nghĩa với việc có thể xe là xe không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Trường hợp 01: xe thật, không có dấu hiệu phạm tội, chỉ làm giả giấy tờ.

Trường hợp 02: xe là do phạm tội mà có như người bán thực hiện hành vi trộm cắp, chiếm đoạt, cướp tài sản, …rồi bán lại cho người mua.

Đối với trường hợp 01, nếu cơ quan điều tra kết luận rằng xe không phải là tang vật của vụ án hình sự, không có dấu hiệu tội phạm mà do người chủ phương tiện làm giả giấy tờ xe thì người mua không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ có chủ xe bị xử phạt về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Đối với trường hợp 02, nếu kết quả điều tra từ phía cơ quan công an kết luận rằng người mua xe không biết đây là giấy tờ giả và xe do người bán trộm cắp hoặc phạm tội mà có thì người mua không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng nếu người mua biết xe này do người bán phạm tội mà có mà người mua vẫn giao dịch mua bán thì người mua sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 323 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Nếu xe không thuộc sở hữu của người bán thì giao dịch mua bán xe được coi là giao dịch dân sự vô hiệu. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là hai bên sẽ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Đương nhiên, nếu xe này do phạm tội mà có thì cũng sẽ bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, trường hợp xe đang cầm cố ngân hàng:

Chiếc xe đang là tài sản bảo đảm cho khoản vay tại ngân hàng thì chiếc xe đó sẽ bị hạn chế giao dịch nhằm đảm bảo nghĩa vụ cho khoản vay.

Trong những trường hợp này để đảm bảo quyền lợi trước pháp luật thì người mua có thể tiến hành: Tố giác lên cơ quan điều tra, để họ tiến hành điều tra xác minh vụ việc và yêu cầu bồi thường từ người gây thiệt hại

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình. Trong trường hợp hành vi giao dịch đó là vô hiệu và người mua là người thứ ba ngay tình thì người mua có thể được đảm bảo quyền lợi theo Điều 133 Bộ luật dân sự 2015.

Câu hỏi 3: Xin luật sư cho biết để đảm bảo không bị lừa trong giao dịch mua bán ô tô, người mua (hoặc bán xe như trường hợp vụ của Phan Công Khanh) nên lưu ý những điều gì để phòng tránh?

Trả lời:

*Người mua nên lưu ý

– Tìm hiểu kỹ về thông tin đại lý và người bán tại showroom, người mua cần đọc kĩ thông tin của đại lý, thông tin cá thể. Đảm bảo đúng chuẩn tên tuổi, địa chỉ, số CMT/CCCD, sổ hộ khẩu để hoàn toàn có thể thuận tiện làm những thủ tục sau này như đăng kí xe, bảo hiểm xe, xuất hóa đơn.

– Theo Điều 431 Bộ luật Dân sự 2015, chiếc ô tô trong hợp đồng mua bán xe phải là tài sản được phép giao dịch, không phải là tài sản cấm,… Nên khi tiến hành mua bán xe, cần phải kiểm tra chiếc xe có đầy đủ giấy tờ hợp pháp hay không. Tìm hiểu kỹ nguồn gốc của chiếc xe, tránh tình trạng bị lừa mua phải xe đang cầm cố ngân hàng hoặc là xe gian do phạm tội mà có.

– Người mua cũng nên đọc kỹ hợp đồng mua xe để chắc chắn không có vấn đề gì. Trong hợp đồng, cũng cần phải ghi rõ cụ thể thực trạng của chiếc xe, tránh tình trạng kiện tụng không đáng có phát sinh sau này. Đồng thời, thời hạn giao nhận xe phải được xác định và ghi chi tiết trong hợp đồng mua bán xe ô tô.

– Ngoài ra, căn cứ theo Thông tư 58/2020/TT-BCA về đăng ký xe, hình thức của hợp đồng mua bán xe, tặng xe… phải có công chứng hoặc chứng thực theo đúng quy định của pháp luật. Nên người mua cũng phải lưu ý vấn đề này, xác định là hợp đồng mua xe này đã được công chứng theo đúng pháp luật.

*Người bán nên chú ý

–  Những người bán xe cũng nên lưu ý, cần phải kiểm tra tình trạng pháp lý của xe (là tài sản cần đăng ký) tránh trường hợp bán những chiếc xe không đảm bảo về mặt pháp lý như là xe đang cầm cố ngân hàng, xe gian do phạm tội mà có. Từ đó tránh dẫn đến các trách nhiệm pháp lý không đáng có cũng như những tranh chấp về sau giúp đảm bảo uy tín cho chính bản thân người bán.

– Cần tìm hiểu thông tin các đại lý xe, người mua trước khi tiến hành bán cho họ.

– Thực hiện các giao dịch theo đúng quy định của pháp luật (Cần lập hợp đồng, thủ tục công chứng, chứng thực…) sau đó mới thực hiện bàn giao lại tài sản và giấy tờ. Tránh trường hợp quá tin tưởng, giao trước giấy tờ để người mua thực hiện hành vi phạm tội.