Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW trả lời cơ quan truyền thông về chế tài cho hành vi lợi dụng tên miền thương hiệu của doanh nghiệp để kinh doanh lừa đảo.
Sau đây là nội dung trao đổi:
Thưa ông, tác động việc bị mất tên miền gắn liền với thương hiệu của doanh nghiệp là rất lơn, vậy luật pháp Việt Nam quy định như thế nào về việc lợi dụng tên miền thương hiệu của doanh nghiệp để kinh doanh, hoạt động lừa đảo?
Trả lời:
Điều 130, Luật SHTT cấm hành vi: “Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng”.
Luật không xếp tên miền vào đối tượng SHTT được bảo hộ. Nhưng như viện dẫn trên điều luật nghiêm cấm hành vi đăng ký – chiếm giữ – sử dụng tên miền trùng hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn thể hiện rõ khi chủ sở hữu tên miền, nhưng không có quyền lợi nào liên quan đến tên miền đăng ký.
Việc thâu tóm tên miền đã diễn ra từ lâu, doanh nghiệp muốn lấy lại tên miền phải bỏ ra một khoản tiền lớn để chuộc, vậy đây có phải hình thức tống tiền? Pháp luật có cấm hình thức này không?
Trả lời:
Quy định pháp luật về tên miền có quy định là ai đăng ký trước là người sẽ được cấp tên miền trước, lợi dụng quy định này, nhiều cá nhân và tổ chức đã đầu cơ tên miền, nhanh tay đăng ký những tên miền của những công ty lớn mà họ chưa vào Việt Nam, chưa đăng ký ở Việt Nam, sau đó, hy vọng là sẽ có thể đàm phán, bán lợi với giá cao và kiếm lời.
Hình thức này theo quy định của pháp luật không phải là hình thức tống tiền, không thể xử lý hình sự được, việc này, chủ sở hữu tên miền cũng có lỗi là không đăng ký trước, vì vậy, việc đòi lại tên miền và bồi thường thiệt hại chỉ có thể tiến hành bằng con đường yêu cầu giải quyết tại tòa dân sự, trọng tài và hòa giải.
Thực tế, một tên miền dù bị đánh cắp hay bị “nẫng tay trên” cũng đều đem đến cho người sở hữu tên miền nó rất nhiều nguy cơ.
Ngoài việc ảnh hưởng về uy tín thương hiệu, gây nhiễu, loạn thông tin mà xét về lâu dài sẽ ảnh hưởng nặng nề trên bình diện kinh tế.
Biết là vậy, nhưng không ít cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp một mặt vẫn khá chủ quan, mặt khác lại coi nhẹ việc sở hữu tên miền sẽ trực tiếp cản trở việc mở rộng đầu tư, tiến ra thị trường quốc tế.
Giá cả là một vấn đề, và khi bị ép giá thì vấn đề này càng trở nên khó khăn. Người cần thì luôn cần, còn kẻ sở hữu thì “ưng” giá mới thèm bán đã tạo thành một cuộc đuổi bắt mà không biết đích ở đâu.
Chưa hết, một số người sở hữu còn sử dụng chiêu trò đó là “nhúng” những dịch vụ nhạy cảm, sản phẩm không liên quan hoặc của công ty đối tác vào nội dung thuộc tên miền sở hữu để “ép” người cần phải mua lại để bảo vệ thương hiệu, uy tín của mình.
Thiết nghĩ, doanh nghiệp nên chủ động bảo vệ thương hiệu, phải mua tên miền trước, và đặt tên miền theo tên doanh nghiệp, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Đối với các đối tượng đứng sau lợi dụng tên miền để kinh doanh bất hợp pháp, lừa đảo, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu doanh nghiệp sẽ bị xử lý ra sao thưa ông?
Trả lời:
Tên miền quốc gia “.vn” thuộc quyền quản lí của Trung tâm Internet Việt Nam trực thuộc Bộ thông tin và truyền thông trên cơ sở quy định của Luật công nghệ thông tin năm 2006 và các văn bản hướng dẫn khác.
Theo quy định tại Điều 76 Luật công nghệ thông tin năm 2006, tranh chấp về sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” sẽ được giải quyết theo hình thức:
+ Thông qua thương lượng, hòa giải
+ Thông qua trọng tài
+ Khởi kiện tại Tòa án
Mặt khác, theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi “Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng” bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp.
Trường hợp này sẽ bị xử lí hành chính theo quy định tại điểm a khoản 16 và điểm c khoản 18 Điều 14 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP dưới hình thức cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp:
“16. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a, đăng kí, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lí, tên thương mại của người khác được bảo hộ nhằm chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lí tương ứng
…
- Biện pháp khắc phục hậu quả
c, Buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm từ khoản 1 đến khoản 15 Điều này; buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 16 Điều này”
Ông có góp ý gì về hành lang pháp lý để tránh tình trạng thâu tóm tên miền rồi quay lại tống tiền doanh nghiệp?
Trả lời:
Hiện nay, văn bản pháp lý Việt Nam có hai hình thức quy định xử lý thuộc về lĩnh vực quản lý của hai Bộ (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ) đối với cùng một vấn đề liên quan tới tên miền trùng hoặc giống tới mức nhầm lẫn với tên thương hiệu.
Việc đăng ký tên miền được thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt. Thông lệ chung quốc tế hiện được áp dụng cho cả tên miền quốc tế lẫn tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”. Tên miền “.vn” không nằm trong đối tượng điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ, quy định này được thể hiện xuyên suốt từ Luật Công nghệ thông tin, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ chung của quốc tế, thương hiệu và tên miền là hai đối tượng độc lập, do đó các vấn đề tranh chấp tên miền phải giải quyết bằng thương lượng hòa giải, giải quyết thông qua Trọng tài hoặc khởi kiện tại Tòa án.
Theo điểm d Điều 130 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định về các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh: “Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng”.
Cùng với tình hình phát triển Internet cũng như số lượng tên miền quốc gia Việt Nam .VN được đăng ký mới và cấp phát theo nguyên tắc “đăng ký trước, xét cấp trước”, các vụ việc tranh chấp về tên miền do có sự trùng hợp với các đối tượng được bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ ngày càng xảy ra nhiều hơn và là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển.
Để giải quyết triệt để tình trạng này, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ban hành chính sách thống nhất các văn bản quy định về xử lý tranh chấp tên miền trùng hoặc giống tên thương hiệu nhằm khắc phục tình trạng khiếu kiện kéo dài, khó giải quyết như hiện nay