Chèo kéo bệnh nhân ra phòng khám tư và làm chết người bị xử lý thế nào ?

0
581

Câu hỏi: Một bác sỹ làm tại bệnh viện công chèo kéo bệnh nhân ra phòng khám tư để khám. Sau đó, không may dùng thuốc cho bệnh nhân bị tử vong. Người nhà bệnh nhân khiếu nại lên bệnh viện. Bác sỹ này bị xử lý thế nào?   Cải tiến những lưu ý khi đi khám bệnh

hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:

Khoản 3, Điều 28, Nghị định 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm  hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định như sau:

“3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cản trở người bệnh thuộc diện chữa bệnh bắt buộc vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Chỉ định sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoặc gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác vì mục đích vụ lợi;

………………..”

Bên cạnh đó, đối với việc “không may dùng thuốc cho bệnh nhân bị tử vong”, căn cứ theo quy định Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi và bổ sung 2017, hành vi của bác sĩ có thể xem xét ở khía cạnh như sau:

Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính

  1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
  2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
  3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Trường hợp bác sĩ không vi phạm những quy tắc về nghiệp vụ dẫn đến việc bệnh nhân bị thiệt hại về tính mạng nhưng qua điều tra, xác minh, cơ quan có thẩm quyền xác định được bác sĩ vẫn có lỗi vô ý trong việc gây ra thiệt hại về tính mạng của bệnh nhân thì bác sĩ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vô ý làm chết người theo quy địnhc ủa BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

Điều 128. Tội vô ý làm chết người

  1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
  2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.”

Ngoài ra, nếu bác sĩ mắc tội vô ý làm chết người, bác sĩ này cũng sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được quy định tại  Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015:

“1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Để có thể xác định được chính xác trách nhiệm của bác sĩ kia thì còn cần kết luận của cơ quan điều tra.