Chỉ dẫn địa lý làm tăng giá trị nông sản xuất khẩu

0
620

Nhận lời mời của ban biên tập truyền hình Công an nhân dân, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trao đổi với BTV Hoài Nam với chủ đề Chỉ dẫn địa lý làm tăng giá trị nông sản xuất khẩu.

Mời Quý vị xem nội dung tại đây:

Câu hỏi: Đánh giá về thực trạng giá trị nông sản bị giảm như thế nào khi nhà sản xuất hay vùng sản xuất thiếu quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của mình?

Trả lời: Việc thiếu quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của mình sẽ dẫn tới việc sụt giảm giá trị hàng hoá khi đưa ra thị trường.

Chúng ta đều biết rằng để có thể bảo vệ được danh tiếng và chất lượng cho sản phẩm của mình thì chính quyền địa phương cần tiến hành đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam và nước ngoài và phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Khi có Giấy chứng nhận đăng ký thì mới có cơ sở để xử lý các vi phạm trên thị trường. Có một thực tế là nhiều sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng, nếu cứ để tình hình này diễn ra, người tiêu dùng sẽ mất niềm tin vào sản phẩm nông sản và từ đó, giá trị xuất khẩu cũng như tiêu thụ ở thị trường trong nước sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người nông dân khu vực mang chỉ dẫn địa lý

Câu hỏi: Tầm quan trọng của việc bảo hộ Chỉ dẫn địa lý đối với hàng hóa nông sản xuất khẩu Việt Nam?

Trả lời: Khi nông sản mang chỉ dẫn địa lý xuất khẩu, chúng ta cũng nên tiến hành bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại những thị trường xuất khẩu thông qua cơ chế đăng ký trực tiếp hoặc cơ chế có đi có lại, có nghĩa là Việt Nam công nhận một chỉ dẫn địa lý của nước ngoài và ngược lại họ cũng công nhận chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Khi nông sản Việt Nam mà được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài, sẽ nâng cao danh tiếng của thương hiệu sản phẩm và tạo nên lòng tin cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cũng sẽ thuận lợi hơn ở thị trường xuất khẩu.

Hoạt động xử lý vi phạm chỉ dẫn địa lý cũng có cơ sở pháp lý khi chúng ta được nước xuất khẩu bảo hộ.

Câu hỏi: Thực trạng đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với hàng hóa nông sản ở VN hiện nay? Ý thức của nhà sản xuất đối với việc này ra sao?

Trả lời: Với việc cấp Giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Nhãn lồng Hưng Yên, tính đến ngày 14/2/2017, Việt Nam hiện nay đã cấp cho 55 sản phẩm của các địa phương Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Có thể nói, đây là một sự nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương của các vùng đặc sản nhằm được Cục SHTT bảo vệ về mặt pháp lý và là những bước đầu để phát triển thương hiệu sản phẩm.

Tuy nhiên, để CDĐL thực sự mang lại giá trị cho người nông dân thì rất cần nỗ lực của chủ sở hữu nhằm thực hiện các hoạt động thương mại hoá sản phẩm, đầu tư quảng bá sản phẩm và tạo danh tiếng cho sản phẩm ở trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, cũng cần phổ biến vai trò, ý nghĩa của sản phẩm cho những người nông dân trong vùng đặc sản để họ luôn giữ chất lượng hàng hoá, tạo uy tín và niềm tin cho người tiêu dùng.

Câu hỏi: Lời khuyên của Luật sư cho nhà sản xuất là gì?

Trả lời: Trên thế giới, đã có nhiều CDDL rất thành công như rượu sâm banh, rượu vang, Việt Nam có thể học hỏi mô hình quản trị và phát triển của những sản phẩm này để có thể rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc giữ vững chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu là trọng tâm của hoạt động quảng bá và quản trị CDDL, nếu làm tốt được khâu này thì sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy giá trị hàng hoá xuất khẩu.

Xin cám ơn luật sư.

Mời Quý vị xem thêm phần tư vấn của luật sư SBLAW về chủ đề này trên truyền hình nhân dân: