Có đòi lại được tiền trong trường hợp cho vay lãi suất cao?

0
504

Câu hỏi: Tôi muốn làm đơn đòi nợ, do quen biết bà X có đề nghị vay tôi số tiền là 100.000.000 (Một trăm triệu đồng) thời gian vay từ tháng 4/2017 đến tháng 9/2017 phải trả. Bà X thỏa thuận trả lãi tôi 12 triệu 1 tháng không viết bằng văn bản. Có bản Công chứng kèm theo, đến thời hạn trả Bà X không trả, tôi đòi mãi đến tháng 11/2017 Bà X mới trả tôi 50 triệu, không trả lãi, còn 50 triệu gốc lẫn lãi Bà X không chịu trả, mặc dù tôi không đòi tiền lãi chỉ lấy tiền gốc thôi, nhưng bà X cố tình không trả vậy tôi làm đơn đòi nợ ra Tòa án có được không, tôi vi phạm pháp luật không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì 2 bên vay tiền có hợp đồng công chứng nên các bên phát sinh quan hệ vay tiền và bên vay có nghĩa vụ phải trả theo quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015:

“Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Trong trường hợp của bạn, bạn cho vay 100 triệu, lãi suất thỏa thuận 12 triệu/ 1 tháng, thời hạn vay từ tháng 4/2017 đến tháng 9/2017. Hết thời hạn vay mà bên vay không trả theo thỏa thuận hai bên như vậy bên vay có hành vi vi phạm hợp đồng vay và có nghĩa vụ phải trả nợ cho bạn.

Tháng 11/2017, bà X đã trả 50 triệu, và bà X vẫn có nghĩa vụ trả 50 triệu còn lại. Do đó, nếu bà X không tự nguyện trả, bạn có quyền khởi kiện tới Tòa án để yêu cầu lấy lại số tiền đó.

Về lãi suất cho vay, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 20%/năm, trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Theo đó, bạn cho vay 100 triệu với lãi suất 12 triệu/1 tháng, tương đương với lãi suất 12%/ tháng, lãi suất này vượt quá lãi suất tối đa ngân hàng nhà nước cho phép, do đó khi ra Tòa án bên vay phải trả theo lãi theo Ngân hàng Nhà nước quy định (9%/năm).

Hành vi này của bạn chưa cấu thành tội Cho vay nặng lãi theo Điều 163 Bộ luật hình sự 1999 do chưa vượt quá 10 lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định và chưa có tính chất chuyên bóc lột. Ngoài ra, theo thông tin bạn cung cấp thì bạn chỉ còn yêu cầu người vay thanh toán tiền gốc và không thanh toán lãi, do đó bạn sẽ không bị xử lý về hành vi cho vay quá lãi suất quy định.