SBLAW trân trọng giới thiệu bài tham luận của Luật sư Phạm Duy Khương, giám đốc SHTT SBLAW tại Hội thảo khoa học quốc gia: Thực thi các cam kết pháp lý của Việt Nam trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) và vấn đề bảo vệ quyền sao chép trong bối cảnh Hội nhập được tổ chức bởi Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam và khoa Luật, đại học kinh tế quốc dân.
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC VỀ BẢO VỆ QUYỀN SAO CHÉP KHI VIỆT NAM THAM GIA TPP
Tóm tắt
Việc gia nhập hiệp định Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể đạt được các lợi ích này, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức. Trong phạm vi nội dung bài việt này, tác giả tập trung phân tích sâu về cơ hội và thách thức về bảo vệ quyền sao chép khi Việt Nam tham gia TPP. Cơ hội và thách thức sẽ được phân tích qua các quy định mới trong luật sở hữu trí tuệ theo TPP: Quy định về vấn đề thực thi chính là quy định về “Giả định”, quy định về bồi thường thiệt hại, 1uy định về bảo vệ quyền của chủ thể quyền trong môi trường điện tử trực tuyến tại Việt Nam. Bên cạnh đó khái niệm về quyền sao chép cũng được tập trung làm rõ.
Từ khoá chính: thách thức khi tham gia TPP; cơ hội khi tham gia TPP; luật sở hữu trí tuệ trong TPP; “Giả định” trong TPP; bồi thường thiệt hại trong TPP; môi trường điện tử trực tuyến; quyền sao chép; bản quyền.
Đặt vấn đề
Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – TPP) một thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia gồm Ốt-xtrây-lia, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po, Hoa Kỳ và Việt Nam, được đánh giá là một trong những thỏa thuận về tự do thương mại lớn nhất thế kỷ 21, một sự kế thừa và mở rộng của GATTS về mở cửa thị trường, tự do hóa thương mại giữa các quốc gia, cũng đã được các nước thành viên ký kết Xác thực lời văn Hiệp định TPP ngày 04/02/2016 tại Auckland, Niu Di-Lân. Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng bằng văn bản về việc các Bên đã hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ. Nếu không có gì thay đổi, Việt Nam chúng ta có thể sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ để thông qua TPP ngay trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 14 sắp tới.
Theo các số liệu thống kế được công bố trong quá trình các nước tham gia đàm phán, các quốc gia thành viên hiện tại của TPP chiếm 40% GDP của cả thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu. Đối với Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đã ước đoán GDP của Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng 10% vào năm 2025.
Việc gia nhập hiệp định TPP được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể đạt được các lợi ích này, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức. Trong phạm vi nội dung bài việt này, tác giả tập trung phân tích sâu về cơ hội và thách thức về bảo vệ quyền sao chép khi Việt Nam tham gia TPP. Quyền sao chép trở nên đặc biệt quan trọng khi mà hiện tượng sao chép vi phạm bản quyền đang gây thất thu, cản trở sự sáng tạo, tuy nhiên các quy định cũng như việc thực thi pháp luật đối lĩnh vực này vẫn chưa hoản chỉnh.
- Tổng quan tình hình nghiên cứu
Hiện nay, rất nhiều các nghiên cứu đang tập trung vào cơ hội và thách thức Việt Nam gặp phải khi gia nhập TPP, đặc biệt là liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, ngoài một số nghiên cứu nhất định của Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam (Viettro) về tình hình vi phạm về sao chép trước thời điểm TPP được ký kết tại Việt Nam thì hầu như chưa chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào tập trung vào những thách thức, cơ hội về mặt pháp lý mà Việt Nam gặp phải liên quan đến Quyền sao chép. Chính vì điều này, trong bài viết của mình tác giả sẽ tập trung vào phân tích những cơ hội và phân tích đối với quyền sao chép.
- Cơ hội và thách thức về bảo vệ quyền sao chép khi việt nam tham gia tpp
“Quyền sao chép” gồm những nội dung gì?
Tuy nhiên, để có thể nói về cơ hội và thách thức về bảo vệ quyền sao chép, thì cần phải xác định và làm rõ “Quyền sao chép” gồm những nội dung gì.
Quyền sao chép là một trong các quyền tài sản quan trọng của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam, công ước Berne.
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam thì quyền sao chép gồm có quyền sao chép tác phẩm (đối với tác phẩm), sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình (đối với quyền của người biểu diễn), sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình (đối với quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình) và sao chép bản định hình chương trình phát sóng (đối với quyền của tổ chức phát sóng).
Quyền sao chép theo công ước Berne, TPP hay Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam về cơ bản đều gồm quyền độc quyền sao chép, cho phép hoặc cấm việc sao chép tác phẩm, cuộc biểu diễn hoặc bản ghi âm theo bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng quyền sao chép không phải là tuyệt đối mà luôn có một số ngoại lệ được áp dụng và khi các tổ chức, cá nhân đáp ứng được các ngoại lệ này thì chủ sở hữu quyền sẽ không được thực hiện quyền sao chép của mình.
Tại thời điểm hiện tại, việc thực thi quyền sao chép tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do hành vi xâm phạm quyền sao chép vẫn đang tồn tại và tồn tại ở mức độ phổ biến đến mức hành vi xâm phạm theo quy định của pháp luật nhưng lại được coi là hành vi bình thường trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, ý thức tự bảo vệ quyền của các chủ sở hữu quyền vẫn còn đang rất mơ hồ, nhiều chủ sở hữu quyền hiện vẫn chưa thực sự hiểu rõ và nắm vững về quyền của mình đối với những tài sản trí tuệ mà mình đã tạo ra.
Đứng trước thực trạng đã nêu, TPP đến thời điểm hiện tại mặc dù vẫn chưa có hiệu lực thi hành nhưng đã đưa lại nhiều hy vọng rằng sẽ thay đổi một cách căn bản và triệt để việc thực thi quyền sao chép tại Việt Nam khi có nhiều quy định cụ thể hóa các biện pháp tự bảo vệ quyền, biện pháp hành chính, biện pháp dân sự và biện pháp hình sự để đảm bảo quyền sao chép chống lại việc sao chép trái phép dưới mọi hình thức bao gồm cả hình thức điện tử.
Đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, tác giả bài viết này khẳng định rằng việc gia nhập TPP đem lại nhiều cơ hội và lợi ích cho thủ thể quyền hơn bất cứ một nhóm đối tượng nào khác được hưởng lợi khi Việt Nam tham gia TPP, rất nhiều các quy định của TPP đã can thiệp rất sâu vào quy định pháp lý nội bộ của một quốc gia và buộc các quốc gia tuân theo các quy định này. Tuy nhiên, dưới góc độ của quản lý nhà nước, cơ quan lập pháp và các cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ chịu sự ràng buộc cao hơn đối với các thỏa thuận trong chương 18 của TPP và các quy định có liên quan đến sở hữu trí tuệ trong các chương khác, đặc biệt là việc xây dựng các quy định pháp luật của quốc gia đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn mà TPP đã đặt ra.
Một số quy định tiêu biểu về thực thi quyền của Hiệp định TPP
Để hiểu rõ hơn TPP sẽ có ích như thế nào đối với quyền sao chép, chúng ta có thể xem xét một số quy định tiêu biểu về thực thi quyền của Hiệp định này.
Quy định đầu tiên cần phải xem xét đến trong TPP về vấn đề thực thi chính là quy định về “Giả định”.
Điều 18.72 của TPP quy định về Giả định như sau: “Trong các thủ tục tố tụng dân sự, hình sự, và nếu phù hợp, thủ tục hành chính liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan, mỗi Bên phải quy định về sự giả định rằng, nếu không có bằng chứng ngược lại thì: (a) người được nêu tên theo cách thông thường là tác giả, người biểu diễn, hoặc nhà sản xuất của tác phẩm, buổi biểu diễn, hoặc bản ghi âm, hoặc nhà xuất bản nếu thích hợp, được coi là chủ thể quyền đã nêu đối với tác phẩm, buổi biểu diễn, hoặc bản ghi âm đó; và (b) tồn tại quyền tác giả hoặc quyền liên quan đối với đối tượng này.”
Theo quy định về giả định này thì các cơ quan thực thi của một quốc gia phải luôn Giả định rằng khi có một bên yêu cầu bảo vệ và thực thi quyền của mình đối với một đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan thì đấy là yêu cầu hợp pháp của chủ thể quyền đối với đối tượng được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 18.72. Quy định về Giả định này là cực kỳ quan trọng và hữu ích cho chủ thể quyền khi mà về nguyên tắc quyền tác giả, quyền liên quan được thừa nhận và bảo hộ tại thời điểm tác phẩm được định hình dưới một dạng vật chất nhất định và trong nhiều trường hợp việc cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền của tác giả, chủ sở hữu đối với các đối tượng này là cực kỳ khó khăn nếu tác giả, chủ sở hữu không thực hiện đăng ký bảo hộ quyền tác giả tại Cục bản quyền tác giả Việt Nam.
Tại thời điểm hiện tại, với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, việc “Giả định” tương tự như quy định của TPP gần như là không có, trên thực tế thậm chí diễn ra nhiều trường hợp ngược lại là các cơ quan thực thi giả định rằng bên yêu cầu không phải là chủ thể quyền do không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền của mình đối với tác phẩm được bảo hộ và do đó từ chối việc thụ lý và giải quyết theo quy định hiện hành.
Như vậy, với quy định về giả định, khó khăn đầu tiên của chủ thể quyền trong việc yêu cầu thực thi bảo vệ quyền đối với tác phẩm, quyền liên quan có thể được loại bỏ hoặc ít nhất là các văn bản pháp luật trong nước của Việt Nam sẽ được thay đổi và quy định lại theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn cho chủ thể quyền khi yêu cầu thực hiện các thủ tục dân sự, hành chính hoặc hình sự.
Tiếp theo, một trong những quy định khác của TPP có lợi rất lớn cho chủ thể quyền khi xử lý các hành vi xâm phạm quyền của mình chính là quy định về bồi thường thiệt hại.
Hiện nay, theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam và nguyên tắc về bồi thường thiệt hại trong dân sự thì việc bồi thường thiệt hại chỉ bao gồm các thiệt hại thực tế phát sinh và chủ thể quyền phải chứng minh được các khoản thiệt hại thực tế này. Mặc dù nghị định 105/2006/NĐ-CP và nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định này đã liệt kê đầy đủ các loại thiệt hại và cách thức chứng minh các thiệt hại thực tế này, tuy nhiên thực tiễn từ trước đến nay trong quá trình xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan có rất ít ghi nhận về việc chứng minh thành công thiệt hại thực tế theo quy định của pháp luật hiện hành. Đây hiện đang là vấn đề khó khăn của chủ thể quyền không những của quyền tác giả, quyền liên quan mà còn bao gồm cả quyền sở hữu công nghiệp.
Tuy nhiên, với quy định về bồi thường thiệt hại của TPP, vấn đề này có thể sẽ khác khi TPP đưa ra nhiều quy định hơn về xác định thiệt hại cũng như cách tính thiệt hại. TPP coi các khoản bồi thường thiệt hại không những chỉ là các khoản đủ để bù đắp cho chủ thể quyền do những thiệt hại gây ra bởi hành vi xâm phạm mà còn nhằm mục đích răn đe những hành vi xâm phạm trong tương lai (khoản 8, Điều 18.75). Với nguyên tắc này, TPP yêu cầu các quốc gia thành viên “Trong thủ tục tố tụng dân sự, đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm, bản ghi âm hoặc buổi biểu diễn, mỗi Bên phải thiết lập hoặc duy trì một hệ thống có một hoặc nhiều quy định dưới đây: (a) các khoản bồi thường thiệt hại định trước để chủ thể quyền có thể lựa chọn; hoặc (b) các khoản bồi thường thiệt hại bổ sung” (khoản 6, Điều 18.75). Khoản bồi thường thiệt hại bổ sung được làm rõ trong ghi chú số 112 của Chương 18, cụ thể hơn khoản bồi thường thiệt hại bổ sung có thể bao gồm khoản tiền phạt để cảnh cáo hoặc trừng phạt.
Quy định về khoản bồi thường thiệt hại bổ sung nêu trên đi ngược lại hai nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam về phạt hiện tại như sau:
- Nếu là xử phạt hành chính: thì việc xử phạt căn cứ vào các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khoản tiền phạt này phải trả về cho Ngân sách nhà nước, và bên bị xử phạt chịu trách nhiệm trước các cơ quan nhà nước;
- Nếu là khoản phạt dân sự hay thương mại thì đây phải là một thỏa thuận được xác lập trước bởi và giữa các bên một cách rõ ràng về điều kiện phát, mức phạt.
Mặc dù chưa xác định được mức trần cụ thể của khoản bồi thường bổ sung là bao nhiêu nhưng với quy định này chủ thể quyền đã lần đầu tiên có thể có được một lợi thế rõ ràng trong quá trình giải quyết vụ việc. Cần phải lưu ý rằng quy định tại Khoản 6 của Điều 18.74 là quy định dành cho thủ tục tố tụng dân sự, tuy nhiên với nguy cơ bị áp một khoản bồi thường thiệt hại bổ sung mang tính răn đe cao (bên cạnh các khoản xử phạt hành chính) khi vụ việc được xử lý tại tòa, bên thực hiện hành vi xâm phạm có thể hoặc buộc phải lựa chọn biện pháp thương lượng như một biện pháp an toàn và giảm thiểu các rủi ro pháp lý cho họ, chính điều này đem lại lợi thế cho chủ thể quyền khi thương lượng giải quyết vụ việc, nghĩa là chủ thể quyền có thể đạt được lợi ích dự tính của mình một cách dễ dàng và nhanh hơn rất nhiều thay vì phải trải qua một quá trình tố tụng dân sự phức tạp, kéo dài và rất nhiều tốn kém khó kiểm soát.
Đối với thủ tục tố tụng hình sự, TPP là Hiệp định quốc tế đầu tiên đưa ra được các quy định để cụ thể hóa “Quy mô thương mại” để làm căn cứ khởi tố hình sự theo quy định của pháp luật của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, TPP lại tạo điều kiện khá rộng cho các quốc gia tự xác định thế nào là “Quy mô thương mại” trong quy định pháp luật nội bộ.
Tại Việt Nam, với việc ban hành Bộ luật hình sự 2015 và bộ luật này sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 01/07/2016 thì vấn đề xác định “Quy mô thương mại” đã không còn là điều quá khó khăn đối với các cơ quan tố tụng hay đối với chủ thể quyền, khi mà các con số định lượng cho cái gọi là “Quy mô thương mại” đã quá rõ ràng. Cụ thể Điều 225 của Bộ luật hình sự đã định lượng “Quy mô thương mại” trong cấu thành cơ bản như sau:
- Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hoặc
- Gây thiệt hại cho chủ thể quyền từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hoặc
- Hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng
Như vậy, các nhà làm luật của Việt Nam đã thực hiện phương châm đi trước đón đầu trong quá trình soạn thảo bộ luật hình sự phù hợp với các quy định của TPP. Và thay vì phải chờ đợi các quốc gia hoàn thiện thủ tục thông qua TPP, hoặc phải chờ Quốc hội ban hành các văn bản luật sửa đổi các quy định hiện hành đối với các lĩnh vực khác thì bắt đầu từ ngày 01/07/2016, các chủ thể quyền tại Việt Nam đã có thể hưởng lợi một phần nào từ các quy định của TPP khi mà bộ luật hình sự của Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.
Quy định về bảo vệ quyền của chủ thể quyền trong môi trường điện tử trực tuyến tại Việt Nam
Quy định tiếp theo của TPP là một quy định mà tác giả bài viết đánh giá rằng đây là một cuộc cách mạng thực sự trong việc bảo vệ quyền của chủ thể quyền trong môi trường điện tử trực tuyến tại Việt Nam. Nếu như nhìn vào thực tế hiện tại đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường internet thì sẽ thấy việc xử lý được hành vi xâm phạm gần như bất khả thi với các cơ quan thực thi, chủ thể quyền. Không có bất cứ một cơ chế, quy định nào trong các văn bản pháp luật hiện tại có thể giải quyết được vấn nạn xâm phạm quyền trên internet một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, với quy định về Nhà cung cấp dịch vụ Internet (Mục J, Chương 18), TPP đã thiết lập được một cơ chế mà theo đó các nhà cung cấp dịch vụ Internet – chủ thể có vai trò quan trọng nhất trong việc phát tán các đối tượng xâm phạm quyền trên Internet, phải có trách nhiệm trước các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trước chủ thể quyền, trong việc phối hợp xử lý các yêu cầu của chủ thể quyền nhằm đảm bảo được việc ngăn chặn các hành vi lưu trữ và truyền đưa các nội dung đã được bảo hộ quyền tác giả mà chưa được sự cho phép của chủ thể quyền hoặc các hành động khác nhằm ngăn chặn các hành vi đã nêu.
Một điều đáng tiếc là TPP đã không quy định Giả định trong mối quan hệ giữa chủ thể quyền và Nhà cung cấp dịch vụ Internet, như đã nói ở trên quy định về Giả định của TPP áp dụng trong các thủ tục tố tụng dân sự, hình sự và hành chính mà không áp dụng trong mối quan hệ giữa chủ thể quyền và Nhà cung cấp dịch vụ Internet. Do đó, với bản chất là một mối quan hệ dân sự giữa chủ thể quyền và Nhà cung cấp dịch vụ Internet, các yêu cầu của chủ thể quyền gửi đến Nhà cung cấp dịch vụ Internet phải đi kèm với các chứng cứ xác đáng chứng minh quyền của chủ thể quyền đối với các tác phẩm đang bị xâm phạm, điều này có thể là một khó khăn mà chủ thể quyền có thể sẽ không vượt qua được ngay từ đầu.
Tác giả bài viết hy vọng rằng các nhà làm luật Việt Nam sẽ lưu ý đến vấn đề “Giả định” trong mối quan hệ giữa chủ thể quyền và Nhà cung cấp dịch vụ Internet trong quá trình soạn thảo các văn bản pháp luật để có thể tạo ra một sự đột phá mạnh hơn nữa trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet.
Khi xem xét về mối quan hệ giữa mức độ phát triển kinh tế với việc thực thi các quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới, tác giả bài viết nhận ra rằng phần lớn các quốc gia có nền kinh tế phát triển cao chẳng hạn như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Xing-gapo đều là các quốc gia có hệ thống pháp luật mạnh về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ một cách hiệu quả quyền của chủ thể quyền và qua đấy tạo động lực để họ sáng tạo và các sản phẩm sáng tạo này quay trở lại phục vụ việc phát triển kinh tế.
Kết luận
Việt Nam, một quốc gia đang phát triển cần sự sáng tạo để làm động lực cho sự phát triển của mình hơn bất cứ lúc nào khác khi các tài nguyên thiên nhiên đều là các tài nguyên hữu hạn và đang dần cạn kiệt thì sự sáng tạo của con người là vô hạn và vẫn còn gần như chưa được khai thác. Do đó, nếu có thể kích thích được sự sáng tạo dù chỉ là để giải quyết những vấn đề cơ bản trong đời sống hàng ngày, Việt Nam sẽ có một nền kinh tế sáng tạo và có cơ hội để tiếp tục phát triển nền kinh tế của mình một cách mạnh mẽ. Muốn có được như thế thì việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sao chép nói riêng một cách hiệu quả là một điều kiện tiên quyết. TPP vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam có thể tạo được môi trường thuận lợi cho việc phát triển sự sáng tạo. Và hy vọng rằng trong tương lai Việt Nam sẽ phát triển nền kinh tế của mình nhờ sự sáng tạo.
Luật sư – Thạc sỹ Phạm Duy Khương
Giám đốc công ty luật shtt SB LAW
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phó Gs.Ts. Phạm Thị Hồng Yến, Hiệp định TPP – cơ hội, thách thức và giải pháp chiến lược, Bộ Công Thương, <http://tpp.moit.gov.vn/app_file/tpp/about/hiep%20dinh%20tpp%20-%20co%20hoi%20thach%20thuc%20va%20giai%20phap%20chien%20luoc.pdf>